Giữa phố thị nhộn nhịp, gian hàng đồ cổ của ông Nguyễn Văn Lâm (55 tuổi, ở P.2, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) nằm nép trên vỉa hè gần cổng Trường CĐ Công thương miền Trung (đường Nguyễn Tất Thành, TP.Tuy Hòa). Đây là nơi ông Lâm kiếm tiền mưu sinh và thỏa đam mê sưu tầm đồ cổ.
Gian hàng chỉ đơn sơ là một tấm bạt lót phía dưới nền, sau đó bày biện đa dạng những món vật dụng cổ xưa do chính ông Lâm tìm kiếm, sưu tầm. Những ai có nhu cầu bán lại những món cổ vật, ông sẵn sàng thu mua.
Khi còn tuổi đôi mươi, ông Lâm đã có đam mê sưu tầm những món đồ cổ. "Nhưng lúc đó kinh tế eo hẹp, phải chạy từng bữa cơm bằng nghề bán dép, bán rượu trên tàu, tiền đâu ra mà mua", ông Lâm cười cười kể lại.
Sau này, khi chuyển sang nghề bán xoong nồi, bán vé số, ông Lâm đi đủ nơi, mỗi nơi góp nhặt vài thứ đồ yêu thích. Từng món đồ nhỏ, dễ thu mua, sưu tầm như: nồi một lon, nồi nhả trầu, bình đựng nước bằng nhôm, chậu rửa mặt bằng đồng, kỳ lân đúc đồng… lần lượt về tay ông Lâm. Tích tiểu thành đại, ông có cả một bộ sưu tập.
Lúc mới bắt đầu sưu tầm, nhiều người bảo ông Lâm phí tiền vào những thứ không đâu. Nhưng đã trót đam mê, ai nói gì ông cũng mặc kệ. Năm 2008, ông Lâm bắt đầu mở gian hàng nhỏ tại TP.Tuy Hòa vừa bán, vừa thu mua các món đồ cổ, ngót nghét đến nay đã gần 16 năm.
"Thật ra những món đồ như thế này rất khó bán, gặp người yêu thích, phải hiểu về giá trị lịch sử mới cảm thấy nó đáng quý. Trước dịch Covid-19, mỗi ngày tôi có thể bán kiếm trên dưới 300.000 đồng, mấy năm nay ế ẩm lắm. Nhưng cái thú vui nó vậy, cứ sáng dọn ra mất cả tiếng đồng hồ, chiều lại dọn vào mất thêm tiếng nữa", ông Lâm tâm sự.
Ngồi cả buổi sáng mà chẳng có khách ghé qua, ông Lâm lại lôi những món đồ cổ của mình ra lau chùi, săm soi, ngắm đi ngắm lại. Ông Lâm cho biết trong gian hàng đa số bán những món đồ đồng thời xưa, giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
"Tôi quý nó lắm, ai mua được thì tôi bán chứ chẳng kèo nèo trả giá gì. Không bán được thì tôi mang về nhà cất chứ chẳng bán rẻ đâu. Người đi từ khốn khó, thiếu thốn mới thật sự hiểu hết giá trị của những món đồ này. Ai mua nó, tôi mong họ cũng trân quý giống như tôi vậy", ông Lâm nói.
Bình luận (0)