Không có nhu cầu vẫn duy trì đào tạo
|
Số lượng tuyển sinh tỷ lệ nghịch với nhu cầu và mất cân đối giữa các địa bàn. Một số địa phương đã có trường ĐH SP do Bộ GD-ĐT quản lý đóng trên địa bàn, có khả năng đáp ứng nhu cầu GV tất cả các bậc học nhưng vẫn duy trì sự tồn tại của trường CĐ SP do địa phương quản lý, thậm chí có địa phương còn “khai sinh” loại hình trường này sau cả thời điểm ra đời của trường ĐH nói trên. Ngoài ra, nhiều địa phương có trường CĐ SP và vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh đều đặn hằng năm nhưng trong thông báo tuyển GV các bậc phổ thông thì chỉ tuyển những đối tượng có bằng tốt nghiệp ĐH. Qua đó cho thấy đã đến lúc địa phương không có nhu cầu sản phẩm từ các trường CĐ nhưng vẫn duy trì hệ đào tạo này.
Nhóm nghiên cứu cũng phản ánh một thực tế, do nhiều trường SP mới được mở ra, các trường không phải là SP cũng thành lập khoa SP, các trường CĐ thì nâng lên ĐH SP, đã khiến cho nguồn cung ngày càng thừa nhiều, nên nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình, học sinh yếu.
Hiện nay cả nước có tổng số 114 cơ sở đào tạo GV. Không chỉ quá nhiều cơ sở đào tạo mà sự phân bổ các trường SP còn quá dàn trải về địa lý, đều khắp ở tất cả các vùng, miền, địa phương trong cả nước. Trong khi đó, các địa phương hiện vẫn thực hiện tinh giản biên chế GV (từ nay đến năm 2021 giảm 10%), nên vài năm tới đây bức tranh nhu cầu nhân lực ngành SP sẽ tiếp tục giảm. Vậy nhưng hàng trăm trường, cơ sở đào tạo SP vẫn tiếp tục tuyển sinh để đào tạo nhân lực cho ngành, dù 2 năm nay chỉ tiêu tuyển sinh SP đã được Bộ GD-ĐT chủ động siết lại.
Cung vượt cầu
tin liên quan
Cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạmTheo quy hoạch, đến năm 2020 quy mô đào tạo ngành SP chiếm 10% trong tổng số sinh viên tuyển mới khoảng 560.000. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Mặt khác, dù số lượng SV được tuyển trước đây là quá nhiều (dự báo số SV ra trường các năm 2018, 2019 chưa có việc làm ngay là hơn 40.000) nhưng Bộ GD-ĐT không thể dừng hẳn tuyển sinh của cả trăm trường có đào tạo GV, mà vẫn giao cho các trường một lượng chỉ tiêu nhất định. Nếu vẫn để tồn tại số lượng trường nhiều như vậy thì tất yếu sẽ tiếp diễn tình trạng cung thừa cầu.
Một thực tế khác, số lượng các trường SP ở VN chủ yếu thuộc hệ thống công lập. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế - xã hội và ngay cả những nước phát triển cũng khó đủ tiềm lực trang trải, đầu tư đồng bộ cho một hệ thống cồng kềnh như vậy. Do đó, việc đầu tư kiểu dàn trải đã không tạo ra được sự bứt phá nào trong phát triển các cơ sở đào tạo SP.
Tránh tình trạng đào tạo không giống ai
Theo nhóm nghiên cứu, việc sắp xếp lại mạng lưới trường SP không chỉ để giải quyết các nghịch lý trong đào tạo - tuyển dụng GV mà còn là để hội nhập quốc tế, tránh tình trạng một mình một kiểu không giống ai.
|
Nhu cầu của xu thế quốc tế hóa giáo dục đang thu hút một tỷ lệ GV quốc tế, không chỉ là GV ngoại ngữ mà cả GV một số môn khoa học, kỹ năng... Vì thế, sự cạnh tranh lao động tất yếu sẽ diễn ra. Muốn giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh để có vị trí làm việc, GV và cán bộ quản lý phải đạt chuẩn năng lực GV và mang tính quốc tế. Thực tế này đòi hỏi phải có các trường SP đủ tầm để đào tạo được những GV có năng lực cạnh tranh, năng lực làm việc và có khả năng thích ứng cao.
Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay trên thế giới rất ít nơi còn mô hình trường ĐH chuyên về SP tồn tại độc lập, riêng biệt. Xu hướng hiện nay đào tạo GV được thực hiện chủ yếu ở các ĐH đa ngành. Mô hình thông thường là một khoa hay trường SP trong một ĐH đa ngành. Khoa hay trường đó chỉ chịu trách nhiệm đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ SP. Các nội dung về khoa học sẽ do các khoa hay trường khác trong cùng ĐH đó đảm nhiệm.
Các nước đặt kiến thức chuyên môn lên hàng đầu
Nhóm nghiên cứu cho rằng từ kinh nghiệm quốc tế có thể thấy các nước rất coi trọng kiến thức chuyên môn của một GV. Tiêu chí về kiến thức chuyên môn được đặt lên hàng đầu vì muốn trở thành GV, trước tiên phải tốt nghiệp ĐH và có bằng cử nhân một chuyên ngành nào đó (đối với Mỹ) và phải có bằng thạc sĩ chuyên ngành (ở Pháp và các nước châu Âu), rồi sau đó mới qua khóa đào tạo GV để lấy chứng chỉ hành nghề GV.
Trong hai tiêu chí về tiêu chuẩn của GV là kiến thức chuyên môn và kiến thức nghiệp vụ, điều kiện về kiến thức chuyên môn được ưu tiên trước. Còn ở VN, với sự đầu tư dàn trải hiện nay vô hình trung đẩy chuyên môn vào hàng thứ yếu. Thành thử đào tạo GV hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là thị trường lao động trong khối các nước ASEAN.
|
Bình luận (0)