Mùa này, người dân P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) lại rủ nhau ra góc sông Cu Đê bắt con chem chép để mưu sinh.
Mờ sáng, khi mặt trời còn chưa tỏ, những người dân ven sông Cu Đê (P.Hòa Hiệp Bắc) lại rời nhà men theo bờ cát, bám cửa sông, lội nước, khom lưng mò con chem chép. Họ ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ, có khi đau chảy nước mắt vì bàn chân dò dẫm trúng phải vỏ hàu.
Chem chép thuộc họ 2 mảnh giống hến, nghêu, sò... có vỏ cứng, nhiều hoa văn, kích cỡ trung bình bằng ngón chân cái. Chem chép làm hang ở các cồn cát. Thịt chem chép có vị ngọt, thơm nên rất được ưa chuộng.
Theo lời kể của những "thợ săn" chem chép, nếu thủy triều rút lúc nửa đêm thì đi làm lúc 4 giờ sáng, cào đến giữa trưa mới về. Nếu con nước ròng vào chiều tối thì đi cào đến sáng hôm sau.
Để ra giữa dòng sông, những người theo nghề phải đi dép hoặc tất chân để chống lại mảnh sành, vỏ hàu dưới đáy sông.
Dừng tay quệt những giọt mồ hôi đọng trên trán, bà Nguyễn Thị Thanh Phương (60 tuổi, trú tại P.Hòa Hiệp Bắc) chia sẻ: "Con chem chép sống cách mặt đất 1 gang tay, nó ở dưới lớp cát. Khác với con hến, chem chép đào về rồi mình phải lể lấy thịt, còn hến thì đãi được".
Đang hì hục cào chem chép cách đó không xa, bà Phan Thị Lượng (63 tuổi, P. Hòa Hiệp Bắc) nói với lên: "Đãi chem chép đơn giản nhưng cũng nguy hiểm, vì con chem chép có vỏ khá sắc, dưới lòng sông cũng có nhiều vỏ các loài nghêu, hàu hay đá dăm… có thể cứa đứt tay, chân. Cào nghêu, kiếm sống mưu sinh, kiếm ngày vài trăm đủ trang trải cho một bữa ăn của cả gia đình".
Bình luận (0)