Theo chủ trương của ngành giáo dục, chương trình học hiện nay cho phép giáo viên được chọn những kiến thức cốt lõi để dạy sâu, lược bỏ các phần kiến thức không thực tế.
Học sinh trong giờ học - Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch |
Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn chưa thực hiện được điều này vì cho rằng… kiến thức nào cũng quan trọng.
Bà N.T.T (hiệu trưởng một trường THCS ở Q.12, TP.HCM) cho rằng kiến thức của bậc THCS hiện tại vẫn còn nặng: “Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT luôn nói giảm tải chương trình kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ giảm thời gian học, lượng kiến thức thì vẫn quá nhiều. Với một số môn như toán, lý, tiếng Anh, có những phần kiến thức rất khó cần làm bài mẫu hoặc luyện tập trên lớp học sinh mới hiểu”.
Giáo viên Nguyễn Thị Giang (dạy tiếng Anh tại Q.Bình Tân, TP.HCM) nói: “Thời gian trước nay vẫn thế, nhưng bây giờ thay vì chuyên tâm dạy kiến thức tôi còn phải tổ chức những buổi chuyên đề. Quỹ thời gian dành cho chuyên môn vì vậy buộc phải giảm”.
Còn giáo viên Trần Thị Quế (tại Q.10, TP.HCM) cũng chia sẻ: “Khi họp tổ bộ môn, chúng tôi cũng được phổ biến là có thể giảm chương trình kiến thức nếu thấy không trọng tâm hoặc không cần thiết. Nhưng giáo viên tự ý giảm khi trường kiểm tra chuyên môn thấy thiếu phần kiến thức nào thì lại khiển trách, làm bản giải trình”. Bà Quế nói thêm: “Để an toàn, chúng tôi thường vẫn dạy hết kiến thức”.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận định: “Do bậc THCS là nền tảng để chuẩn bị kiến thức khi vào THPT và định hướng nghề nghiệp sau này nên kiến thức khá nặng, để đạt được kiến thức cơ bản là không đơn giản”.
Ông Hiếu nhìn nhận: “Chương trình THCS hiện nay với một số môn vẫn còn khá nặng. Điển hình như môn toán. Có một số kiến thức khó, nếu không làm bài tập vận dụng trên lớp sẽ khiến học sinh cảm thấy khó hiểu”.
Theo ông Hiếu, tất cả các môn học đều có những phần kiến thức cốt lõi đảm bảo được mức độ trung bình, đạt yêu cầu của trường THCS. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn chưa thật sự đầu tư xây dựng bài giảng theo đúng chủ trương, còn giữ tư tưởng dạy nhiều, dạy hết kiến thức sách giáo khoa để đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh và cũng an toàn cho giáo viên trong các đợt kiểm tra. “Làm như vậy là trái với quy định của ngành và tạo sự căng thẳng cho học sinh”, ông Hiếu khẳng định.
Ông Hiếu cho biết nhiều trường THCS, THPT vẫn học 1 buổi/ngày. Với thời lượng như vậy mà lượng kiến thức nhiều sẽ không có đủ thời gian để khai thác sâu, hiểu thấu đáo vấn đề ở trên lớp. Chính vì thế, Sở GD-ĐT TP.HCM định hướng đến năm 2020 sẽ nâng số trường học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học đạt 80%, THCS 70%, THPT 60% để học sinh có thêm thời gian tăng cường ôn luyện.
Bình luận (0)