Gian lận điểm thi: Quốc hội muốn được giải trình tường tận 'chuyện gì đang xảy ra'

18/04/2019 18:38 GMT+7

Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sẽ có cuộc làm việc với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Công an về vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 trong tuần tới.

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18.4, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết, Ủy ban dự kiến sẽ làm việc với Giáo dục - Đào tạo và Bộ Công an về vụ gian lận thi cử vào thứ 3 tuần tới (23.4).
Theo ông Bình, Ủy ban muốn các cơ quan hành pháp giải thích rõ "chuyện gì đang xảy ra" song cũng cho biết, đây sẽ là phiên giải trình "kín", vì muốn "các cơ quan này nói hết".
Trong những ngày vừa qua, thông tin về vụ gian lận thi cử tại một số tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đang làm nóng dư luận khi những thí sinh được xác định đã được nâng điểm có phụ huynh là lãnh đạo các địa phương này.
Cho tới thời điểm hiện tại, đã có 108 thí sinh thuộc 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình được xác định là được nâng điểm so với điểm thực. Trong đó, có thí sinh được nâng tới 26,55 điểm trên 3 môn thi.
Đặc biệt là tại Sơn La, các thí sinh được nâng điểm "bạo tay" hơn rất nhiều so với các tỉnh còn lại. Thí sinh được nâng tới 26,55 điểm cũng là một trường hợp thí sinh của tỉnh này.
Hầu hết các thí sinh gian lận, nâng điểm đều nộp hồ sơ vào các trường công an và quân đội. Cho tới ngày 17.4, sau khi các trường công an nhân dân đã hoàn tất các thủ tục xử lý hệ quả gian lận thi cử ở cả Sơn La và Hòa Bình, tổng cộng có 53 học viên trường công an nhân dân bị trả về địa phương, bao gồm cả 28 trường hợp là thí sinh Hòa Bình.
Ngoài Sơn La và Hòa Bình, Hà Giang cũng là tỉnh vướng gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tuy nhiên, khác với 2 tỉnh trên, 114 thí sinh được nâng điểm tại tỉnh Hà Giang đã bị phát hiện và trả về điểm thật trước khi các trường ĐH xét tuyển đại học.
Tới thời điểm này, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can do về các tội danh khác nhau liên quan tới vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh thành nói trên, trong đó Sơn La có 8 người, Hòa Bình có 3 người và Hà Giang có 5 người.
Cụ thể, tại Sơn La, cơ quan an ninh đã khởi tố các bị can: Trần Xuân Yến (Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La); Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP.Sơn La); Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La); Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La);
Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La); Đinh Hải Sơn (thiếu tá, nguyên cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Sơn La); Đỗ Khắc Hưng (trung tá, cựu cán bộ Phòng PA03, Công an tỉnh Sơn La) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại điều 356 bộ luật hình sự.
Tại tỉnh Hòa Bình, cơ quan chức năng đã khởi tố 3 bị can: Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng Phòng Khảo thí Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình); Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; và Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình.
Đối với tỉnh Hà Giang, đã có 5 bị can bị khởi tố, gồm: Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang); Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang); Triệu Thị Chính (Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang); Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang); Lê Thị Dung (Phó đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.