Giảm thuế xăng, khoan sức dân

18/03/2022 04:17 GMT+7

Ở VN hiện nay, thuế chiếm khoảng 35% trong giá mỗi lít xăng, bao gồm 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường , hơn 2.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng (VAT)…

Phải chăng chúng ta đang thu “thuế chồng thuế” và điều tiết quá tập trung với mặt hàng thiết yếu này?

Cơ cấu giá cơ sở xăng hiện nay không có phí, mà chủ yếu gồm chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức và 4 loại thuế, gồm: thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Muốn giảm giá xăng, ngoài giảm chi phí kinh doanh, điều tiết lại cung - cầu còn có thể điều tiết lại các sắc thuế này.

Trong bối cảnh phải đầu tư phát triển, chi tiêu cho an sinh xã hội, quốc phòng an ninh…, Bộ Tài chính chịu áp lực rất lớn về cân đối ngân sách. Ngân sách mà thu không đủ bù chi, phải đi vay sẽ để lại gánh nặng lớn cho thế hệ sau. Song, cũng cần phải có một cái nhìn thật khách quan sao cho hài hòa được lợi ích giữa nhà nước - người dân - doanh nghiệp.

Giá xăng dầu phải khẳng định là một mặt hàng vô cùng thiết yếu từ chi phí đầu vào của mọi ngành kinh tế đến quốc phòng an ninh, đời sống xã hội… Giá tăng cao gây ra lạm phát và tạo cú sốc lớn cho cả nền kinh tế. Với doanh nghiệp, chi phí nhiên liệu tăng làm giá thành tăng theo, hàng hóa đắt đỏ hơn. Và cuối cùng mọi áp lực sẽ đổ dồn lên người dân - những người tiêu dùng cuối cùng.

Nhà nước đánh thuế TTĐB đối với xăng vì cho rằng đây là mặt hàng còn phụ thuộc vào nhập khẩu, cần phải tiết kiệm. Ngoài ra, xăng cũng gây ô nhiễm nên phải đánh thêm thuế BVMT. Việc đánh thuế như vậy, nhìn từ góc độ người tiêu dùng cũng rất dễ để họ phản ứng. Bởi thực tế, xăng đã chịu thuế BVMT rồi giờ lại còn gánh thêm cả thuế “đặc biệt” nữa thì có phải là “thuế chồng thuế” không? Chưa kể, xăng cũng đang phải chịu thuế suất VAT 10%, mà trong Nghị quyết của Quốc hội về giải pháp phục hồi kinh tế rất nhiều mặt hàng được giảm thuế VAT nhưng lại không có xăng trong đó.

Cũng cần phải nhắc thêm, lý do đánh thuế TTĐB là bởi nhà nước muốn hạn chế các mặt hàng xa xỉ (du thuyền, xe hơi…) hay mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe (rượu bia, thuốc lá). Còn với xăng, như đã nói, là mặt hàng thiết yếu thì cũng rất cần phải có cách đánh giá khách quan hơn.

Xét cho cùng, bất cứ chính sách thuế nào cũng phải nuôi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân thì mới có thể bền vững. Khi giá dầu phi mã, đại dịch hoành hành, nền kinh tế suy thoái, doanh nghiệp phá sản, đời sống người dân khó khăn… mà chúng ta vẫn muốn tăng thu, vượt dự toán cao hoặc điều tiết thuế nặng sẽ khiến đối tượng thu bị kiệt quệ.

Người làm chính sách thuế cũng cần phải có tầm nhìn dài hạn, có năng lực điều tiết và mở rộng các nguồn thu khác nhau, không nên quá tập trung vào một vài sắc thuế. Thu thuế dễ nhất là “nắm người có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu”. Thu từ người dân thông qua thuế thu nhập cá nhân hoặc đánh vào hàng hóa thiết yếu, cơ bản như xăng, dầu là cách thu nhanh nhất, dễ thực hiện nhất. Còn thu từ các tập đoàn xuyên biên giới, chống chuyển giá, hoặc đi thu hồi nợ thuế tồn đọng đương nhiên sẽ khó hơn rất nhiều.

Nên chăng cũng cần phải nghiên cứu nghiêm túc việc bỏ hoặc giảm thuế TTĐB với xăng. Bởi bất cứ một đợt tăng giá xăng phi mã nào cũng sẽ để lại cú sốc khủng khiếp với nền kinh tế. Hệ lụy đó và bối cảnh bất ổn hiện nay buộc chúng ta phải có ứng xử rất “đặc biệt” trong điều tiết chính sách thuế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.