Giãn cách xã hội: Không ra đường thì ở nhà... làm vườn

10/07/2021 06:00 GMT+7

“Không ra đường thì ở nhà làm vườn” đang trở thành cách sống của nhiều người trẻ. Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều người trẻ phố thị tìm thấy những điều tuyệt vời từ việc làm vườn nơi ban công hay mảnh sân thượng nhỏ của mình.

Từ đó, những “khu vườn trên mây” ra đời. Giữa nắng gió bao la trên sân thượng, qua bàn tay làm vườn của nhiều “nông dân thành thị”, đủ rau trái tươi tốt sum suê, sợi dây kết nối với thiên nhiên càng bền vững.

Xu hướng “làm vườn trên mây”

Có nhà mới từ lâu, nhưng hơn 1 năm trở lại đây, anh Lê Kinh Thi (trú đường Hoàng Văn Thụ, P.8, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mới thật sự dành nhiều thời gian cho khu vườn sân thượng của mình.
“Dịch bệnh phức tạp, không ra đường thì tôi ở nhà làm vườn. Buổi sáng, thay vì ngồi quán cà phê, tôi lên sân thượng tưới nước, tự pha cà phê rồi ngồi đó ngắm cây cối. Chiều tối thay vì tới quán nhậu thì thăm vườn lần nữa”, anh Thi nói. Trong 18 m2 sân thượng, anh Thi trồng cóc, ổi, ớt, chanh, khế, lựu... mỗi loại một ít, ra trái lai rai, còn lại là đủ loại cây cảnh, hoa lan...
Để có “khu vườn trên mây”, người làm vườn phải kiên nhẫn, dành nhiều thời gian, công sức, từ khiêng đất, phân hữu cơ, làm hệ thống giàn treo, bồn trồng cây, nghiên cứu cách thoát nước, chống ẩm. Song, như anh Thi cho biết, đó như một cách tập thể dục, đồng thời tạo thêm niềm vui cho bản thân: “Nhìn cái cây ra trái mừng lắm không nỡ ăn, vì để nó trên cành thì có thêm 3 - 4 ngày để nhìn nó cho thỏa thích. Có khi tôi cắt trái chanh mình trồng ra, hít hà mãi cái mùi thơm, vị chua khác biệt mà không trái nào mua ngoài chợ có được”.
Bắt tay vào “khu vườn trên mây” rộng 60 m2 của mình đúng vào tháng 5.2020 khi dịch Covid-19 đã xuất hiện, tới nay chị Nguyễn Diệu Huệ (34 tuổi, trú đường 16, P.Linh Đông, TP.Thủ Đức, TP.HCM) có tròn 1 năm làm nông dân trong thành phố. Ban ngày đi làm tại công ty, chiều tối chăm sóc các con, dù bận bịu, chị Huệ cũng sắp xếp linh hoạt thời gian để chăm vườn.
Thời gian này nhiều ca nhiễm, hạn chế ra đường, những lúc rảnh, chị Huệ làm bạn với cây cối. Ngoài bầu bí, dưa gang, chị trồng bí giọt nước, bí mặt trời, sung Mỹ... Quanh năm, vườn lúc nào cũng có rau, trái để ăn và hái tặng hàng xóm, người thân. “Cảm giác cầm cái rổ đi vòng vòng khu vườn thu hoạch thành quả nó mừng vui lắm. Ngồi trong vườn cũng cho tôi nhiều ý tưởng sáng tạo hơn, có thể tìm ra nhiều phương án xử lý cho vấn đề ở công ty chẳng hạn”, chị Huệ nói.
Anh Nguyễn Duy Linh, người sở hữu 60 m2 vườn sân thượng với đủ loại dưa hấu, dưa lưới, cà chua bạch tuộc… ở P.Tân Chánh Hiệp (Q.12, TP.HCM), đồng thời là quản trị viên của nhóm “Vườn trong phố” với hơn 33.000 thành viên cho hay xu hướng “vườn cây trên mây” ở thành thị đang gia tăng, nhất là trong thời gian mọi người có nhiều thời gian ở nhà hơn trong mùa dịch.
“Mỗi ngày tôi nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn đang chờ của mọi người khắp nơi, cả từ nước ngoài để hỏi về cách gieo hạt, ươm cây, ủ đất, trộn đất, trồng cây mùa mưa... Trả lời không xuể. Nhưng tôi vui lắm, khi thấy tinh thần làm vườn của mọi người đang lan tỏa mạnh mẽ”, anh Linh nói.
Còn anh Hồ Ngọc Dinh (trú đường Lê Văn Thọ, P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM), người sáng lập nhóm “Thích trồng cây” với hơn 410.000 người tham gia, chia sẻ: “Ai cũng có ước mơ nơi mình sống sẽ có không gian xanh hơn, có thể chỉ là những chậu hoa ở một cái ban công nhỏ xíu, giàn nho ở sân nhà, cho tới những luống rau, cây ăn trái ở sân thượng. Không chỉ có thực phẩm sạch để ăn, làm vườn ở phố còn giúp con người thêm yêu thiên nhiên, cuộc sống, giảm căng thẳng mệt mỏi, kết nối với những người bạn cùng đam mê ở khắp mọi nơi, từ đó cuộc sống vui vẻ hơn”.

Người làm vườn hạnh phúc

Làm vườn có hạnh phúc hơn không? Chắc chắn là có, nhất là trong mùa dịch, nhiều người đang âu lo khi có nhiều ca nhiễm mới.
Anh Hồ Ngọc Dinh nói, làm vườn trên mây dễ “gây nghiện” bởi nhìn cây cối đâm chồi, nảy lộc, ra trái thơm ngon thì không thể không dừng lại. Cảm giác chinh phục được cây cối, gặt hái được từ nó thành quả ngọt ngào cũng hạnh phúc như hạ gục được khó khăn trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Hồng Đăng, một trong 3 nhà sáng lập Công ty nông nghiệp công nghệ cao Namix (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chia sẻ trong thời gian có nhiều ca nhiễm Covid-19 mới, mọi người ít ra ngoài tụ tập, ăn uống thì ở nhà làm vườn sẽ là lựa chọn sáng suốt, nhiều lợi ích, vừa giúp tránh xa các nguồn lây nhiễm, vừa giúp cơ thể được vận động, rèn luyện sự dẻo dai.
Theo anh Đăng, ở gần thiên nhiên khiến mỗi người hạnh phúc hơn, có một khu vườn dù nhỏ bé ở ngay ngôi nhà mình sẽ giúp mọi thành viên luôn yêu đời, sảng khoái tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng. Những cây trồng, ngoài rau củ còn có nhiều thảo mộc như cần tây, bạc hà, cải kale... chế biến được những món nước uống, đồ ăn ngon, bổ dưỡng như thuốc, giúp tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật.
“Không thể không kể tới giá trị giáo dục cho các con trong gia đình thông qua mảnh vườn nhỏ. Bạn cùng con làm vườn, trồng cây, dạy con về thiên nhiên, cho con hiểu về sự lao động kiên trì, giúp con trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn trong cuộc sống. Vậy thì hạnh phúc nào bằng chứ?”, anh Đăng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.