Gian nan ở trọ: Ma trận 'cò' cho thuê nhà

11/10/2024 05:50 GMT+7

Cảnh 'treo đầu dê bán thịt chó', mất tiền cọc vì không thể ở nổi là chuyện không còn xa lạ khi đi thuê trọ ở TP.HCM.

Ngồi trước màn hình, lướt qua hàng loạt bài đăng cho thuê phòng trọ giá rẻ trên mạng xã hội, chị Anh Thư (23 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) nửa tin nửa ngờ về lời chào mời của những người môi giới. Sự hứa hẹn về một căn phòng thoáng mát, thuận tiện di chuyển, giá cả phải chăng…, tất cả đã khiến chị muốn chốt đơn ngay lập tức.

TRÊN MẠNG VÀ THỰC TẾ

Thời hiện đại, chỉ cần vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên các nền tảng mạng xã hội, người thuê đã có thông tin của hàng trăm căn phòng trọ cho thuê ở TP.HCM. Muốn xem trọ online, người thuê chỉ cần tìm kiếm cụm từ "phòng trọ giá rẻ + nơi ở" sẽ có được hàng chục, hàng trăm kết quả trong vài giây. Ví dụ như: Phòng trọ giá rẻ Bình Thạnh; phòng trọ giá rẻ Thủ Đức…

Gian nan ở trọ: Ma trận 'cò' cho thuê nhà- Ảnh 1.

Một căn phòng trọ lợp mái tôn ở TP.Thủ Đức khiến người thuê nóng nực, mệt mỏi mỗi khi mùa hè đến

ẢNH: T.T

Trên các nhóm đó, chủ trọ, các môi giới sẽ đăng tải thông tin, hình ảnh của những phòng trọ/nhà cho thuê đang trống. Nếu để lại bình luận hay nhấn like, ngay lập tức sẽ có người liên hệ và dẫn khách đến xem phòng. Nhiều phòng trên hình ảnh sạch sẽ, gọn gàng với mức giá hợp lý, thu hút sự quan tâm của đông đảo người thuê. Tuy nhiên, thực tế không giống như những gì được quảng cáo.

Chị Thư kể lại: "Lúc trước, vì tôi chủ quan và sợ hết phòng nên mới xem qua ảnh đã vội chốt cọc. Ảnh do bên môi giới đưa nhìn phòng rất sạch sẽ, tiện nghi, giá cả lại vừa tầm. Môi giới nói nếu không cọc thì người khác tới xem họ sẽ lấy mất, phòng tốt mà rẻ bây giờ cực hiếm, tôi cứ vậy mà tin theo. Lúc đến nơi, tôi hoảng hồn vì phòng rất ẩm thấp, mùi mốc xộc lên mũi, trần nhà thì mốc đen. Lỡ dại rồi thì đành chịu chứ không biết làm sao".

Gặp phải tình huống trớ trêu như chị Thư không phải là hiếm, khi nhiều người thuê phải đối mặt với thực tế hoàn toàn trái ngược so với hình ảnh và thông tin mà môi giới cung cấp. Những phòng trọ xuống cấp, không đúng mô tả cùng với các chi phí phát sinh khiến người đi thuê chán nản, thậm chí phải tìm nơi khác dù đã mất một khoản phí môi giới.

MẤT TIỀN CỌC VÌ KHÔNG Ở NỔI

Ngoài việc cung cấp thông tin sai lệch, "cò" cho thuê nhà còn sử dụng nhiều chiêu trò nhằm lấy tiền cọc của người thuê. Một trong những chiêu phổ biến nhất là yêu cầu người thuê đặt cọc trước khi vào xem phòng hoặc ký hợp đồng. Họ dùng những lý do như "phòng đang hot" hoặc "nhiều người quan tâm" để tạo áp lực, buộc người thuê phải đặt cọc ngay nếu không muốn mất phòng.

Gian nan ở trọ: Ma trận 'cò' cho thuê nhà- Ảnh 2.

Không khó để tìm kiếm thông tin phòng trọ trên các trang mạng xã hội

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Khi hợp đồng đã ký và tiền cọc đã trao, người thuê thường nhận ra các điều khoản bất lợi như điều kiện phòng không đảm bảo, hoặc các loại phí phát sinh như phí vệ sinh, phí an ninh. Khi không thể tiếp tục thuê, họ gần như không thể lấy lại tiền cọc, vì hợp đồng thường quy định rằng tiền cọc sẽ không hoàn lại trong trường hợp người thuê hủy hợp đồng.

