Gian lận thi cử, thời xưa xử lý thế nào?
Trong lịch sử khoa cử của Việt Nam, đã có nhiều vụ gian lận thi tương tự như vụ việc xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La gần đây. Lúc bấy giờ, người xưa đã xử lý những người vi phạm ra sao?
Tự động phát
Xử tội người 'bán', bêu tên người 'mua'
Quyển 34, tờ 39, Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo vào khoảng năm 1856 - 1884) có kể lại câu chuyện gian lận thi cử liên quan đến Hữu thị lang bộ Lại Ngô Sách Tuân (1648-1697). Ông là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Sách Tuân đỗ tiến sĩ năm 1676 đời vua Lê Hy Tông khi 29 tuổi.
Năm 1696, Ngô Sách Tuân được cử làm Phó chủ khảo ở trường thi Thanh Hóa. Trước khi đi Thanh Hóa, Sách Tuân có đến gặp Tham tụng Lê Hy trong phủ chúa Trịnh, đang giữ chức Tể tướng để chào từ biệt. Trước đó, Tuân có tố cáo Tham tụng Lê Hy tư túi, gian lận, gây mối hiềm khích. Khi Ngô Sách Tuân đến chào, Lê Hy mới gửi gắm người con trai nhờ khảo quan nâng đỡ. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết rằng Lê Hy đem hình dáng giấy đóng quyển thi của các con mình cho Sách Tuân biết, vì khi chấm thi, tất cả các quyển thi đều bị rọc phách để không nhận ra là quyển của ai. Trong kỳ thi đó con của Lê Hy không đỗ, Ngô Sách Tuân đã lấy những quyển thi bị đánh hỏng đó đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ vì cũng muốn xoá bỏ cựu hiềm, lấy lòng Lê Hy.
Sự việc này bị quan Đề điệu trường thi (chủ khảo kỳ thi) là Phó đô ngự sử Ngô Hải phát hiện, nhưng ông này không tố giác. Tuy vậy, quan Tham chính là Phan Tự Cường lại phát giác và tâu lên chúa Trịnh. Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (phải thắt cổ mà chết). Ngô Hải vì không có lòng chính trực nên bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn người tố cáo là Phan Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử. Tể tướng Lê Hy và con trai không bị khép tội, nhưng mang tiếng xấu muôn đời.
Một vụ án khác cũng rất nổi tiếng diễn ra vào khoa Thi Hội năm 1775 liên quan đến nhà bác học nổi tiếng, được đánh giá là trí tuệ uyên bác, bao quát tri thức cao nhất của thế kỷ 18 - Lê Quý Đôn, Tuy nhiên ông lại vướng vào một vụ án gian lận thi cử đáng tiếc.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính Biên, quyển thứ 44, tờ 27 và tờ 28) chép: "Quý Kiệt con Quý Đôn. Kỳ đệ tứ khoa thi này, Quý Kiệt cùng Đinh Thì Trung đổi quyển cho nhau để làm bài. Việc bị lộ, Đinh Thì Trung phải tội lưu đi Yên Quảng, Quý Kiệt phải trở về làm dân. Đinh Thì Trung nhân phát giác bức thư riêng của Quý Kiệt và cáo tố là do Quý Đôn chủ sự. Trịnh Sâm lấy cớ Quý Đôn là bậc đại thần, bỏ đi không xét, mà luận thêm tội Quý Kiệt, bắt giam cấm ở ngục ở cửa Đông".
Xử tội nặng thí sinh gian lận, không được tiếp tục dự thi
Đáng tiếc nhất là gian lận thi cử nổi tiếng có liên quan đến "thần Siêu, thánh Quát" năm 1841, niên hiệu Minh Mạng thứ 21. Theo Đại Nam thực lục (Tập 23, Bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội): "Năm Tân Sửu (1841), tháng 8...Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, chữa văn sĩ nhân (chữa 09 chữ trong một số quyển thi phạm húy). Bộ Lể và Viện Đô sát tra xét, nghị tội: Quát và Nhạ phải tội xử tử. Nguyễn Văn Siêu (làm Phân khảo) phải tội trượng, đồ. Chủ khảo và giám khảo bị cách chức, giáng chức. Vua xét lại, tha cho Quát, Nhạ tội xử tử và chuyển thành giảo giam hậu. Siêu chỉ bị cách chức, tha cho tội đồ".
Lý do là vì thí sinh không nắm hết “tên húy”, hay đọc hết ngọc phả (phải kiêng mấy đời) của nhà vua ở trong triều đình nên viết “phạm húy”. Lẽ ra, nếu biết thì thí sinh phải tránh bằng cách viết khác đi, hoặc thiếu nét…Tuy nhiên lúc đó vì thấy bài thi của thí sinh hay, Cao Bá Quát đã sửa nét chữ để thí sinh không bị “phạm húy”. Ngoài ra, cũng đợt thi này, quyển thi của Trương Đăng Trinh (cháu đại thần Trương Đăng Quế) nhẽ ra bị đánh hỏng thì quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu nói với quan nội trường cho đỗ. Vua Thiệu Trị cho là Cao Bá Quát không phải gian lận, chỉ muốn cứu vớt những thí sinh có tài mà lỡ phạm trường quy, lại thương Cao Bá Quát là người giỏi, tha án xử trảm, giảm xuống " bảo giam hậu " (giam lại đợi lệnh rồi xử giảo), chết được toàn thây, kể như nhẹ hơn bị chặt đầu), sau lại đổi ra " xuất dương hiệu lực", theo một phái đoàn đi Tân Gia Ba (Singapore hiện nay) lấy công chuộc tộ. Trương Hán Siêu sau cũng được tha tội đồ.
|
Bình luận (0)