Cô giáo Trần Thị thu Thúy uốn nắn từng nét chữ cho em học sinh người Cor - Ảnh: Hoàng Sơn |
1. Vật lộn gần 1 giờ đồng hồ với con đường đất trơn trượt, chúng tôi vào đến thôn 1 (xã Trà Giáp) khi bóng chiều đang xuống. Điểm trường thôn 1 hiện ra trước mắt, chênh vênh bên dòng sông Riêng. Cô giáo trẻ Thu Thúy thấy có người lạ vào nóc liền bỏ phấn, hỏi qua nụ cười: “Các anh là phóng viên à? Đã lâu, nóc Đá Mài này mới có khách đến thăm. Xa xôi quá mà”. Nói rồi, Thúy dẫn chúng tôi vào căn nhà tranh tre được dựng bên cạnh điểm trường để mời nước. Vào nghề cách đây 2 năm, được nhận làm giáo viên hợp đồng, Thúy được nhà trường phân công vào điểm trường thuộc hàng khó khăn nhất xã. Cũng như chúng tôi, lần đầu tiên đến được bên bờ sông Riêng, Thúy ngán ngẩm nhất là phải đi lại trên con đường đẩy hiểm trở. “Nắng còn đỡ, chứ mưa xuống là bó gối. Chị em tụi em vào thôn 1 đi dạy, lâu ngày ai cũng lái xe máy rất giỏi...”, Thúy cười hiền.
Thôn 1 cùng với các thôn 4, 5 thiếu thốn đủ bề. Đường sá cách trở, không điện, không đường, không trạm, không sóng di động. Vào đến các điểm trường thì xem như biệt lập hoàn toàn. Rừng sâu nước độc, cánh giáo viên nam còn đỡ, chứ đối với giáo viên nữ, mỗi khi đêm xuống rất ngại ra ngoài vì sợ đủ thứ. “Sợ nhất là sau mỗi trận mưa, rắn rít, vắt rừng bò vào nhà. Có lần, em đang ngủ sờ lên tay thấy ướt ướt. Tỉnh dậy thì tá hỏa phát hiện một con vắt to tướng đang căng bụng hút máu”, Thủy kể: “Nhiều lần đối mặt với vắt rừng riết thành quen. Giờ thấy vắt là bọn em có thể xử lý gọn gàng”. Còn đối với cô Nguyễn Thị Lựu (25 tuổi) vốn là con gái ở phố, lần đầu gặp rắn gặp vắt, cô điếng người vì quá sợ. Và cũng như cô, nhiều giáo viên nữ khác cũng phải “thích nghi” và vượt qua nỗi sợ đó.
2. Đầu năm học này, cô Lựu đã đến điểm trường ở thôn 4. Cô Thúy ở lại thôn 1. Còn thầy giáo Đỗ Đức Quang có thâm niên bám bản 10 năm lại được điều sang điểm trường thôn 5 - nơi khó khăn nhất của xã Trà Giáp với 4 giờ đi bộ. Tháng 3.2014, khi gặp chúng tôi tại điểm trường thôn 1, thầy giáo Quang khi đó đang loay hoay với chiếc điện thoại di động trên tay. Hai chân cứ đi, tìm hết chỗ này chỗ nọ để dò sóng. Quang bảo, vì chỉ có một mình là giáo viên nam nên mỗi khi đêm về, anh chỉ biết trò chuyện với chiếc điện thoại mà thôi. Phải có kinh nghiệm như anh mới biết chỗ nào có sóng của mạng Viettel, còn không thì đi ngủ sớm, hoặc bắc ghế ngoài hiên nghe tiếng ếch nhái vang vọng, ngẫm mình rồi suy tư về gia đình và vợ con. Cô Lựu, cô Thúy lệch nhau 4 tuổi. Cả 2 cô gíao trẻ coi nhau như chị em nhờ những câu chuyện khi xa nhà, những chia sẻ về nỗi nhớ người yêu. Tất cả 10 giáo viên tại điểm trường các thôn 1, 4, 5 cũng xem nhau như người thân vì mỗi năm họ lại “đi sứ”, luân chuyển đến một điểm trường mới. Như thầy Quang những năm học trước anh ở thôn 4, 5. Anh mới chuyển qua thôn 1 thì năm học này anh lại “về nhà” với những bài học vỡ lòng cho trẻ em người Cor.
