Gian nan ở trọ: Làm quần quật chỉ để trả tiền trọ

09/10/2024 06:11 GMT+7

Với nhiều người, việc tìm một chỗ ở giá rẻ là bài toán khó giải, nhất là trong bối cảnh giá thuê nhà ngày càng tăng vọt như hiện nay. Thực tế, nhiều người lao động chấp nhận làm việc quần quật chỉ để trả tiền thuê một chỗ ở tạm bợ.

TP.HCM được biết đến là "thủ phủ công nghiệp" của nước ta nên thu hút lượng lớn người lao động từ khắp mọi miền đất nước về đây sinh sống, làm việc. Vì thế, nhu cầu thuê trọ ở TP.HCM cũng rất cao.

Có thật "tiền nào của nấy"?

TP.HCM có sự phân loại trọ theo nhiều kiểu, từ phòng nhỏ chỉ đủ để đặt một chiếc giường cho đến những phòng đầy đủ nội thất, tiện nghi. Ngoài ra, một chiếc cửa sổ đón nắng hay ban công cũng trở thành yếu tố định giá quan trọng. Chưa dừng lại ở đó, người thuê còn phải "khóc" vì phí điện nước vượt trần và những dịch vụ đi kèm khó hiểu.

 - Ảnh 1.

Một khu trọ xuống cấp ở TP.Thủ Đức, cho thuê với mức giá 1,5 triệu đồng/phòng/tháng

Ảnh: T.T

Là nhân viên tại một công ty công nghệ có mức thu nhập 13 triệu đồng/tháng, chị H.V (28 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang thuê một căn phòng trọ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) với mức giá 3,5 triệu đồng/tháng. Phòng chị nằm ở tầng trệt, có máy điều hòa, nhà vệ sinh riêng, không có cửa sổ. Các chi phí khác gồm: điện 3.800 đồng/kWh, nước 20.000 đồng/m3, rác và phí dịch vụ 150.000 đồng/tháng, wifi 100.000 đồng/tháng. Vì ở một mình nên mỗi tháng, tổng chi phí chị phải bỏ ra để thuê chỗ ở là khoảng 4,2 triệu đồng (tương ứng với khoảng 35% tổng thu nhập hiện tại).

"Sau khi trả tiền nhà, tiền ăn uống và các chi phí khác, tôi hầu như không còn dư đồng nào. Những tháng có cưới hỏi, hội họp, càng phải chắt bóp chi tiêu, thậm chí là vay mượn bạn bè. Ai cũng nói tôi sống sang chảnh, vì thuê một căn phòng trọ nhiều tiền. Nhưng thực tế ít ai biết, trong nhà nguyên căn, phòng tôi là phòng rẻ nhất vì nó nằm ở tầng trệt, ngay bãi giữ xe. Tiếng xe máy ra vào ồn ào ảnh hưởng đến sinh hoạt nhưng đành chấp nhận. Chưa kể, khi mới dọn vào thì phòng bị ẩm thấp, nhiều mảng mốc đen sì bám trên tường, trông rất khủng khiếp. Phải nói nhiều lần chủ nhà mới hỗ trợ sửa sang lại phần chống thấm…", chị V. bộc bạch.

 - Ảnh 2.

Nhà vệ sinh kiểu cũ của một khu trọ xuống cấp ở TP.Thủ Đức

Ảnh: T.T

Với mức lương hiện tại, chị không thể chi nhiều tiền hơn vào việc ở trọ. Không chỉ chị V., bản thân chúng tôi cũng "vỡ mộng" khi trực tiếp đến khảo sát một vài khu trọ ở TP.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh hay Q.10. Đây là những quận tập trung nhiều khu trọ cho sinh viên, công nhân, người đi làm.

Khi liên hệ và đến xem, chúng tôi phải rùng mình khi bước vào những căn phòng "giá sinh viên" được quảng cáo trên hội nhóm Facebook. Phòng xuống cấp, ẩm thấp, diện tích nhỏ hẹp và đặc biệt là nhà vệ sinh không có lỗ thông hơi, khiến không khí trong phòng luôn ẩm mốc, khó chịu. Một vài khu trọ có tuổi đời đã lâu còn sử dụng dạng nhà vệ sinh bệt, nhiều phòng dùng chung một nhà vệ sinh.

Thậm chí, có nơi, chủ nhà còn xây phòng ngay dưới chân cầu thang để tận dụng diện tích, mặc dù đây là không gian rất chật chội và thiếu an toàn.

