Hiện 3 mẹ con chị D., đang phải điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai và Viện Nhi T.Ư. Chị D., và 2 con, đứa lớn mới 8 tuổi, đứa bé 5 tuổi, nhập viện trong tình trạng nhiễm độc.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, người nhà bệnh nhân cho biết, do giận chồng, chị D., đã mua thuốc diệt cỏ để uống và cho 2 con uống cùng. Người nhà phát hiện sớm sự việc nên đưa cả 3 mẹ con đi cấp cứu ngay. “Cháu Cún (5 tuổi) bị nhẹ nhất vì được mọi người ngăn cản, giằng ra”, anh Trần Văn K., chồng chị D., cho biết.
Hiện chị D., đang phải điều trị tích cực, lọc máu ở Bệnh viện Bạch Mai với nguy cơ nhiễm độc vẫn còn tới 50%. Tâm sự với phóng viên, chị D., cho biết rất ân hận về hành động dại dột của mình.
Hiện, chị D., và các con nhỏ đang phải nằm trên giường bệnh điều trị với chi phí khoảng 50 triệu đồng mỗi ngày, trong khi cả hai vợ chồng đều là công nhân, lương chỉ đủ sống. Giờ chị D., có chị dâu ở bên chăm lo, còn các con chị thì được bố “chạy qua chạy lại” chăm sóc.
|
Gặp chúng tôi ở Bệnh viện Bạch Mai, anh Trần Văn K., vẻ mặt vẫn thất thần. Anh K., cho biết vừa ở Viện Nhi T.Ư sang thăm vợ. Hai con anh đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn đang phải điều trị tích cực vì việc nhiễm độc sẽ để lại di chứng khó lường.
Mỗi năm hơn 1.000 người chết vì thuốc diệt cỏ paraquat
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, không ngày nào bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc paraquat (một hóa chất trong thuốc diệt cỏ). Khoảng chục năm trở lại đây, tỷ lệ ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat rất nghiêm trọng. Năm 2014, riêng Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 300 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat; năm 2015 tiếp nhận 350 ca. Đến năm 2016 có tới hơn 450 ca vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc.
tin liên quan
Ăn thịt gà chết vì thuốc diệt chuột, hàng chục người bị ngộ độcBác sĩ Nguyên cho biết, tỷ lệ tử vong do ngộ độc hóa chất này rất cao, trên 70%, sau khi được áp dụng phương pháp cấp cứu. Trong khi đó, các hóa chất khác thì tỷ lệ tử vong là 1%. “Dù được cấp cứu, điều trị cùng các biện pháp hết sức tích cực, nhưng mỗi năm vẫn xảy ra khoảng 1.000 ca tử vong. Nếu không cứu chữa tích cực, thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa”, bác sĩ Nguyên nói.
Theo bác sĩ Nguyên, khi bị ngộ độc chất này, lúc đầu bệnh nhân thấy buồn nôn, sau đó đau rát họng. Thuốc diệt cỏ hấp thụ vào đường tiêu hóa rất nhanh. Chỉ trong vòng 2 tiếng đã đạt nồng độ cao trong máu.
Vì thế, mới đây, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã quyết định loại toàn bộ các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất paraquat ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam đến hết năm 2018. Quyết định này, theo bác sĩ Nguyên, sẽ góp phần hạn chế được rất nhiều các ca tử vong do ngộ độc paraquat.
Bình luận (0)