Dạy học trong rừng sâu, khó khăn để kể thì nhiều nhưng mỗi lần Thúy về nhà, người thân hỏi cô chưa bao giờ dám kể thiệt lòng. “Em sợ gia đình lo lắng nên không nói cho người nhà biết cảnh thiếu thốn khi đi dạy”, Thúy trải lòng. Thúy bảo, vào nghề giáo lại ở nơi “thâm sơn” nhiều khi đồng lương hợp đồng ít ỏi với 2 triệu đồng chỉ đủ xăng xe, sinh hoạt. Nhưng khi đã quen, đã hiểu từng hoàn cảnh học sinh, Thúy lại thấy mình vẫn may mắn hơn các em quá nhiều vì được đi học cao, được biết ánh sáng của phố xá. “Dần dà thấy thương, thấy quý mảnh đất này lắm”, Thúy tiếp lời.
3. Nóc Đá Mài có gần 100 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào người Cor. Đời sống bà con vùng này hết sức khó khăn, chủ yếu là hộ nghèo. Do khá biệt lập nên việc “nuôi” con chữ cũng khổ theo. Học sinh học lên cấp 2, cấp 3 phải về huyện hoặc ra xã học nên nói để học lên cao là điều rất khó. Các giáo viên tiểu học tại các thôn phải vừa dạy vừa dỗ để các em học sinh đến lớp thường xuyên. Nhưng hình như nơi nào khó khăn thì nơi đó tình người càng thêm thắt chặt. Người dân ở các thôn 1, 4, 5 luôn quý giáo viên như như người thân của mình. Cứ mỗi mùa mưa bão đến, thầy cô giáo không thể ra ngoài mua gạo, người trong thôn lại gùi gạo đến biếu để cô thây yên tâm đứng lớp. Không có điện, người trong làng lại kéo dây điện từ các tua bin đặt dưới suối chia cho các thầy cô một ít điện cho bớt quạnh quẽ...
Thầy giáo Đặng Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Giáp cho biết, mặc dù điều kiện khó khăn, cách trở nhưng vì yêu nghề mến trẻ nên các giáo viên của trường vẫn ngày ngày đem con chữ đến với con trẻ vùng sâu của xã. Thôn 1, 4, 5 là ba thôn chưa có điện lưới quốc gia. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trong đó, tại thôn 5 có 3 phòng học tạm bợ. “Vì xa xôi như thế nên người dân và học sinh cũng không có khái niệm ngày hiến chương là gì. Trên đó, thầy cô phải tìm trò để dạy và dành mọi thứ tốt nhất cho học sinh của mình. Ở đó cũng không có chuyện dạy thêm học thêm mà giáo viên lại vận động học sinh đi học phụ đạo”, thầy Sơn nói.
Khi ra về, đi trên con đường đất nhão nhoét, nhớ lại câu chuyện cô giáo Trần Thị Thu Thúy kể, chúng tôi thấm thía thêm nhưng thiệt thòi của các giáo viên cắm bản “trồng người”. Thúy bảo: “Mỗi dịp hiến chương nhà giáo, các em học sinh trên này hiếm khi nhớ đến. Ấy thế mà có lần, một học sinh lấm lem ngắt một bó hoa rừng đến lớp rồi tặng cho em. Chỉ vậy thôi nhưng xúc động lắm…”.
Hoàng Sơn
>> “Gieo chữ” ở làng chài Cửa Vạn
>> Gieo chữ ở Trường Sa
>> Người gieo chữ thầm lặng
>> Gieo chữ nơi Cổng trời
>> Trang trại của những người gieo chữ vùng cao
>> Gieo chữ nơi đầu sóng
Bình luận (0)