Đại tá Phạm Văn Đông, nguyên Phó chính ủy Trường Sĩ quan không quân, một trong số ít những người dành trọn cuộc đời quân ngũ với nhà trường, trong vai trò giảng viên bay bảo: “Phải gọi trường bằng cái tên Giảng đường trên mây, như bộ phim của đạo diễn Đào Thanh Hưng và Giám đốc sản xuất Từ Phương Thảo vừa công chiếu, mới rõ về ngôi trường đặc biệt này”.
Huấn luyện trên... bể nước
Theo tài liệu của Quân chủng Phòng không - Không quân (QCPK-KQ), ngày 20.8.1959, trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký Nghị định số 427/NĐ thành lập Trường Huấn luyện hàng không (nay là Trường Sĩ quan không quân) với phiên hiệu Trung đoàn 910. Nhiệm vụ của nhà trường là huấn luyện phi công sơ cấp trong nước để rút ngắn thời gian đào tạo ở nước ngoài, tạo cơ sở để huấn luyện người lái trong nước.
“Những ngày đầu, trường đóng quân ở sân bay Cát Bi (TP.Hải Phòng) và huấn luyện bay trên máy bay vận tải Li-2, huấn luyện sơ cấp Trener, Aero 45, Yak-18 và IL-14, An-2 do Trung Quốc, Tiệp Khắc viện trợ và đưa chuyên gia sang giúp đỡ kèm cặp”, ông Mai Xuân Thái, nguyên giáo viên nhà trường những ngày đầu thành lập, kể lại và hồi tưởng: “Đầu năm 1960, chúng ta đã cơ bản làm chủ máy bay huấn luyện. Ngày 19.5.1960, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Nghệ An. Yêu cầu của trên là phi công ta phải điều khiển máy bay thể thao Trener biểu diễn trên bầu trời TP.Vinh. Tuy nhiên, loại máy bay này không có thiết bị liên lạc - dẫn đường nên rất khó khăn cho việc chỉ huy bay. Thực hiện yêu cầu này, tổ đặc chủng của nhà trường do xưởng trưởng Huỳnh Ngọc Ẩn chỉ huy đã nghiên cứu, tháo thiết bị dẫn đường dự trữ của máy bay Yak-18 lắp cho 6 máy bay Trener làm nhiệm vụ biểu diễn. Đề phòng máy bay tắt máy trên không, anh Ẩn vận dụng nguyên tắc hoạt động của Yak-18, đặt một bình... khí nén lên vị trí thích hợp của Trener, có van để phi công điều khiển”.
“Các đại biểu dự đại hội và người dân mấy tỉnh miền Trung hò reo rầm trời khi lần đầu tiên thấy máy bay biểu diễn theo đội hình 6 chiếc. Chúng tôi thì lo thắt ruột, cứ sợ bị làm sao. Khi biết máy bay do phi công ta lái, ai cũng tấm tắc thán phục”, ông Thái kể.
|
“Những ngày đầu gian khó, ít ai biết xưởng trưởng Huỳnh Ngọc Ẩn đã cải tiến lắp thêm thùng nhiên liệu lên khoang lái sau cho 3 máy bay Yak-18 số hiệu 058, 060, 062 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đường dài. Ngoài ra, cũng xuất hiện các sáng kiến “chỉ có ở VN” được áp dụng cho huấn luyện bay như: xây bệ cao 1 m giúp học viên tập quan sát khi kéo bằng hạ cánh; đưa học viên lên chỗ cao như bể nước, đài chỉ huy để làm quen với việc xác định độ cao 6 m; hạ cánh với ga, thay đổi quỹ đạo xuống cho phù hợp với học viên khi chuyển sang lái máy bay vận tải; cải tiến van 2 chiều của cánh tà để thu thả dễ dàng và phù hợp với thời tiết VN”, đại tá Phạm Văn Đông cho biết.
Vừa dạy học vừa chiến đấu
Đại tá Phạm Dưng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan không quân, kể cuối năm 1960, tình hình cách mạng Lào có nhiều diễn biến phức tạp. Theo yêu cầu của Mặt trận Lào yêu nước, một bộ phận quân tình nguyện được cử sang phối hợp chiến đấu với quân đội Pa Thét Lào. Thời điểm này, Liên Xô cử đoàn không quân vận tải gồm 44 máy bay và tổ bay có kinh nghiệm sang VN, lập cầu hàng không nhận hàng viện trợ ở sân bay Gia Lâm, Cát Bi và chuyển tiếp sang Lào. Theo yêu cầu của trên, Trường Huấn luyện hàng không tổ chức 2 tiểu đoàn bay, cùng chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ. Sau một thời gian phối hợp, ta đảm nhiệm toàn bộ việc vận chuyển. Trong 2 năm (1961 -1962) vừa huấn luyện vừa tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, trường đã tổ chức 1.276 chuyến bay với 600 giờ bay chuyên chở và thả 179 tấn hàng, 1.594 lượt người.
