Gian nan siết các kênh trực tuyến 'rác'

18/10/2018 06:14 GMT+7

Việc nở rộ các kênh YouTube, truyền hình trực tuyến dẫn đến tình trạng 'loạn' nội dung, trong đó nhiều thông tin phản cảm, dung tục, trái thuần phong mỹ tục... vẫn được phát nhan nhản.

Khó quản lý nội dung
Nếu việc quản lý nội dung các kênh truyền hình chính thống khá dễ dàng trước khi phát sóng thì với các kênh trực tuyến, YouTube tại VN dường như quá vất vả, phần lớn chỉ xử lý liên quan đến việc vi phạm bản quyền. Riêng nội dung phản cảm, dung tục... chỉ khi nào bị người dùng gửi báo cáo (report), như trường hợp game show Date&Kiss thì YouTube sẽ ngưng phát cho đến khi có nội dung phù hợp. Đã và đang có khá nhiều kênh, nhiều người dễ dãi trong khâu chuyển tải nội dung. Điều đáng nói là các kênh này có sức ảnh hưởng rất lớn, với vài triệu lượt xem.
Việc kênh Date&Kiss phải dừng phát game show cùng tên (mang nội dung phản cảm khi cho giới trẻ hôn để hẹn hò) sau khi bị phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng và các cơ quan chức năng, đã nhận được sự đồng tình của hàng triệu khán giả. Tuy nhiên, không phải cuộc phản ứng nào cũng có tác dụng để các kênh trực tuyến chỉnh sửa. Vẫn còn đó các video clip mà nội dung gây tranh cãi, hoang mang cho giới trẻ bởi nội dung nhạy cảm, dung tục. Ví như cuộc thi Ai hôn giỏi nhất, Quần lót của ai? bàn về cách hôn, “thử hôn” của Tikka Hoàng Hiền; kênh YouTube Vibe Digital với nhiều trò chơi “sốc”, thô thiển từ game show Dare Pong được phát hằng tuần... Mới đây, xem một vài nội dung được phát trên kênh trực tuyến dành cho giới trẻ tại www.vlive.tv, nhiều khán giả đã phải lắc đầu. Như câu chuyện diễn viên T.Trần kể về việc bị một đại gia “gạ tình” trên xe đưa cô về nhà sau khi ông này đã trả 33 triệu đồng chi phí tiệc sinh nhật của cô, bằng những từ ngữ... kinh khủng. Rồi chuyện “riêng tư” liên quan đến chồng được cô kể ra rả như... phim hài. Hơn 1 tháng phát sóng, clip của cô thu hút gần 1 triệu lượt theo dõi, trong đó có hàng ngàn phản ứng nặng nề về độ “lầy”.

Hãy tăng cường những clip tích cực và loại bỏ những thông tin tiêu cực. Điều này rất quan trọng vì những gì được chia sẻ trên mạng hiện nay ảnh hưởng rất nhanh đến suy nghĩ, quan điểm sống của nhiều người

MC Hoàng Oanh

Đó là chưa kể các kênh YouTube riêng ở tài khoản của PewPew, NDT Gaming, TrauTv... luôn có các câu chuyện mà khách mời, MC dùng những từ ngữ thiếu tế nhị, cả chuyện văng tục, chửi thề được thể hiện thoải mái. Nhiều người thắc mắc tại sao họ là những YouTuber có hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt theo dõi, tương tác (subscribe) lại có các cuộc đối thoại giữa MC và người chơi phần lớn chỉ xoay quanh những chuyện nhạy cảm? Không chỉ phát tán tiếng Việt, có kênh còn chuyển ngữ tiếng Anh chạy phụ đề, như kênh vlive.tv.
Ông Võ Trọng Nam, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho rằng: “Thời gian qua có quá nhiều kênh truyền hình trực tuyến tự phát hay YouTube nở rộ với nội dung khó chấp nhận, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, đến giới trẻ. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng liên quan đến việc quản lý những nội dung các kênh này cần quan tâm, có hướng xử lý mạnh tay nếu có nội dung vi phạm. Phải tìm ra hướng kiểm duyệt nội dung trước khi phát chứ không để thả trôi. Vấn đề này cần được Bộ TT-TT và Sở TT-TT TP.HCM quan tâm hơn”.
Cần xử lý mạnh theo luật
Việc quản lý nội dung phản cảm, thông tin rác vẫn biết là rất khó khăn nhưng các cơ quan chức năng khẳng định đã và đang vào cuộc xử lý. Trước đây Bộ TT-TT từng xử lý hành chính Trà Ngọc Hải (chủ sở hữu kênh YouTube Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life) khi tung những clip dành cho trẻ em có nội dung phản cảm. Chủ sở hữu kênh này bị xử phạt 30 triệu đồng, đơn vị cung cấp network là Yeah1 Network cho kênh này bị phạt hành chính 20 triệu đồng. Còn YouTuber Nguyễn Thành Nam cùng 4 người khác thì bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - PC50, Công an Hà Nội “hỏi thăm” khi tung các video clip Trò đùa troll bom đường phố... Việc xử lý của các cơ quan chức năng đã ít nhiều khiến một số cá nhân “chùn tay”, tuy nhiên hiện vẫn còn khá nhiều “rác” cần dọn dẹp.
Ông Phạm Lục (ở Q.1, TP.HCM), một người thường xuyên xem YouTube, nói: “Tôi biết có Nghị định 72/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, nếu vi phạm sẽ phải chịu hình thức xử phạt theo Nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Các cơ quan chức năng cứ theo dõi và cái nào vi phạm thì phạt thật nặng. Càng phạt thì càng làm giảm bớt các nội dung phản cảm”.
Dưới góc độ một người trẻ, MC Hoàng Oanh nhấn mạnh: “Cần ghi nhận là có nhiều kênh YouTube và YouTuber chuyển tải nội dung thú vị, hữu ích, nhưng cũng có không ít kênh nội dung chưa tốt ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Theo tôi, chúng ta hãy tăng cường những clip tích cực và loại bỏ những thông tin tiêu cực. Điều này rất quan trọng vì những gì được chia sẻ trên mạng hiện nay ảnh hưởng rất nhanh đến suy nghĩ, quan điểm sống của nhiều người”.
“Việc quản lý, ngăn chặn các thông tin có nội dung vi phạm pháp luật, nội dung độc hại trên môi trường mạng là công việc khó khăn. Các đối tượng vi phạm thường chui lủi, lẩn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, của cộng đồng bằng thủ đoạn đối phó ngày càng tinh vi. Họ ẩn danh hoặc đưa ra thông tin cá nhân giả mạo, sử dụng dịch vụ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào VN... Thời gian qua, Bộ TT-TT đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi cung cấp trên môi trường mạng nội dung vi phạm quy định pháp luật, không phù hợp đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa VN. Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của mỗi thành viên trong cộng đồng khi tham gia tương tác, bày tỏ thái độ và ứng xử có trách nhiệm”.
Ông Ngô Huy Toàn 
(Trưởng phòng Thanh tra báo chí và Thông tin trên mạng, Bộ TT-TT)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.