Gian nan nghề bán cơm qua mạng

21/11/2018 16:13 GMT+7

Vào những hội, nhóm dành cho sinh viên để rao bán cơm kiếm thêm thu nhập mới thấy việc kiếm tiền không hề dễ dàng chút nào.

Đặt cả chục phần cơm nhưng không nhận
Trần Thùy Dương (27 tuổi, ở Dĩ An, Bình Dương), cho biết để có thể "kiếm đồng ra đồng vào" nên lên những Fan Page, hội, nhóm dành cho sinh viên các trường ĐH ở khu vực làng đại học, những trang dành cho sinh viên ở ký túc xá để rao bán cơm, nhận đặt hàng qua Facebook, sau đó giao đúng giờ.
Những tưởng công việc này "dễ ăn" nhưng Dương cho rằng "nuốt không trôi". "Cứ sáng là mình lên viết những dòng thông báo hôm nay thực đơn có món gì cho khách lựa chọn. Ai thích món gì thì cứ để lại bình luận kèm số điện thoại. Sau đó, gần 11 giờ trưa là mình chốt đơn hàng, soạn sẵn các phần cơm chuẩn bị để giao", Dương kể.

Nhưng "đời không như là mơ", cô gái này đã hơn cả chục lần rơi vào cảnh gọi điện thoại cho khách đặt cơm nhưng không ai nghe máy, có khi đứng đợi cả buổi trưa dưới cái nắng oi bức nhưng chẳng ai đến nhận.
"Nhiều lần tức lắm. Có người vô bình luận đặt cả chục hộp cơm, liệt kê đủ thứ món. Mình rất vui khi nhận được những đơn hàng như vậy. Nào ngờ khi đem đến, gọi điện thoại thì không liên lạc được. Vội mở Facebook để nhắn tin qua ứng dụng này thì... bị chặn mất. Đành mang ngược trở về nhà", Dương kể.
Những trường hợp như Dương khá nhiều. Chị Nguyễn Lan Thanh (24 tuổi), cũng chuyên giao cơm cho biết có nhiều bạn chọc phá bằng cách sử dụng tài khoản ảo, vô nhắn tin đặt 3, 4 hộp cơm, với lý do là đặt luôn cho bạn cùng phòng. Thế nhưng đến khi đem giao thì không cách nào liên lạc được. Hay có trường hợp khách để lại số điện thoại không phải của mình, để rồi chủ những quán cơm phải ngẩn ngơ chờ đợi trong vô vọng, rồi thất thểu mang cơm trở về.
Chị Thanh nói: "Vì đặt cơm qua Facebook, mang đến giao cơm mới lấy tiền, nên bị 'chơi khăm' phải chịu thôi, chứ không biết phải làm thế nào. Có khi đứng luôn ở ký túc xá, lên mạng, rồi viết status cầu cứu: "Ai ăn món này không, chị giao liền, chị ở trước ký túc xá nè", "Ai ăn giùm chị hộp cơm món này với"...".
"Cướp khách"
Không những khóc dở mếu dở vì rơi vào những tình huống oái ăm do khách tạo nên, nhiều người kinh doanh cơm bằng cách cho sinh viên đặt qua mạng, chủ yếu là Facebook, còn rơi vào cảnh bị giành mất khách.
Chị Lê Thị Lan Khuê (nhà ở khu vực Suối Tiên, Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết chị nhận đơn đặt cơm và giao cho sinh viên từ gần nửa năm nay. Ban đầu làm ăn suôn sẻ, nhưng sau đó thì không những khách đặt ít dần đi vì số lượng người bán cơm ngày càng nhiều, mà còn bị "cướp khách".
Chị Khuê giải thích: "Vì khi mình nhận đặt trên Facebook, sinh viên để lại bình luận đặt món kèm theo số điện thoại. Thì người khác sẽ vào thấy và chuẩn bị món y chang, sau đó đem đến trước, gọi điện thoại số đã có sẵn, giả vờ đó là mình đến giao cơm. Sinh viên không biết nên chạy ra nhận, đưa tiền. Khi mình đến sau, thế là mất khách, đem cơm trở về".
Chị Thanh than vãn: "Mỗi hộp cơm chỉ có 15.000 - 20.000 đồng, lời không được bao nhiêu cả. Nhưng khi khách đặt hàng là phải đi tốn cả 15, 20 phút mới tới nơi để giao. Nhiều khi trời mưa to, trời nắng gắt cũng đi giao. Thế mà đến nơi gọi không được, phát hiện bị chơi khăm, hoặc bị người khác 'cướp khách', nản ơi là nản, bực ơi là bực".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.