“Việt Nam nên loại bỏ bớt các chính sách ưu đãi thuế!” - chuyên gia về chính sách thuế của Oxfarm - ông Johan Langegrock - đã đưa ra khuyến nghị trên trong một phát biểu tại Diễn đàn Chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam 2019 được tổ chức tại Hà Nội ngày 13.11 vừa qua.
Chuyên gia này phân tích, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam tương đương với khoản thất thu bằng 1% GDP, tương đương 50.000 tỉ đồng mỗi năm - số tiền để xây mới 25 bệnh viện 1.000 giường.
“Khi nguồn ngân sách thu thuế từ các công ty lớn giảm, áp lực đóng thuế giá trị gia tăng của người dân bình thường sẽ tăng lên hoặc dịch vụ công như y tế hay giáo dục bị cắt giảm”, ông Johan Langegrock nhận xét và khuyên Việt Nam nên loại bỏ các ưu đãi về thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia.
Lãi nhiều, đóng thuế ít
Đây không phải là lần đầu tiên chuyên gia đưa ra khuyến nghị với Việt Nam về chính sách ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) quá lớn trong quá trình thu hút FDI. Theo trả lời của một số cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài, các ưu đãi thuế cho khối FDI trong vòng 10 năm gần đây đã giảm mạnh, việc điều chỉnh đều dựa trên rà soát ưu đãi thuế trước đây. Thế nhưng trên thực tế, nhiều ông lớn ngoại hằng năm có doanh thu “khủng” nhưng thuế đóng khá khiêm tốn.
Đơn cử ông “lớn” Samsung, trong 5 pháp nhân đã thành lập tại Việt Nam thì Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Samsung Electronics Việt NamThái Nguyên (SEVT) là 2 đơn vị chủ chốt. Năm 2015, hai công ty này đạt tổng doanh thu 33,4 tỉ USD và 3,1 tỉ USD (gần 70.000 tỉ đồng) lãi sau thuế (chiếm 19% tổng doanh thu và lợi nhuận của Samsung Electronics).
Mức lợi nhuận này bằng với tổng lợi nhuận của 2 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước là Viettel và PVN cộng lại cùng thời điểm. Với 3,1 tỉ USD lợi nhuận trong năm 2015, nếu đóng đúng 22% thuế thu nhập DN theo quy định thì 2 công ty này phải đóng khoảng 600 triệu USD (hơn 13.000 tỉ đồng).
Thế nhưng, năm 2015, SEV và SEVT chỉ nộp 2.634 tỉ đồng tiền thuế. Tính chung cả tập đoàn, năm 2015 Samsung đóng 4.200 tỉ đồng tiền thuế; năm 2016 lãi gần trăm nghìn tỉ đồng, thuế đóng 6.700 tỉ đồng; năm 2017 lãi 133.000 tỉ đồng, thuế DN đóng nửa đầu năm nay chưa tới 4.200 tỉ đồng.
Đó là chưa tính dự án tại Bắc Ninh liên tục báo lỗ, năm 2014 lỗ 2,5 triệu USD, năm 2015 lỗ 168 triệu USD, năm 2016 lỗ 255 triệu USD. Thế nên, đến năm 2017 dự án này mới có lợi nhuận và đóng thuế. Chưa hết, đầu năm 2017, sau khi cho biết sẽ nâng mức đầu tư dự án tại Bắc Ninh thêm 2,5 tỉ USD, giải ngân trong 5 năm, Samsung tiếp tục đề nghị được hưởng ưu đãi vượt khung, hưởng thêm 3 năm mức giảm 50% thuế thu nhập DN.
Đáng nói, bất chấp mức ưu đãi khủng, nhiều ông lớn FDI vẫn tìm mọi cách để né thuế thông qua chiêu thức chuyển giá, nhiều DN số thuế đóng lại giảm dần. Hết quý 1 năm nay, một số DN FDI trọng điểm có số thuế giảm so cùng kỳ theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM là: Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam nộp thuế giảm 36,73%, Công ty Hoàng Long nộp giảm 42,3%, Công ty điều hành chung Thăng Long nộp giảm 27,39%, Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên - chi nhánh TP.HCM không có số nộp (4 tháng năm 2018 nộp 149 tỉ đồng)...
Hai mặt của một vấn đề
Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, đặt vấn đề nếu 10 - 20 năm trước không có các ưu đãi cho khối FDI, liệu có DN nước ngoài nào vào đầu tư ở Việt Nam? Và giả sử nếu họ không đầu tư thì Việt Nam liệu có đạt được các chỉ tiêu kinh tế như hiện nay không? Thế nên, ông Thành đặt vấn đề chính sách ưu đãi thuế sẽ có 2 mặt của nó.
Một mặt giảm thu ngân sách, nhà nước bị thiệt thòi, nhưng mặt khác thu hút được các nhà đầu tư vào Việt Nam để đạt mục tiêu tăng trưởng cũng như tạo công ăn việc làm. Đồng quan điểm, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng câu chuyện ưu đãi đặc biệt để hút vốn ngoại trong giai đoạn cần đầu tư để phát triển kinh tế thuở sơ khai mở cửa là câu chuyện chung của các nước, Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo đó. Đặc biệt, những năm 90 thế kỷ trước, khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, Samsung đã cân nhắc nhiều giữa Việt Nam và Thái Lan. Thái Lan lúc đó cũng có chính sách thu hút mạnh mẽ các dự án công nghệ vào nước này, nên nếu Việt Nam ưu đãi thấp hơn Thái Lan, làm sao Samsung chọn Việt Nam được.
“Nghiên cứu của các chuyên gia về chính sách ưu đãi thuế là rất hay, nhưng theo tôi, phải được đặt trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI của các nước trong khu vực tại thời điểm đó là rất khó để giảm thấp hơn. Trong tương lai, thu hút FDI các dự án sử dụng lao động phổ thông nhiều, gia công... sẽ ít được ưu đãi hơn và thực tế đã giảm nhiều. Nhưng dự án lớn hàng tỉ USD, có ý nghĩa quốc gia về thay đổi theo công nghệ số, thậm chí không thu thuế nhiều năm đầu với các dự án công nghệ fintech, blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo)…”, GS Nguyễn Mại nói.
Không công bằng với DN nhỏĐặt vấn đề ưu đãi khủng cho các “ông lớn” ngoại trong khi khu vực DN vừa và nhỏ trong nước đang đóng thuế cao hơn, PGS-TS Vũ Sỹ Cường - Phó trưởng bộ môn phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng vấn đề là cần có sự công bằng, minh bạch trong khối DN.
Ví dụ, báo cáo ngân sách hằng năm, các nước thường đưa thông tin về ưu đãi thuế cho ai, bao nhiêu rất rõ ràng. Với VN, báo cáo thuế luôn sơ sài và không có giải trình như các nước. Tính minh bạch trong báo cáo thuế là rất quan trọng. PGS-TS Cường lấy ví dụ, thuế suất thực nộp của DN vừa và nhỏ cao hơn DN lớn nhiều. Về mặt kinh tế, DN lớn tạo nhiều lợi nhuận hơn, công ăn việc làm nhiều hơn, nhưng một DN lớn chưa chắc tạo được nhiều lao động bằng vô số DN nhỏ.
Vấn đề là các chính sách đang “nuông chiều” theo ông lớn, nên chính sách ưu đãi cho khối DN nói chung cần công khai, minh bạch hơn.
|
Bình luận (0)