Do đang làm việc tại TP.HCM, chị Tâm đành cắt một ngày phép, lặn lội về nơi thường trú để làm thủ tục. "Tốn thời gian, mất thu nhập, mệt mỏi về sức khỏe", đó là 3 "thiệt hại" mà người phụ nữ nhớ lại ngay khi kể câu chuyện của mình.
Tuy nhiên kể từ nay, những trường hợp chuẩn bị kết hôn sẽ không còn vất vả như chị Tâm nữa. Bởi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 07/2025, bãi bỏ quy định xuất trình nhiều loại giấy tờ, điều mà người dân mong mỏi từ nhiều năm.
Theo đó, khi đăng ký kết hôn, người dân không cần nộp bản chính giấy xác nhận độc thân, cơ quan quản lý hộ tịch có trách nhiệm tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân trên cơ sở dữ liệu điện tử. Tương tự, khi đăng ký khai sinh cho con, cha mẹ cũng không cần xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, mà thay bằng tra cứu dữ liệu điện tử.
Thay đổi tại Nghị định 07/2025 không chỉ giúp người dân tiết kiệm tiền bạc, công sức, mà còn phản ánh nỗ lực của Chính phủ về chuyển đổi số. 5 năm trước, thật khó hình dung về một ngày người dân chỉ cần trên tay chiếc thẻ căn cước hoặc điện thoại thông minh là có thể thực hiện mọi thủ tục, từ hành chính, khám bệnh đến giao dịch ngân hàng… Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã trở thành hiện thực, nhờ sự kết nối, chia sẻ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo số liệu từ Bộ Công an, chỉ tính riêng việc ứng dụng cơ sở dữ liệu vào các cuộc tổng điều tra dân số đã tiết kiệm cho nhà nước 1.500 tỉ đồng mỗi lần điều tra. Bộ Thông tin - Truyền thông trong báo cáo tổng kết năm 2024 cũng khẳng định cơ sở dữ liệu giúp cắt giảm hàng loạt chi phí sao in hồ sơ, thời gian đi lại, chờ đợi; hạn chế việc kiểm tra xác minh thông tin trên giấy tờ của công dân; đặc biệt giúp tinh gọn đội ngũ cán bộ, loại bỏ tình trạng "tham nhũng vặt"...
Lợi ích to lớn của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là không cần bàn cãi, vấn đề làm sao để khai thác triệt để lợi ích đó. Muốn vậy, phải thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, kết hợp lắng nghe từ người dân, doanh nghiệp; thủ tục nào có thể thay thế thủ công sang dữ liệu điện tử thì dứt khoát phải thay thế. Đồng thời, cắt giảm số lượng thủ tục, nhất là những thủ tục gây khó khăn, phiền hà, là nhiệm vụ không thể bỏ qua.
Vừa rồi ở TP.HCM, nhiều chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai vẫn yêu cầu kiểm tra hiện trạng và từ chối giải quyết thủ tục đăng ký biến động với nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được cấp sổ đỏ. Người dân "kêu khổ" đến Sở Tài nguyên - Môi trường, cơ quan này lập tức "tuýt còi", khẳng định quy định trên là "thêm thủ tục, không đúng chủ trương cải cách hành chính và không đúng quy định".
Một mặt chúng ta nỗ lực số hóa, mặt khác cũng không quên loại bỏ các loại thủ tục cản trở người dân, doanh nghiệp, kiên quyết xử lý những "con sâu làm rầu nồi canh". Có như vậy, cải cách thủ tục hành chính mới thật sự hiệu quả cả về "chất" và "lượng".
Bình luận (0)