Tôi từng thuê một căn phòng trọ giá 2,9 triệu đồng/tháng ở P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức), đặt cọc 1 tháng và làm hợp đồng 6 tháng rồi mới vào ở. Trước khi thuê, môi giới nói với tôi căn phòng tôi thuê là phòng rộng nhất ở tầng trệt nên giá nhỉnh hơn các phòng khác. Ngoài ra, phòng ở cuối đường nên yên tĩnh, tránh người đi lại. Bên cho thuê cũng bảo đảm sẽ tu sửa phòng và dọn sạch rác bên ngoài cửa sổ trước khi bàn giao.

Tuy nhiên, khi tôi vào ở thì trải nghiệm lại hoàn toàn khác. Phòng ẩm thấp, nội thất xuống cấp, nhiều chuột, gián. Ban đêm thì nhiều muỗi, côn trùng kêu suốt đêm không thể ngủ. Chỗ nấu ăn rò rỉ nước, cống hay có mùi hôi…, tuy chủ đã cho thợ đến sửa chữa nhưng cứ vài bữa lại hư, tình hình không hề khả quan. Dãy trọ còn thường xuyên ồn ào vì các phòng khác dẫn bạn về chơi, tụ tập ăn uống.

Sau hai tháng, tôi quyết định chuyển trọ. Vì chưa hết kỳ hạn trong hợp đồng nên tôi đành ngậm ngùi mất khoản tiền cọc trước đó, dù những gì chủ trọ hứa hẹn ban đầu hoàn toàn không được đáp ứng.

Thực tế, khi tiếp cận một "cò" cho thuê trên mạng và xin được gia nhập nhóm sale phòng trọ, tôi được biết nếu chốt đơn thành công, "cò" có thể hưởng từ 50 - 70% tiền cọc của người thuê. Tỷ lệ chia tiền này phụ thuộc vào số tháng hợp đồng và tốc độ chốt đơn. Chính vì vậy, nhiều "cò" bất chấp chất lượng phòng hay nhu cầu thực tế của người thuê, miễn là có thể chốt hợp đồng và nhận hoa hồng.

GIẢI PHÁP NÀO CHO NGƯỜI ĐI THUÊ TRỌ?

Với các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, việc tìm được một nơi ở ổn định, phù hợp là rất cần thiết. Chia sẻ về vấn đề này, anh Lê Nguyễn Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, cho biết đầu năm học luôn là thời điểm nhà trọ trong tình trạng "nóng sốt". Số lượng lớn tân sinh viên từ các tỉnh đổ về thành phố nhập học dẫn tới nhu cầu cấp thiết về chỗ ở an ninh, an toàn và giá thuê phù hợp.

Gian nan ở trọ: Ma trận 'cò' cho thuê nhà- Ảnh 3.

Người thuê nên lưu ý những điều khoản, quy tắc của khu trọ được nêu trong hợp đồng để tránh mất tiền oan

ẢNH: T.T

"Hiện nay, đa số các trường đều có hệ thống ký túc xá dành phần lớn chỗ ở cho sinh viên năm nhất. Vậy nên sinh viên năm nhất được khuyến khích ở ký túc xá để thuận tiện học hành, sinh hoạt. Còn khi đến xem nhà trọ, các bạn nên đi cùng người thân, người quen, tìm hiểu kỹ thông tin nhà trọ: giá tiền thuê theo tháng/năm, điều khoản hợp đồng thuê trọ bao gồm giá điện nước, thời gian thuê, thỏa thuận thời điểm tăng giá phòng trọ, việc sửa chữa, thay mới cơ sở vật chất trong phòng trọ…", anh Nam lưu ý.

Anh Nam nhấn mạnh thêm, để tránh bẫy lừa đảo cò mồi thuê trọ, tân sinh viên cần có người thân, bạn bè hỗ trợ cùng tìm kiếm chỗ trọ phù hợp. Người thuê nên tìm đến các đơn vị uy tín để tìm kiếm thông tin nhà trọ. Riêng với các sinh viên thì nên tham khảo ở trung tâm/ban hỗ trợ sinh viên trường, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM.

"Trước nạn lừa đảo, không chỉ các bạn sinh viên mà những người đi thuê trọ đều nên cảnh giác với các tổ chức, cá nhân môi giới nhà trọ: đặt cọc tiền phí giới thiệu, được giới thiệu đến nơi ở không phù hợp hoặc thông qua đối tượng giả dạng người tốt giúp đỡ sinh viên rồi đòi tiền sau khi đưa đến nhà trọ", anh Nam cho hay.

Theo anh Nam, một cách thức lừa đảo khác là sinh viên đến thuê nhà, sau khi đặt cọc, chủ nhà trọ ràng buộc hợp đồng bởi những điều khoản vô lý: chịu các khoản chi phí nếu nhà cửa hư hỏng, xuống cấp, tăng giá trọ không cần báo trước, đóng cửa sớm và sinh viên không được vào nhà nếu quá giờ quy định, giá điện nước cao ngất ngưởng… Sinh viên không ở được sẽ phải bỏ tiền cọc và tìm chỗ trọ khác.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.