Những ngày này, đặt chân đến H.Trà Cú (Trà Vinh) sẽ bắt gặp nhiều hình ảnh rất lạ. Giữa vùng mía nguyên liệu bạt ngàn bỗng xuất hiện các cánh đồng lúa mạ, ao cá nằm xen kẽ. Ông Kiên Sâm Bô (ngụ ấp Trà Cú A, xã Kim Sơn, H.Trà Cú) cho biết do trồng mía thua lỗ, từ năm 2017 gia đình ông đào 2 ao nuôi cá thác lác cườm, mỗi ao thả 60.000 con giống. Sau 9 tháng nuôi sẽ thu hoạch với mức lãi khoảng 10.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại xã Đại An cho thấy năm 2015 toàn xã có 175 ha trồng mía nhưng đến nay giảm còn 68,7 ha. Nguyên nhân là những năm gần đây giá mía giảm mạnh, người trồng thua lỗ triền miên nên chuyển sang nuôi thủy sản, trồng lúa, tập trung ở các ấp Giồng Lớn B, Giồng Giữa…
tin liên quan
Mía chín rục đồng, nông dân khốn khóGia đình anh Bùi Thanh Tùng (xã Lưu Hiệp Anh) trồng 3 ha mía, năm nay năng suất giảm chỉ còn 70 tấn/ha. “Nông dân chưa hết khổ thì giá mía lại rớt thê thảm, hiện chỉ còn 8.000 đồng/kg đối với mía 10 chữ đường. Mỗi ha nông dân đầu tư khoảng 70 triệu đồng, giờ chỉ thu được 30 triệu đồng nên nợ nần chồng chất. Giá mía đang giảm, ai cũng biết nhưng không trồng mía thì trồng cây gì bây giờ”, anh Tùng xót xa.
Theo Phòng NN-PTNT H.Trà Cú, năm 2019 diện tích trồng mía trong nông dân giảm rất mạnh. Nếu giá mía không được cải thiện thì những năm tiếp theo diện tích mía của Trà Cú sẽ còn giảm nữa. Các diện tích mía còn duy trì là do có điều kiện gần với đường giao thông, vùng đất nhiễm mặn hoặc không chủ động được nguồn nước ngọt… từ đó nông dân không chuyển đổi được và buộc phải “bám” cây mía. Trong năm 2019, nhiều diện tích trong vùng trồng mía đã chuyển sang trồng lúa như Đại An, Lưu Nghiệp Anh, Thanh Sơn…
Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND H.Trà Cú, cho biết nhằm hỗ trợ nông dân, huyện đã xây dựng và cho triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng. Nơi nào khó khăn về giao thông, thủy lợi thì vận động bà con chuyển sang trồng những loại cây cho hiệu quả kinh tế hơn. Nơi nào thuận lợi thì áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân giữ vững vùng nguyên liệu. “Huyện đã mời chuyên gia ở Cần Thơ qua vận động nhân dân làm thử 51 mô hình, thậm chí họp dân cả vào ban đêm. Lúc họp, dân đồng tình giơ tay nhưng tới lúc triển khai thì không có bao nhiêu người đăng ký. Nhiều nơi, nông dân biết trồng mía sẽ lỗ nhưng vẫn xuống giống, không làm theo hướng dẫn của huyện dẫn đến các mô hình bị “da beo” không thể “liền canh, liền cư”.
Bà con đốn chặt rồi lại tiếp tục xuống giống, có người không trồng mía chuyển qua trồng lúa hoặc đào ao nuôi cá. Huyện cũng hết cách, giờ chỉ biết tiếp tục tăng cường vận động nhân dân theo hướng “mưa dầm thấm lâu”.
Ông Phúc cho hay sắp tới sẽ vận động nhà máy tham gia vào hợp tác xã, cánh đồng lớn, tăng cường thu mua, ổn định sản xuất cho nông dân. Trước mắt, sẽ tác động để nhà máy sớm trả nợ cho dân.
Vụ mía năm nay nông dân H.Trà Cú xuống giống hơn 3.000 ha, đến nay đã thu hoạch hơn 1.400 ha. Nếu như năm trước năng suất bình quân đạt 110 tấn/ha thì năm nay chỉ còn khoảng 70 - 75 tấn/ha, do liên tục thua lỗ, nông dân chán nản bỏ mặc không chăm sóc cây mía.
|
Bình luận (0)