Giảm thuế để tăng sức mua

15/04/2023 07:18 GMT+7

Mặt bằng cho thuê ế ẩm, cửa hàng, trung tâm thương mại vắng khách... là tình trạng diễn ra ở khá nhiều nơi, nhất là thành phố lớn như TP.HCM. Để kích cầu tiêu dùng, theo các chuyên gia, cần giảm thuế, phí để người dân có thêm thu nhập, doanh nghiệp có thể giảm giá thành sản phẩm...

Sức mua èo uột

Ông Lê Viết Thanh, Giám đốc chuỗi cửa hàng K&K Fashion, thừa nhận chưa bao giờ sức mua giảm "cắm đầu" như hiện nay. Dù đã dự báo từ đầu năm tình hình sẽ khó khăn, nhưng việc tiêu thụ giảm mạnh đến mức ông "bàng hoàng" và phải đi hỏi thăm nhiều đơn vị cùng ngành xem như thế nào, có phải chỉ mình K&K Fashion bị mất khách hàng hay không. "Chuỗi cửa hàng của mình vốn là thời trang công sở, ở phân khúc trung bình nên thường có đối tượng khách hàng riêng. Nhưng từ sau tết đến nay sức mua rớt mạnh không ngờ. Chưa bao giờ thấy ế ẩm như vậy. Ước tính, mức tiêu thụ của hệ thống đã giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị trong ngành cũng chia sẻ rằng giảm ở mức 50 - 60% là bình thường", ông Thanh nói và lo ngại, tình hình này kéo dài là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN). Khi doanh thu lao dốc, thu nhập của nhân viên cũng giảm hơn 30%. Dù DN không có chủ trương giảm lao động nhưng một số nhân viên cũng nản chí và tự động xin nghỉ. Công ty cũng đã cố gắng hết sức, tiết kiệm chi phí, cắt giảm lợi nhuận để giảm giá hàng hóa hoặc ra sản phẩm mới với giá hàng cũ...

Giảm thuế để tăng sức mua - Ảnh 1.

Cần giảm nhiều loại thuế, phí để kích thích sức mua trên thị trường

NHẬT THỊNH

Ngay cả ngành hàng thực phẩm cũng không ngoại lệ. Ở giai đoạn dịch Covid-19, khi sức mua chung sụt giảm thì mức tiêu thụ của hệ thống cửa hàng hải sản Hoàng Gia giảm ít hơn. Thế nhưng hiện nay, ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia, than thở rằng mức tiêu thụ quá thấp, đã giảm hơn 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm nhập khẩu, giá vẫn neo cao do thị trường Trung Quốc mở cửa khiến sức mua chung trên thế giới gia tăng; một số sản phẩm hết mùa... nên giá nhập khẩu về VN không thể giảm. Vì vậy DN cũng gặp khó khi muốn kích thích sức mua của khách hàng.

Giảm thuế để tăng sức mua - Ảnh 2.

Cần giảm nhiều loại thuế, phí để kích thích sức mua trên thị trường

NGỌC THẮNG

Báo cáo của Hiệp hội DN TP.HCM gửi UBND TP.HCM cuối tháng 3 đã liệt kê hàng loạt khó khăn của DN các ngành nghề trên địa bàn. Cơ bản nhất là lượng hàng xuất khẩu giảm sâu lẫn đơn hàng nội địa cũng rớt mạnh. Cụ thể như ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, có DN giảm đến 50%; thậm chí đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm từ 30 - 40%. Ngay cả ngành lương thực thực phẩm quý 1/2023 giảm khoảng 2% doanh số nhưng ước tính đến quý 2/2023 sẽ giảm hơn 4%. Nguyên nhân do sụt giảm tiêu thụ xuất khẩu toàn cầu, từ đầu năm đến nay lượng hàng xuất khẩu giảm, tiêu thụ nội địa giảm sâu do sức mua yếu, mặc dù Sở Công thương TP.HCM và các DN thúc đẩy các chương trình kích cầu nhưng không mấy khả quan...

Một số ý kiến đề xuất giảm thuế GTGT xuống đồng loạt 5% để dễ thực hiện. Nên thực hiện giảm theo đề xuất đó mà không cần lo số thu thuế sẽ giảm. Minh chứng là trong năm vừa qua, quy mô việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% chiếm lớn nhất trong tổng số thuế miễn, giảm của nhà nước nhưng ngân sách vẫn thu vượt kế hoạch.

TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội

Báo cáo tài chính quý 1/2023 của nhiều DN niêm yết dần dần được công bố cũng cho thấy doanh thu lẫn lợi nhuận của nhiều công ty lao dốc thê thảm, mức giảm từ 50 - 70% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí nhiều dự báo cho thấy số lượng DN bị lỗ trong quý đầu năm nay cũng sẽ không ít.

Giãn thuế nhưng chưa đủ

Mới đây, Bộ Tài chính có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 5 - 6 tháng; gia hạn nộp thuế thu nhập DN 3 tháng; gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của hộ kinh doanh; gia hạn nộp tiền thuê đất trong 6 tháng... Việc này nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn năm 2023, duy trì sản xuất kinh doanh, trong khi vẫn phải đảm bảo giảm thiểu tác động cân đối ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án gồm giảm 2% thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (giảm còn 8%) hoặc giảm 2% thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 để Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Về thời gian thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện từ 1.7 đến hết năm 2023.