Anh Nguyễn Minh (môi giới phòng trọ trên mạng xã hội) cho biết hiện nay, để tìm được một căn phòng giá dưới 2,7 triệu đồng/tháng là rất khó (dù chấp nhận phòng kín, không nội thất). Với tầm giá này nếu muốn thuê ở khu loanh quanh trung tâm (bán kính 5 - 7 km) thì chỉ có thể thuê những phòng xấu, kém chất lượng, cũ kỹ, nằm trong các con hẻm nhỏ, sâu. Hoặc giải pháp khác là thuê sleep box (hộp ngủ), ký túc xá tư nhân…

Theo thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động - việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động quý 2/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đủ kiểu "chịu trận"

Thăm dò khoảng 10 người dưới 35 tuổi, đang là công nhân, nhân viên văn phòng ở TP.HCM, có mức thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/tháng, thì hầu hết đều xác nhận rằng số tiền họ phải trả cho chỗ ở mỗi tháng chiếm từ 30 - 35% tổng thu nhập (đối với trường hợp ở một mình). Còn nếu tìm bạn cùng phòng ở ghép, chi phí có thể giảm xuống từ 500.000 - 700.000 đồng song phải chịu nhiều bất tiện.

 - Ảnh 3.

Khu ký túc xá tư nhân trước đây chị Vy từng ở rất chật chội, bừa bộn

Ảnh: NVCC

"Ở TP.HCM, mỗi tháng lương chỉ vừa đủ để trả trọ, ăn uống, chi tiêu thì chắc đến khi già tôi cũng không thể mua cho mình một căn nhà. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc về quê để giảm áp lực, nhưng vì nhiều lý do nên cứ chần chừ mãi", chị Khánh Vy (25 tuổi, ở Q.10, TP.HCM) tâm sự.

Chị Vy đang ở ghép với bạn tại một phòng trọ nhỏ trên đường Tô Hiến Thành (Q.10) với giá 4,5 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả điện nước và các chi phí phát sinh thì tổng là hơn 5 triệu đồng, quy ra mỗi người trả khoảng 2,7 triệu đồng/tháng cho tiền ở. Trong khi đó, mức lương của chị Vy là 8 triệu đồng/tháng.

Trước đây, chị Vy từng ở ký túc xá tư nhân để tiết kiệm chi phí. Nhưng nó quá bất tiện, không có không gian sinh hoạt, ồn ào vì phòng có đến 8 người, mỗi lần đi tắm, đi vệ sinh phải chờ cả tiếng. Nhiều lần, chị chia sẻ mình muốn phát điên vì nửa đêm bạn cùng phòng còn nấu mì ăn, xem bóng đá ồn ào.

 - Ảnh 4.

Một phòng trọ có giá 4,5 triệu đồng/tháng tại Q.Bình Thạnh (chưa bao gồm chi phí điện, nước, dịch vụ, internet...)

Ảnh: Môi giới cung cấp

"Đã có lúc tôi nghĩ, xa quê lên Sài Gòn làm nhưng tháng nào cũng không có dư, thậm chí không đủ tiêu phải vay mượn bạn bè, vậy tôi còn bám trụ ở đây vì điều gì? Hiện tại, ngoài công việc chính, tôi có đi làm gia sư buổi tối để kiếm thêm, cũng từng bán hàng online... Tôi cứ vậy mà làm việc quần quật suốt cả ngày đêm, kể cả lễ tết, chỉ mong sớm có tiền để dọn ra ở riêng cho thoải mái", chị Vy nói.

Chị Hoài An (23 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: "Chỗ trọ cũ tôi ở bị tăng giá đột xuất sau vài tháng thuê vì lý do chủ trọ lắp đặt thang máy, trang bị thêm máy giặt, tu sửa khu trọ để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, phòng ở không được tu sửa gì đáng kể, nên tôi quyết định bỏ cọc để chuyển đi nơi khác". Nhiều lý do khác cũng được chủ nhà viện dẫn để tăng giá thuê giữa chừng, từ việc cải tạo, sửa chữa phòng trọ đến lý do phòng trọ khan hiếm. (còn tiếp)

Chọn lựa không dễ

Từng có kinh nghiệm thuê trọ nhiều lần ở TP.HCM, anh Chính Nghĩa (23 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay đối mặt với vấn đề nhà ở, người đi thuê phải đứng giữa 3 lựa chọn.

Thứ nhất là thuê trọ khu vực trung tâm hay gần trung tâm thì phải chấp nhận mức giá cao ngất ngưởng. Tuy nhiên sẽ được lợi về mặt di chuyển, gần chỗ làm, đi đâu cũng tiện.

Thứ hai là thuê trọ khu vực ngoài rìa thành phố hoặc tìm người ở ghép. Thế nhưng việc di chuyển xa đến chỗ làm lại tiêu tốn thêm thời gian và tiền xăng, khiến tình hình tài chính vẫn không cải thiện nhiều.

Cuối cùng là chấp nhận ở những kiểu trọ không an toàn như sleep box (hộp ngủ), nhưng đổi lại nhiều hiểm nguy và bất tiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.