Gian nan đời chẻ đá

14/11/2012 09:53 GMT+7

Thấy khối đá xuất hiện vết rạn, anh thợ vội xách búa nhảy bật khỏi tảng đá như một cái lò xo. “Khi đá bể, nếu nhảy không kịp có khi nhập viện như chơi”, anh Nguyễn Văn Hiền (40 tuổi), trú tại P.Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) – một thợ chẻ đá lành nghề tâm sự.

 Thu nhập của thợ đá vẫn còn thấp
Dù vất vả nhưng thu nhập của thợ đá vẫn còn thấp - Ảnh: Hoàng Sơn

Tay búa chẻ ngàn khối đá

Không máy móc, chỉ bằng những chiếc đục và quai búa, người làm nghề chẻ đá có thể xử lý gọn gàng những tảng đá có kích thước lớn như một tòa nhà. Chìa bàn tay đầy những nốt sần chai, anh Hiền chép miệng: “Học hành không tới nơi tới chốn, nghề nghiệp cũng không nên từ khi còn thanh niên tôi đã theo nghề này. Lắm lúc thấy nghề vất vả tôi định bỏ ngang. Nhưng rồi lập gia đình, thấy vợ con khổ cực nên tôi tiếp tục làm. Theo nghề miết rồi cũng quen, giờ đá lớn chừng nào không quan trọng mà quan trọng là phải xử lý tảng đá đó trong bao lâu”.

 

Có lần tôi thử làm nghề khác, nhưng bàn tay cứ run lên. Có lẽ vì làm việc nặng quá lâu nên sự khéo léo của đôi bàn tay cũng mất đi. Tay búa, tay đục đã quen, giờ cầm vật nhẹ thấy hụt hụt...

Nguyễn Đức Danh (30 tuổi, trú Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ)

Cũng giống anh Hiền, khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều tay thợ chẻ đá khác tìm về khu đất thuộc xã Tam Đàn (H.Phú Ninh, Quảng Nam) để kiếm cơm. Họ gộp nhau lại thành từng tốp khoảng 5 - 7 người rồi bắt tay vào công việc. Thợ chẻ đá có khi phải đào hố sâu hàng chục mét xung quanh tảng đá, bởi không phải khi nào cũng có sẵn đá lộ thiên để chẻ. Riêng bãi đá tại xã Tam Đàn (thuộc diện giải phóng mặt bằng), những khối đá chất lượng đều nằm sâu trong lòng đất. Khi đào đất, tảng đá lộ nguyên hình dạng, trong đầu mỗi người thợ đều tự hình dung các vị trí trọng yếu trên khối đá. Điều này được các tay thợ đúc kết trong những năm làm nghề. Nhìn sơ qua tảng đá, anh Hiền quay sang chúng tôi: “Đá thế này khoảng chừng 300 m3. Trên thân đá có 5 điểm đặt đục. Khi chẻ, trước hết phải chọn đúng vị trí sau đó mới tính đến chuyện nện búa mạnh, nhẹ”.

Lục bộ đồ nghề gồm một chiếc búa (nặng chừng 1 kg), một chiếc đục dài khoảng 30 cm, anh Hiền nhảy phóc lên tảng đá vào việc. Quai búa xuống chiếc đục, chiếc búa nẩy ngược trở lại kèm theo đám bụi đá mù mịt. Cảm giác như chưa đủ lực, anh Hiền liên tục giáng búa. Tại các vị trí khác, những đồng nghiệp của anh cũng đang hì hục với những nhát búa chát chúa. Những thợ chẻ đá lần lượt thay những chiếc đục có độ dài 30 cm, 50 cm, 70 cm… đến chiếc đục dài nhất cũng là khi “điểm đá vỡ”  bắt đầu. Ở giai đoạn này, người thợ vừa đục đồng thời phải vừa quan sát để kịp thời rời khỏi tảng đá. Khi đá vỡ, người thợ không kịp tránh trong vài giây cũng đủ nguy hiểm đến tính mạng.

Nhọc nhằn mưu sinh

Ngày công của thợ chẻ đá tính ra khoảng 150 ngàn đồng, so với nhiều nghề khác, nghề chẻ đá có phần nặng nhọc hơn nhưng thu nhập cũng không khác gì. Đã không ít lần, bàn chân anh Trần Văn Thắng (43 tuổi, trú tại Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) tứa máu khi vô tình chạm phải mặt đá sắc lẻm. “Đá vừa mới tách từ khối ra thường có nhiều hình dạng khác nhau và các cạnh đá cứ nhọn như dao. Người mới vào nghề, đổ máu vì bị đá cắt là chuyện cơm bữa. Ban đầu tôi cũng vậy, giờ nhiều kinh nghiệm hơn, đá sắc không đáng sợ bằng bụi đá”, anh Thắng trải lòng.

Theo nhiều thợ chẻ đá lâu năm, người trong nghề thường mắc phải các bệnh về đường hồ hấp như viêm phổi, viêm xoang... Cứ mỗi lần đẽo một khối đá, tấm khẩu trang trên mặt anh Thắng lại bám đầy bụi. Bụi đá bám vào từng dòng mồ hôi khiến khuôn mặt lấm lem trông càng thêm khắc khổ. Và chỉ đến khi các lô sản phẩm đá đến tay người mua, họ mới chính thức nhận được những đồng thù lao. Đá vài trăm khối làm hơn mươi ngày là xong, có tảng đến cả ngàn mét khối, anh em thợ chẻ phải kiên trì làm hàng tháng trời. Vất vả ngần đó thời gian nhưng cầm đồng tiền chưa “ấm tay” thì họ phải trang trải bao nhiêu khoản chi tiêu mà trong tháng làm nghề phải vay mượn. 

Trung bình một viên đá chẻ trị giá khoảng 4 ngàn đồng, một khối đá khoảng 150 ngàn đồng. Theo anh Thắng, nhiều anh em phải bán đá không theo mức trên vì bị người mua ép giá, vặn vẹo đủ kiểu. Đá đã chẻ, không bán không có tiền. Mồ hôi, máu và lắm lúc có cả nước mắt của những người đàn ông làm nghề chẻ đá.

Hoàng Sơn

>> Nhọc nhằn nghề gánh đá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.