Giảm thuế cứu doanh nghiệp vì dịch

14/02/2020 07:03 GMT+7

Nếu không sớm có gói chính sách hỗ trợ, miễn tiền thuê đất và giảm thuế, các doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ đình trệ sản xuất, kinh doanh ; thậm chí là đóng cửa vì dịch Covid-19.

Thiệt hại hàng tỉ USD

Sau gần 2 tháng xuất hiện, dịch Covid-19 vẫn đang tàn phá các nền kinh tế. Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ thiệt hại nghiêm trọng, có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỉ USD do kinh tế Trung Quốc hiện nay lớn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra dịch SARS, chiếm khoảng 18% GDP toàn cầu (trước đây khoảng 4%).
Để hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN), Trung Quốc bơm hơn 240 tỉ USD thông qua hợp đồng mua lại trên hệ thống ngân hàng để tạo thanh khoản; khuyến khích cho vay tín dụng, cho vay trung và dài hạn... Đặc biệt là cắt giảm thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm bảo đảm nguồn cung; giảm chi phí đầu vào như khấu trừ thuế và miễn, giảm tiền thuê đất cho các DN. Thành phố Bắc Kinh và Tô Châu cho phép chậm nộp bảo hiểm xã hội, miễn lệ phí hành chính, giảm tiền thuê đất thuộc sở hữu nhà nước.
Thái Lan cũng hạ lãi suất từ 1,25% xuống 1%, giảm điều kiện kinh doanh, miễn thuế DN cho cả DN nhỏ và vừa, các dự án quy mô lớn, nới lỏng các điều khoản trả nợ, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 đến tháng 6.
Singapore cũng đang chuẩn bị một gói tài chính để đối phó (dự kiến từ ngày 18.2) và trước đó công bố một loạt các biện pháp cho ngành du lịch, bao gồm miễn lệ phí giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch, đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Malaysia đang cân nhắc việc đưa ra gói kích thích kinh tế. Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75%, giảm lãi suất mua đảo ngược, lãi suất cho vay và tiền gửi qua đêm.
Tại Hàn Quốc, chính phủ cũng đã lập phương án hỗ trợ thuế như miễn hoặc kéo dài thời hạn nộp thuế. Đối với những DN đã và đang chịu thiệt hại từ dịch bệnh, như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ngành du lịch, biểu diễn, có thể được kéo dài tối đa 9 tháng thời hạn kê khai và nộp thuế DN, thuế giá trị gia tăng. Việc xử phạt những đơn vị nộp thuế chậm cũng được hoãn tối đa một năm.
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, tất cả các DN chịu tác động tiêu cực. Thiệt hại từ doanh thu du lịch nếu dịch kéo hết quý 1 là 2,3 tỉ USD và đến hết quý 2 lên tới 5 tỉ USD, xuất khẩu dự báo giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái... Để tháo gỡ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký Quyết định 155/QĐ-BTC ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, gồm khẩu trang y tế; nước rửa tay sát trùng (chế phẩm sát trùng tay dạng gel hoặc dạng lỏng).

Sớm miễn, giảm thuế và tiền thuê đất

Tuy nhiên những giải pháp này mới chỉ là tình thế, chưa đủ “lực” để tháo gỡ khó khăn, giúp các DN chống chọi được với đại dịch. Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai Hoàng Văn Tuyên đã đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam có ý kiến lên Chính phủ xem xét giảm, giãn thuế cho các DN du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải du lịch, để gián tiếp hỗ trợ cho lực lượng lao động đông đảo trong ngành du lịch.
Bộ Công thương cũng đã có báo cáo lên Chính phủ đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay... để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay.
Theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, đối tượng khó khăn nhất hiện nay là các DN nhỏ và vừa. Do đó cần sớm có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ cho họ, đặc biệt ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn như logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch.
Bộ KH-ĐT đề nghị nên sớm gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi DN đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế... miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho DN và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các DN logistics, DN bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông lâm thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.