Các tranh luận tại QH vào thời điểm đó rất nhiều, nhưng khá tập trung vào những nội dung chính như mức giảm trừ cá nhân nộp thuế không nên quy định cứng mà nên theo lương tối thiểu (lúc đó ý kiến đề nghị được đồng thuận nhiều là giảm trừ cá nhân bằng 8 - 10 lần lương tối thiểu); các bước thuế không nên quá nhiều và quá dày... Tuy nhiên, hầu như các ý kiến này đều bị bỏ qua. Tỷ lệ thông qua toàn văn luật tại QH khi đó chỉ đạt 79%, một tỷ lệ thấp cho một đạo luật theo thông lệ tại QH ta. Thậm chí ở một vài điều luật gây tranh cãi như kể trên, tỷ lệ chỉ được hơn 60%.
Và hệ quả là luật đã lạc hậu ngay từ ngày đầu có hiệu lực (1.1.2009). Ngay trong năm đó đã phải giãn thuế (từ ngày 1.1 đến 31.5.2009) vì mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng cùng với mức giảm trừ 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc không còn là “cao hơn mức trung bình của xã hội”. Cũng do lạm phát, đến năm 2011, Chính phủ lại phải đề xuất và được QH chấp thuận cho miễn thuế TNCN từ ngày 1.8 đến 31.12.2011 đối với các khoản thu từ tiền lương, tiền công, nằm trong bậc 1 của biểu thuế.
Nếu chỉ so sánh với một yếu tố là chỉ số tăng giá, mức khởi điểm mới chịu thuế TNCN mà Bộ Tài chính trình (6 triệu đồng) lại đã quá lạc hậu và khó có tính khả thi vào thời điểm năm 2014 như đề xuất. Bởi cứ giả sử đến năm 2014 - thời điểm luật Thuế TNCN (sửa đổi) có hiệu lực, lạm phát được kiềm chế đúng như kế hoạch là tăng dưới 10% trong cả hai năm 2012 và 2013 thì CPI có thể tăng tổng cộng gần 90%. Mức khởi điểm chịu thuế chỉ được đề xuất tăng từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/tháng, tương đương 50%. Mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc còn thấp hơn ngưỡng 50% nói trên (1,6 triệu lên 2,4 triệu).
Cách tính mức khởi điểm chịu thuế của luật Thuế TNCN hiện hành như thế chưa có bước đổi mới đáng kể.
Chưa nói đến cách tính mức khởi điểm chịu thuế trong luật Thuế TNCN của ta đang lạc hậu như đã nói, thì không có nước nào tính giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế mức đồng đều như ở ta mà đều tính tỷ lệ phần trăm so với tổng thu nhập và có phân biệt theo mức thu nhập. Ví dụ ở Nhật, một người có thu nhập 1,8 triệu yên thì được khấu trừ cho bản thân 40% tổng thu nhập (và không thấp hơn 650.000 yên); mức cao nhất là 10 triệu yên sẽ được khấu trừ 5% (và không thấp hơn 1,7 triệu yên)... Ngoài ra, tất cả những người chịu thuế đều được khấu trừ nhiều khoản khác như: nuôi dưỡng người thân, chi phí y tế (nằm viện, sinh đẻ...), chi phí bảo hiểm nhân thọ, thậm chí ở Singapore thì chi phí thuê người giúp việc cũng được tính vào các khoản được giảm trừ trước khi tính thuế.
Bỏ biểu thuế cao nhất 35% (với chỉ 0,18% người nộp thuế) theo đề xuất của Bộ Tài chính giúp khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi đã đành là cần, nhưng trong điều kiện kinh tế, mức sống như ở Việt Nam hiện nay, nên tính toán giãn bước thuế từng phần để tạo sức lan tỏa đối với các đối tượng thuộc biểu thuế còn lại. Việc thu thuế chỉ đạt hiệu quả nhất nếu thực hiện theo nguyên tắc “khoan sức dân”.
An Nguyên
Bình luận (0)