Hôm nay 3.11, đợt hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác chính thức khai mạc tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, Hishammuddin Hussein trả lời phỏng vấn báo giới - Ảnh: Lam Yên |
Kéo dài trong 2 ngày với chủ đề “Duy trì sự ổn định an ninh khu vực cho và bởi người dân”, đợt hội nghị có sự tham dự của đại diện quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 đối tác đối thoại gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc. Thứ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh hải quân Nguyễn Văn Hiến dẫn đầu đoàn VN.
Ngày 2.11, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Hishammuddin Hussein đã có cuộc gặp gỡ báo giới trước thềm hội nghị. Trả lời câu hỏi của Thanh Niên: “Vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận cụ thể thế nào tại hội nghị lần này?”, ông cho biết: “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là một vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Điều mà các bộ trưởng quốc phòng ASEAN quan ngại nhất đó là những hành động và tình huống phát sinh không lường trước trên biển không được xử lý một cách tốt nhất từ những phía liên quan. Vì vậy, hội nghị lần này sẽ thảo luận về những động thái quốc phòng cần thiết để đảm bảo giảm tối đa những tình huống ngoài ý muốn”.
“Trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra tiếng nói chung, đưa ra những biện pháp cụ thể hơn để đạt được hiệu quả khả quan”, ông Hussein nói.
Trước câu hỏi về việc Mỹ đưa tàu chiến tuần tra áp sát đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc xây đắp trên Biển Đông, ông Hussein nói: “Tôi không đồng tình với bất cứ sự tàn phá nào tới hạ tầng khu vực của chúng ta. Sự có mặt của Mỹ thật ra sẽ giúp rất nhiều cho sự ổn định của khu vực. Theo tôi biết, Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc hội đàm và có vẻ đã có kết quả tạm ổn. Tôi rất nóng lòng được nghe về vấn đề này từ các bộ trưởng quốc phòng của 2 nước”.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nhận định thêm trong bối cảnh nhiều cường quốc đang có mặt trong khu vực, điều cần làm là ASEAN cần tăng cường đoàn kết hơn nữa để tạo thành một khối vững chắc. “Khi có cùng chí hướng, chúng ta sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trước những cường quốc”, ông khẳng định.
Bên cạnh đó, tại hội nghị lần này, ASEAN sẽ thảo luận những biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa các thành viên để chuẩn bị cho Cộng đồng chính trị an ninh ASEAN dự kiến ra đời vào cuối năm nay. Trước nguy cơ một số nước ASEAN trở thành trạm trung chuyển của những phần tử khủng bố thông qua di cư bất hợp pháp, Malaysia trước mắt sẽ chủ trì một cuộc họp đặc biệt về vấn đề tuần tra eo biển Malacca với sự tham gia của Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Trung Quốc “tập trận không quân phi pháp ở Hoàng Sa”
Tờ South China Morning Post hôm qua 2.11 dẫn lời giới phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng Hạm đội Nam Hải của nước này vừa đưa chiến đấu cơ J-11 tập trận trên đường băng ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đăng tải hình ảnh máy bay J-11 chạy trên đường băng để tham gia diễn tập chiến thuật thực chiến ở Biển Đông ngày 30.10.
Giới chức không nói rõ vị trí nhưng các chuyên gia lập luận hiện mới có đường băng do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm là đã đi vào hoạt động. Cuộc tập trận được cho là nhằm phản ứng việc Mỹ cho tàu chiến áp sát đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.
Minh Trung
|
Đảo nhân tạo là quan ngại chung của quốc tế
Ngày 2.11, Phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda cho hay trong cuộc gặp cùng ngày với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ở Seoul, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa là mối quan ngại đối với cộng đồng quốc tế. Kyodo News dẫn lời ông Hagiuda cho hay Thủ tướng Abe còn tuyên bố Nhật muốn hợp tác với Hàn Quốc lẫn Mỹ trong việc duy trì tự do lưu thông ở Biển Đông. Tuy nhiên, các bên không cho biết phản ứng của Tổng thống Park.
Ngoài ra, trong cuộc gặp, 2 nhà lãnh đạo nhất trí tăng tốc đàm phán để giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép phục vụ binh lính Nhật trong Thế chiến 2. Hai bên cũng nhất trí tăng cường liên lạc cấp cao và nhấn mạnh quan hệ an ninh 3 bên với Mỹ trong việc ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, theo Kyodo News. Tổng thống Park và Thủ tướng Abe cũng đồng ý hướng tới kết thúc sớm đàm phán liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do 3 bên với Trung Quốc và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với sự tham gia của 16 nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có VN.
Văn Khoa
|
Bình luận (0)