|
Trong bay chiến đấu ở chiến trường miền Tây, có 4/6 giáo viên An-2 đã nâng cao trình độ kỹ thuật, có khả năng bay cả ngày lẫn đêm trên địa hình rừng núi hiểm trở, có thể hạ cánh ở sân bay nhỏ hẹp (500 x 20 m), thực hiện bay biên đội 3 chiếc thả dù ở độ cao 400 m, điều kiện sân bãi 300 x 300 m... Tiêu biểu trong các tấm gương giáo viên thời kỳ này là Đại đội trưởng An-2, Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Như Cẩn. Là giáo viên của Trường Huấn luyện hàng không, ông đã trực tiếp đào tạo 7 tổ bay, 3 chỉ huy bay An-2 và các khoa mục: thả bom ở độ cao thấp, bay đèn gầm vừa đánh rốc két vừa thả bom... Do có nhiều kinh nghiệm bay An-2, đêm 8.3 và đêm 14.6.1966, phi công Phan Như Cẩn đã chỉ huy biên đội An-2 đánh chìm 2 tàu và bắn chìm một tàu biệt kích địch trên vùng biển Thanh Hóa. Ngày 12.11.1968, phi công Phan Như Cẩn chỉ huy biên đội 4 chiếc An-2 bay vào hậu cứ của địch, bí mật đột kích vào trạm radar dẫn đường của Mỹ đặt tại Pa Thí (Lào). Đây là trạm radar lớn, nằm trên núi cao, chuyên dẫn đường cho máy bay Mỹ từ Thái Lan vào đánh phá VN nên được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Lợi dụng buổi trưa sương mù vừa tan, biên đội lao xuống oanh tạc, phá hủy hoàn toàn hệ thống vũ khí khí tài. Trên đường về căn cứ, do bay quá thấp giữa các khe núi, 2 máy bay An-2 va vào nhau khiến 2 tổ bay hy sinh, trong đó có phi công Phan Như Cẩn.
Tượng đài anh Giáp
Trung tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Phú Thái (nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng QCPK-KQ, Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng) trong hồi ký của mình, viết rất nhiều đến “số 2” Võ Sĩ Giáp. Anh Giáp sinh năm 1945 ở xã Xuân Viên, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh, là học viên khóa 2 đào tạo Mig-17 của Trường Sĩ quan không quân. Ngày 8.5.1972, biên đội Mig-21 của Phạm Phú Thái - Võ Sĩ Giáp (Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371) làm nhiệm vụ yểm trợ và thu hút máy bay F-4 của Mỹ lên hướng Tuyên Quang. Lực lượng chênh lệch, biên đội vừa cơ động vòng tránh tên lửa vừa kiên quyết phản kích, kìm giữ đối phương, tạo điều kiện cho biên đội 4 chiếc Mig-19 của Trung đoàn 925 chiến đấu trên vùng trời Yên Bái.
Máy bay của Võ Sĩ Giáp bị trúng tên lửa Mỹ; sở chỉ huy cho phép nhảy dù. Nhìn xuống dưới có nhiều làng mạc, sợ máy bay sẽ làm thiệt hại cho dân, anh Giáp xin hạ cánh bắt buộc và chọn cánh đồng để lướt xuống. Bất ngờ, phía trước thẳng hướng máy bay lao xuống là một trường học. Học sinh nghe tiếng máy bay chạy ùa ra xem. Phi công Võ Sĩ Giáp cố gắng hết sức điều khiển máy bay tránh trường học. Do động tác mạnh và gấp, máy bay bị vỡ và phi công Võ Sĩ Giáp hy sinh. Năm 2006, đúng 34 năm sau ngày Võ Sĩ Giáp hy sinh, QCPK-KQ và nhân dân xã Thượng Trưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã xây dựng công trình bia tưởng niệm liệt sĩ, phi công Võ Sĩ Giáp. “Hành động của Võ Sĩ Giáp là quả cảm. Ngày ấy chúng tôi xác định mỗi lần xuất kích như một lần cảm tử nhưng không ai thoái thác, trốn tránh nhiệm vụ”, trung tướng Phạm Phú Thái nói. (còn tiếp)
Từ năm 1965-1975, Trường Huấn luyện hàng không chuyển đến căn cứ huấn luyện mới ở sân bay Tường Vân và sau đó thêm ở sân bay Liễu Châu (Trung Quốc). Trong 10 năm ở nước ngoài, nhà trường đã hoàn thành 4 khóa đào tạo bay sơ cấp với 135 học viên tốt nghiệp; tổ chức 4 khóa đào tạo cơ bản, 5 khóa bổ túc Mig-17 với 132 phi công về nước chiến đấu.
|
Bình luận (0)