'Giám sát tránh chồng chéo, địa phương lại bảo các bác lại về à thì chết'

23/09/2022 11:34 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc giám sát sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 cần tránh chồng chéo, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngành, địa phương.

Sáng 23.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch giám sát sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường

gia hân

Báo cáo kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Phó trưởng đoàn giám sát, cho biết về phạm vi, cả 2 nội dung sẽ giám sát trên cả nước. Dự kiến đoàn giám sát sẽ giám sát trực tiếp tại 14 bộ, ngành và 12 địa phương.

Đoàn giám sát dự kiến báo cáo Quốc hội để thực hiện giám sát tối cao tại phiên họp 5, tháng 5.2023.

Thông tin thêm, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát, cho biết kế hoạch đi giám sát trực tiếp tại bộ, ngành địa phương đã được tính toán kỹ.

TP.HCM và Hà Nội buộc phải đi vì đây là 2 địa phương lớn, còn các địa phương khác thì cố gắng mỗi vùng 2 - 3 tỉnh. Tối thiểu là 8 tỉnh, tối đa là 12 tỉnh.

Ông Định cũng cho hay, sẽ phân công trưởng đoàn và 3 phó trưởng đoàn dẫn đầu các đoàn để đi giám sát trực tiếp.

“Mỗi tỉnh đi trong một ngày thôi, cả thời gian đi là 2 ngày. Như thế, mỗi đồng chí đi 2 - 3 ngày là xong, không đi nhiều. Cơ bản làm việc trên giấy. Báo cáo của các đơn vị giám sát chưa được thì yêu cầu báo cáo lại”, ông Định nêu.

“Không nên đoàn này vừa về lại đoàn khác xuống"

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhìn nhận nội dung giám sát “đang rất thời sự” vì vụ Việt Á đang gây tác động lớn.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu ý kiến tại phiên họp

gia hân

Đồng tình việc các đoàn giám sát không nên đi nhiều, chỉ một ngày là đủ, song ông Cường đề nghị có các tổ đi nghe về việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch ở nhiều nơi.

“Như vừa rồi các tổ đi giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí đi địa phương cũng có rất nhiều vấn đề, đi mấy đợt mới ra được chứ đi thoảng qua thì không hiệu quả. Nên chăng thành lập các tổ như vậy, còn lãnh đạo đi đến chỉ để kết luận thôi. Tránh nghe một chiều báo cáo mà không có thông tin cần nắm thêm”, Tổng thư ký Quốc hội kiến nghị.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nhiều nội dung giám sát, nhất là giám sát về huy động nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19 đã được Kiểm toán Nhà nước làm, đã báo cáo Quốc hội; các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra cũng đang làm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện các tài liệu, báo cáo sẵn có về nội dung này rất nhiều, cần phải triệt để sử dụng, không cần thiết phải đi nhiều.

“Các đồng chí tiếp tục nghiên cứu xem trọng tâm, trọng điểm của giám sát, rủi ro là gì, những sai phạm có thể gặp phải trong quá trình này, sau đó mới tung lực lượng thế nào, bố trí ra làm sao. Chứ không cuộc nào giống như cuộc nào, chứ cứ phân tán lực lượng, hiệu quả thấp”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phải xác định phương thức giám sát vì cuộc giám sát chỉ tập trung trước tết, sau tết, vì tháng 5.2023 phải báo cáo Quốc hội (tại kỳ họp 5). “Như thế thì chủ yếu giám sát trên báo cáo, tài liệu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về địa phương dự kiến giám sát trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý “không nên đi hết”, vì thời gian giám sát là thời điểm các cơ quan, đơn vị “đang rất bận rộn”, áp lực, do đó giám sát không được gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngành y tế.

Dẫn chứng giám sát về quy hoạch do dịch bệnh nên không đi thực tế nhiều song kết quả giám sát vẫn rất tốt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm "không nên kéo quân ồ ạt xuống dưới" vì không khéo lại phản tác dụng.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải điều phối, tránh chồng chéo cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cuộc giám sát khác.

“Không nên đoàn này vừa về lại đoàn khác xuống. Địa phương họ lại bảo các bác lại về à thì chết”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Tập trung giám sát tiếp nhận, mua sắm vắc xin Covid-19

Về nội dung giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong huy động các nguồn lực để chống dịch có nguồn lực trong nước, nguồn lực nước ngoài. Trong nguồn lực nước ngoài thì có vấn đề tiếp nhận, mua sắm vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

gia hân

“Kit test Kiểm toán Nhà nước đã làm chán về cái đó rồi thì mình không nên tập trung vào nữa. Nên chăng tập trung vào vắc xin. Viện trợ vắc xin từ nước ngoài, qua cơ chế COVAX là bao nhiêu, thu và phân phối sử dụng cái này thế nào? Rồi mua vắc xin thế có đúng không, phân phối ra sao, quản lý sử dụng thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho rằng, đây nên là trọng tâm của nội dung giám sát vì vừa qua Kiểm toán Nhà nước cũng có làm nhưng chưa đi sâu.

Cũng liên quan tới vắc xin phòng Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vắc xin và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch trong nước.

“Tôi thấy có loại vắc xin sản xuất trong nước xin cấp phép khẩn cấp nhưng đến giờ chả thấy gì. Kết quả nghiên cứu, sản xuất sử dụng vắc xin trong nước như thế nào vì vấn đề tự cường trong phòng, chống dịch rất quan trọng. Ta phải xem cái này đến đâu. Tôi thấy kiểm toán, thanh tra vẫn chưa đi sâu vào cái này”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh quan điểm, giám sát của Quốc hội cuối cùng là đề cao trách nhiệm giải trình. Phải chỉ rõ mặt nào tốt, mặt nào tồn tại yếu kém và trách nhiệm thế nào.

“Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm theo quy định pháp luật, trách nhiệm hành chính. Kể cả sai phạm thì có đề xuất cơ quan khác biện pháp xử lý”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.