Giảm thuế để tăng sức mua - Ảnh 4.

Nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại vắng khách, rất cần giải pháp kích cầu như miễn, giảm thuế để tăng sức mua

NGUYÊN NGA

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định trong quý 1/2023, Chính phủ đã có một số giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn như thúc đẩy đầu tư công, cải cách thể chế, sửa đổi một số quy định để gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, bất động sản... 

Hay việc Ngân hàng Nhà nước cũng có một số giải pháp về chính sách tiền tệ để cố gắng tạo thanh khoản, gỡ nút thắt cho dòng vốn trên thị trường vốn đã bị tắc nghẽn từ quý 4/2022 đến đầu năm 2023. Từ đó mới giúp người dân nói chung và DN nói riêng yên tâm trong đầu tư, tiêu dùng. Bởi hiện nay trong tình trạng thế giới vẫn khá bấp bênh, nhiều dự báo cho thấy kinh tế đang suy giảm nên DN hay người dân đều có xu thế phòng thủ, thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn cần có thêm thời gian để mang lại hiệu quả. Vì vậy cần phải kéo dài việc áp dụng chính sách giãn thuế tương tự như năm 2022.

Đặc biệt, riêng đối với việc giảm thuế GTGT 2% cho các hàng hóa cần phải áp dụng ngay trong dịp lễ 30.4 - 1.5 mà không thể chờ đợi đến tháng 7 như đề xuất của Bộ Tài chính. Trong đó, việc giảm 2% thuế GTGT cần áp dụng cho tất cả hàng hóa

"Theo tính toán, số thu ngân sách nhà nước quý 1/2023 vượt gần 5% so với cùng kỳ năm trước và số tiền thu tăng này đủ để thực hiện giảm 2% thuế GTGT từ dịp lễ 30.4 đến hết năm nay. Nếu chần chừ, số người lao động mất việc, bị giảm thu nhập trong thời gian vừa qua gặp khó khăn sẽ dồn trong 2 quý tiếp theo. Việc giảm thuế sẽ có tác động ngay, giúp giá hàng hóa giảm và từ đó hỗ trợ cho những người lao động đột ngột rơi vào cảnh khó khăn phải vật lộn với bữa ăn hằng ngày. Từ đó hỗ trợ nguồn cầu tiêu dùng gia tăng và tác động làm tăng vòng quay sản xuất", TS Nguyễn Quốc Việt phân tích.

Bớt thuế, phí cho người dân

Khá nhiều chuyên gia kinh tế đều nhận định trong bối cảnh hiện nay khi kinh tế thế giới còn dự báo đầy khó khăn, hoạt động xuất khẩu của nhiều DN chưa thể hồi phục và chỉ trông chờ vào thị trường nội địa, thì cần phải có chính sách khoan sức dân. Đó là phải có ngay các giải pháp bớt thuế, giảm phí. Người dân có tích lũy mới dám chi tiêu, mua hàng hóa; DN phục hồi sản xuất thì mới có lãi, ngân sách mới có nguồn thu và kinh tế mới tăng trưởng.

Giảm thuế để tăng sức mua - Ảnh 5.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, hiện tình hình kinh tế trong và ngoài nước đều khó khăn, thêm vào đó chính sách thuế bao lâu nay không thay đổi, ngày càng trở nên lạc hậu đã tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế. Đây cũng là lời giải cho câu hỏi tại sao tăng trưởng kinh tế chậm nhưng số thu ngân sách nhà nước vẫn tăng. Trong năm 2022, nhiều giải pháp về thuế được triển khai như giảm, giãn thuế, trong đó có giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%. Thế nhưng số thu thuế vào ngân sách nhà nước cả năm vừa qua vẫn đạt 129% so với dự toán pháp lệnh và tăng 12,6% so với năm 2021. 

"Thuế GTGT ở mức 10% là cao nên đã có một số ý kiến đề xuất giảm thuế GTGT xuống đồng loạt 5% để dễ thực hiện. Nên thực hiện giảm theo đề xuất đó mà không cần lo số thu thuế sẽ giảm. Minh chứng là trong năm vừa qua, quy mô việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% chiếm lớn nhất trong tổng số thuế miễn, giảm của nhà nước nhưng ngân sách vẫn thu vượt kế hoạch. Trong khi đó, việc giảm thuế GTGT xuống 5% có ý nghĩa rất lớn, nhiều người được hưởng lợi. Giá bán hàng hóa, dịch vụ thấp đi, DN cũng sản xuất kinh doanh tốt hơn. Hoặc tối thiểu hiện nay, đề xuất giảm 2% thuế GTGT cũng phải kéo dài trong thời gian 1 năm chứ không thể chỉ áp dụng 6 tháng như Bộ Tài chính kiến nghị", ông Tú phân tích.

