Gian lận để... tạo phúc

21/10/2019 04:49 GMT+7

Có ai tin một Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang (bị cáo Lê Thị Dung) “nhờ nâng điểm” cho 20 thí sinh chỉ để “tạo phúc cho bản thân”?

Trong khi HĐXX Sơn La đã trả hồ sơ vụ gian lận điểm thi để điều tra bổ sung việc đưa - nhận hối lộ thì với hành vi tương tự, các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang vẫn bai bải “nâng điểm để tạo phúc, chứ không vì tiền”.
Hành vi đưa - nhận hối lộ trong vụ gian lận vô tiền khoáng hậu không được HĐXX Hà Giang xem xét. Thậm chí, ngay cả khi luật sư của bị cáo Triệu Thị Chính - cựu Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang đề nghị khởi tố vụ việc 2 thí sinh chạy điểm với mức giá 500 triệu đồng/suất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cũng không được xem xét.
Với tư cách từng là Phó giám đốc Sở GD-ĐT, chắc chắn thông tin của bà Chính không phải vô căn cứ, chỉ “nói cho vui”.
Về mặt suy diễn, người viết bài này không phản đối quan điểm của dư luận xã hội cho rằng, vì các đối tượng liên quan trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang “quá vip”, bao gồm từ bí thư tỉnh ủy, phó chủ tịch tỉnh và tình tiết mới công khai tại phiên tòa là vợ chủ tịch tỉnh cũng nhúng tay vào việc nâng điểm, nên vụ án đã không được điều tra đúng mức, như nó vốn phải có.
Có ai tin một Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh (bị cáo Lê Thị Dung) “nhờ nâng điểm” cho 20 thí sinh chỉ để “tạo phúc cho bản thân”? Có ai ngây thơ rằng có thể “tạo phúc” bằng hành vi vi phạm pháp luật không? “Tạo phúc” bằng ăn cắp cơ hội của người này để trao cho người khác ư?
Gian lận điểm thi không đơn thuần là hành vi “nâng điểm” mà còn là cướp đi cơ hội của con em nhiều người khác. Theo giáo lý nhà phật, đó là “tạo nghiệp” mới đúng. Chưa nói đến việc, nó phá hủy hình ảnh tốt đẹp của nền giáo dục đất nước.
Bị cáo phó giám đốc sở GD-ĐT thì chắc là không “ăn tiền” của phu nhân chủ tịch tỉnh khi nâng điểm cho thí sinh được chỉ định; Bị cáo trưởng phòng khảo thí cũng không thể cầm tiền để nâng điểm cho con gái ông bí thư tỉnh ủy, nhưng đó lại là một loại tham nhũng quyền lực kinh khủng hơn nữa, cần phải được làm rõ và loại bỏ.
Không có con một người nông dân, công nhân bình thường, gia đình khó khăn nào bỗng nhiên được nâng điểm để “tạo phúc” đúng không ạ? Chỉ có tiền và quyền lực mới làm được việc đó.
Trong lịch sử các triều đại phong kiến VN, dù nặng hay nhẹ, các án trường thi luôn là dạng “án điểm”, khi phát giác sẽ xử lý rất nghiêm. Bởi người xưa quan niệm, giáo dục chính là “bách niên chi kế”, là quá trình “trồng người”. Nếu xảy ra gian lận trong quá trình học tập sẽ tạo ra những con người hư hỏng, không thể sử dụng được. Trường thi cũng chính là khởi đầu quá trình đào tạo quan chức. Những người có “tì vết” về đường học hành thi cử thì đường tiến thân coi như khép lại.
Thời nay, các cán bộ trường thi “hồn nhiên” nại rằng gian lận điểm là để “tạo phúc” và tòa cũng lại “ngây thơ” cho đó là thật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.