Quy định trên do Bộ Công thương đề xuất và được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết 97 ban hành ngày 28.8 vừa qua. Theo đó, Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đề xuất của Bộ Công thương.
Tiêu chí hỗ trợ không nên phân biệt
Trước đó, theo đề xuất của Bộ Công thương, các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tiền điện đợt 5 không chỉ có kim ngạch tỉ đô mà phải nằm trong tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ và đang duy trì sản xuất các lĩnh vực nói trên. Thời gian hỗ trợ tiền điện cho khách sử dụng điện là 3 tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 9 đến tháng 11.2021. Theo ước tính của Tập đoàn điện lực Việt Nam, trong đợt 5 này, dự kiến số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng sử dụng điện là khoảng 650 tỉ đồng (chưa bao gồm thuế VAT).
Mặc dù Nghị quyết 97 đã được ban hành từ ngày 28.8, nhưng đến tối 30.8, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết vẫn còn ngạc nhiên trước quy định khung “kim ngạch xuất khẩu đạt tỉ đô” mới được giảm 10% tiền điện. Ông nghi ngại nói: “Đưa tiêu chuẩn hỗ trợ quá cao vậy trong đại dịch liệu có tính đến khả thi không? Quy định doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu triệu đô e có lý hơn. TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước, đang áp giãn cách theo Chỉ thị 16, tập trung nhiều doanh nghiệp lớn đang sản xuất có kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng đạt tỉ đô có thể chỉ có 2 doanh nghiệp nước ngoài là Intel Việt Nam và Samsung mà thôi. Năm 2020, 17 khu công nghiệp - khu chế xuất tại TP.HCM với 1.500 nhà máy chỉ thu về kim ngạch xuất khẩu khoảng 6 tỉ USD, 80 nhà máy trong Khu công nghệ cao có kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ USD. Như vậy, nếu tính hơn 20 tỉnh thành đang áp Chỉ thị 16, có kim ngạch xuất khẩu tỉ đô thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngành thủy sản có thể có một vài doanh nghiệp, rau quả chế biến chắc không có doanh nghiệp nào. Còn hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chỉ “đứng xa mà nhìn”. Theo tôi, đưa ra một tiêu chí như vậy là có sự phân biệt “nhà giàu, nhà nghèo” không công bằng”.
Giám đốc sản xuất kinh doanh của công ty Nhật tại Khu công nghệ cao TP.HCM bổ sung, các chính sách lúc này nên tránh nhạy cảm là hỗ trợ mang tính phân biệt. Bởi các tỉnh thành đang áp lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16, doanh nghiệp sản xuất theo phương án 3 tại chỗ đều trả tiền điện gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu triệu đô cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa rời thị trường chứ không có ông lớn nào rời lúc này cả. Nên nếu có hỗ trợ về tài chính, sự hỗ trợ cần công bằng, không phân biệt.
Nên mở rộng phạm vi hỗ trợ
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi: “Tại sao lại chỉ giảm cho các doanh nghiệp có kim ngạch lớn về xuất khẩu? Doanh nghiệp nội địa không tốt sao? Tại sao đòi hỏi doanh nghiệp quy mô lớn tới 1 tỉ USD? Doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần được duy trì sao?”.
Theo ông Lộc, trong bối cảnh hiện nay, bất kể doanh nghiệp dù quy mô như thế nào, sản lượng ra sao, còn duy trì được hoạt động thì đều đáng quý và cần được hỗ trợ. Đại dịch Covid-19 kéo dài, loạt quy định siết chặt, khó khăn mọi bề nhưng doanh nghiệp vẫn chắt chiu từng cơ hội kinh doanh, duy trì được thị trường, tạo ra được sản phẩm, tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động, điều này rất đáng trân trọng. Doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa càng phải được hỗ trợ để tiếp tục sống sót. Khi nền kinh tế bước vào khủng hoảng, 1 sản phẩm, 1 vài triệu USD, 1 doanh nghiệp còn duy trì cũng là cơ hội để chống kinh tế suy thoái, đảm bảo tăng trưởng GDP và bình ổn xã hội.
“Chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đòi kim ngạch 1 tỉ USD/năm trong giai đoạn khó khăn như 2020 thì có được mấy doanh nghiệp “có cửa”? Thay vì hỗ trợ 1 doanh nghiệp làm ra 1 tỉ USD, tại sao không hỗ trợ 3 doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp làm ra 35 triệu USD? Tích tiểu thành đại, gom gió thành bão, mức độ lan tỏa có khi còn nhiều hơn 1 doanh nghiệp kim ngạch tỉ USD. Bên cạnh đó, triết lý của chính sách là bình đẳng, không phân biệt đối xử. Các cơ quan nên tính toán mở rộng phạm vi hỗ trợ, đảm bảo chính sách đến được với tất cả các doanh nghiệp, thay vì giới hạn 1 số lượng quá nhỏ như thế” – ông Lộc đề xuất.
Cho rằng chính sách hỗ trợ giảm tiền điện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn là đúng, cần chọn lọc đối tượng để tránh dàn trải lãng phí ngân sách cũng đúng, song, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định các điều kiện chọn lọc cần hợp lý và khả thi. Cụ thể, không nên chỉ giới hạn với các doanh nghiệp xuất khẩu vì thị trường nội địa cũng lớn không kém, có giá trị cao và cũng đang cần cung ứng rất nhiều thực phẩm. Bên cạnh đó, yêu cầu doanh nghiệp phải có kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD trong năm 2020 là quá sức của doanh nghiệp.
“Kim ngạch xuất khẩu 1 năm của toàn thị trường thủy sản của VN hiện nay cũng mới đạt hơn 8 tỉ USD, yêu cầu 1 doanh nghiệp xuất khẩu hơn 1 tỉ USD thì được khoảng 2 - 3 doanh nghiệp đáp ứng được, hỗ trợ chỉ cho các “ông lớn” thì hỗ trợ làm gì. Mức giảm lại nhỏ, chỉ 10% mà đòi hỏi quá cao. Trong bối cảnh 2 năm qua, doanh nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch 100 triệu USD, nội địa đạt khoảng 50 triệu USD đã là đáng quý và cần hỗ trợ rồi”, bà Lan nói.
Bình luận (0)