Đồng thời, để chính sách thuế hiệu quả và đồng bộ, cần có nghị quyết giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đặc biệt là với người làm công ăn lương. Ông Tú kiến nghị mức giảm 50% số thuế mà người nộp thuế phải đóng, người nào nộp nhiều thì giảm nhiều, nộp ít thì giảm ít. Có như vậy mới kích thích tiêu dùng tăng lên. "Số thu thuế TNCN năm 2022 thực hiện khoảng 130.000 tỉ đồng, nếu giảm cho 6 tháng cuối năm ở mức 50% cũng tương ứng khoảng 32.000 tỉ đồng. 

Thế nhưng, thực tế những lần điều chỉnh chính sách thuế TNCN thời gian qua cho thấy số thu không hề giảm mà có xu hướng ngày càng tăng. Hơn nữa, giảm thuế TNCN, người dân tăng mua sắm tiêu dùng thì số thu từ thuế GTGT và thuế thu nhập DN tăng lên khi các công ty kinh doanh có lãi. Những giải pháp đưa ra về giảm, giãn thuế là để giải quyết ngắn hạn, "truyền dịch" cho nền kinh tế qua cơn khó khăn này nhưng do phân tích ở trên, chính sách thuế lạc hậu đã tạo gánh nặng cho người nộp thuế nên cần phải sửa đổi tổng thể cho phù hợp", ông Nguyễn Ngọc Tú cho hay.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá xăng dầu tăng khoảng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dầu, sẽ giúp chi phí của DN vận tải giảm tương đương khoảng 5%. Nếu giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT, chi phí vận tải giảm khoảng 10%, tác động đến nền kinh tế sẽ rõ rệt hơn. TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng mới đây các nước thuộc OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng khiến giá dầu tăng cao. Nhiều dự báo áp lực lạm phát có thể sẽ quay lại trong quý 2/2023, nhất là tại VN giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều có thể tăng như giá điện. Điều này luôn tác động lên chỉ số lạm phát đáng kể. Thậm chí việc tăng lương cơ sở từ tháng 7 cũng có thể khiến kỳ vọng lạm phát tăng. Vì vậy Chính phủ phải có kịch bản phòng ngừa nếu giá xăng dầu tăng. Khi đó cần phải xem xét giảm các loại thuế, phí nói chung liên quan đến xăng dầu như năm vừa qua.

Đồng tình, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, thuộc Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho rằng bên cạnh việc giảm thuế GTGT cho hàng hóa thì phải thực hiện giảm cả thuế TNCN trong 6 tháng cuối năm 2023. Câu chuyện này đã được kiến nghị từ nhiều năm nay, nhưng không hiểu sao Bộ Tài chính không có ý kiến gì để chia sẻ với người nộp thuế là cá nhân, nhất là những người làm công ăn lương. Giảm thuế giúp cho người tiêu dùng có thêm "đồng ra đồng vào" để chi tiêu. Ông Nghĩa nhấn mạnh: "Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư công, đổi mới thủ tục hành chính, giảm thủ tục vay vốn..., các chính sách hiện nay cũng cần kích cầu hơn. Giảm thuế để giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm nhưng người dân không có tiền thì lấy đâu ra để mua sắm?".

Giảm thuế GTGT ít nhất 1 năm để kích cầu tiêu dùng

Việc giảm, giãn thuế sẽ có tác dụng kích cầu trên thị trường, hỗ trợ DN. Việc giãn thuế về bản chất thì DN sau đó cũng phải nộp số thuế này vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên những DN có số thuế nộp cao thì sẽ được lợi khi có nguồn vốn giá rẻ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này giúp cho giá thành sản phẩm, dịch vụ được tốt hơn. Trong khi đó, giảm thuế GTGT sẽ giúp giá cả hàng hóa rẻ hơn trước, người tiêu dùng bỏ ra số tiền ít hơn để mua hàng hóa, dịch vụ. Còn DN có thể thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thế nhưng cần áp dụng cho toàn bộ những đối tượng đang áp dụng mức thuế GTGT 10% xuống 8%. Đồng thời, để chính sách phát huy hiệu quả, ít nhất việc giảm thuế phải kéo dài 1 năm mới có thể kích cầu.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, thuộc Hiệp hội DN TP.HCM

Cần giảm ngay các loại thuế, phí

Để kích cầu tiêu dùng thì phải bắt đầu từ việc làm thế nào để sản xuất kinh doanh khởi sắc trở lại. Các hộ gia đình có thu nhập thì mới có chi tiêu. Đến lúc không thể chần chừ nữa vì kinh tế đã quá khó khăn, hàng loạt DN thua lỗ, kiệt sức. Trước mắt, Chính phủ phải thực hiện ngay và luôn việc giảm tất cả các loại thuế liên quan cho DN lẫn người dân như thuế thu nhập DN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt... Giảm được thuế, phí gì cho người dân hiện nay đều tốt. Người dân sống được, có chi tiêu thì DN mới duy trì sản xuất thì ngân sách mới có tiền. Song song đó cũng phải đẩy mạnh giảm các thủ tục, quy định để tạo điều kiện hoạt động cho DN dễ dàng hơn.

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.