Giang hồ Sài Gòn một thời: Hùng 'Sầu' khét tiếng An Sương nay làm ông chủ xưởng mộc

09/07/2019 09:39 GMT+7

Từng nhiều lần vào tù vì tội bảo kê, đánh nhau nhưng giờ đây gã giang hồ Hùng Sầu đã là chủ của nhiều xưởng điêu khắc mộc. Nơi đây cũng là điểm dạy nghề cho những con người có tình cảnh giống ông lúc trước.

Ở ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn (TP.HCM) không ai không biết xưởng mộc của ông Hùng Sầu. Bởi người này từng là một giang hồ khét tiếng ở khu Ngã Tư An Sương những năm 1990. Nơi đây, vừa là nơi kinh doanh cũng vừa là nơi cưu mang, dạy nghề cho những phận đời lầm lỗi muốn làm lại cuộc đời.

Từng nhiều lần vào tù ra tội

Ông Lê Thừa Dương Hùng (biệt danh Hùng Sầu) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Hải Khê, H.Hải Lăng (Quảng Trị). Ngay từ khi lọt lòng, Hùng không có cha, được vài năm sau mẹ đi thêm bước nữa. Người cha dượng suốt ngày nghiện rượu, không cho Hùng đi học mà chỉ bắt Hùng xuống biển xin cá của ngư dân để về nhà ăn. Mỗi ngày sống cùng cha dượng là mỗi ngày Hùng sống cùng đòn roi chi chít. Tuổi thơ của Hùng cứ thế lay lắt qua ngày.
Năm 9 tuổi, vì không chịu nổi, Hùng quyết định bỏ nhà đi bụi với mong muốn thoát khỏi khổ ải và hy vọng sẽ tìm được cha ruột mình. Đơn côi một mình, không tiền bạc, Hùng lang thang từ Quảng Trị đến bến xe Thừa Thiên Huế. May mắn thay, Hùng được một phụ nữ tên Hạnh giúp đỡ tìm việc làm ở chợ Đông Ba.
2 năm xa nhà, Hùng nghĩ lại, muốn trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình. Thế nhưng, ngày về đến nhà cậu bé Hùng như bị dội nước lạnh vào mặt. Người cha dượng ngày nào vẫn cứ chửi bới, xua đuổi Hùng đi khỏi nhà. Hùng lại trở vào Huế tiếp tục làm đủ mọi nghề để kiếm sống qua ngày. Trong đó, nghề bốc vác ở ga tàu chính là điểm bắt đầu cho cuộc đời đầy tội lỗi của Hùng.

Không giống như người khác, ông Hùng có một tuổi thơ vô cùng cơ cực

Phạm Hữu

“Tôi còn nhớ người ta buôn thuốc lá, bột ngọt ở Lào về. Khi tàu chưa tới ga, chủ hàng quăng hàng xuống đất. Băng nhóm chúng tôi sẽ vác những bao hàng đó ra điểm tập kết. Tôi làm công việc đó khá lâu. Làm việc thì không khỏi đụng chạm băng này với băng kia giành nhau vác hàng. Rồi đánh lộn, tôi đã chém một người. Sau đó tôi bị đi tù lần đầu tiên trong đời với thời gian 18 tháng”, ông Hùng Sầu nhớ lại.
Ngày ra tù, Hùng về gia nhập băng nhóm khét tiếng ở miền Trung. Hùng đi bảo kê, đòi nợ thuê từ Huế ra tới Quảng Bình. Những lần giáp mặt, đánh nhau cứ thế tăng dần. Hùng không ngại chết sống “chén sành đổi chén kiểu” khi bị ai đó khi dễ mình. Hùng lại bị đi tù lần hai.
Một lần nữa ra tù, trong thời gian ngắn, Hùng lại tiếp tục bị bắt và trốn trại. Hùng bị phát lệnh truy nã toàn quốc. Hùng lẻn vào TP.HCM, gia nhập nhóm bảo kê khét tiếng khác tại ngã tư An Sương. Thời gian lánh nạn ở phía nam, Hùng như chết đi sống lại bởi các trận đụng độ, đâm chém liên miên. Nhiều lần đụng phải băng nhóm của đàn em Năm Cam mà cứ tưởng lìa đời.
Không dừng lại, Hùng Sầu đã nằm trong tầm ngấm của công an bởi lệnh truy nã vài năm trước. Hùng chạy trốn sang Campuchia, Lào rồi về lại TP.HCM và bị bắt kết án 3,5 năm tù.
Ông hùng kể tiếp câu chuyện lâm li của mình: “Cuộc sống tôi lay lắt qua ngày, người ta nói đúng gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Tuổi thơ của tôi toàn sống bụi sống bờ, sống chợ, gầm cầu đâm cho người tôi tánh chai lì. Tôi rất chi hận bản thân mình tại sao tôi được mẹ sinh ra mà những cái nhỏ nhặt nhất là đi học tôi lại không được. Tôi hận đời, hận những người xung quanh luôn. Tôi luôn ủ rủ, u sầu, mấy anh em trong nhóm hay nói cái mặt tôi sầu sầu sao đó. Thế là cái tên Hùng Sầu ra đời từ đó”.

Giác ngộ từ khi vào chùa

Ngồi trong khu xưởng mộc mà tự tay mình gầy dựng, đâu đó thoáng chốc đôi mắt gã giang hồ khi xưa long lanh khác lạ khi nhớ về quá khứ. Ông Hùng thừa nhận cuộc đời giang hồ của mình cũng lắm lúc phải rơi nước mắt vì yếu mềm.
Gã giang hồ Hùng Sầu vừa trò chuyện với chúng tôi vừa nhìn về hướng ánh sáng của cửa sổ: “Lúc tôi ở Huế tôi khóc một mình nhiều lắm. Mình là người không phải người, mà ma cũng không phải ma. Tôi luôn hỏi tại sao. Ai nói giang hồ không có nước mắt. Chính những người đó khi về đêm yên tĩnh, cái tình cảm lắng đọng tôi luôn cảm thấy rất chi là hụt hẫng. Chẳng qua hằng ngày tôi làm mặt hung dữ, ta đây để nén sự buồn khổ và cô đơn trong lòng. Chính những người giống như chúng tôi rất cần sự tình cảm và cần một người hiểu mình. Nhưng giang hồ có mấy ai hiểu. Ai thấy cũng lánh xa, không dám chơi”.
Đầu năm 2000, ngày cầm lệnh tha tù sớm, Hùng Sầu mừng như muốn rớt nước mắt. Ông bước từng bước đi và muốn làm lại cuộc đời nhưng vẫn chưa biết sẽ về đâu. Trong một lần vào chùa vì tò mò, cùng lời nói của em gái, Hùng Sầu bỗng nhiên giác ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời sau những tháng ngày đen tối.

Hùng Sầu cũng từng nhiều lần vào tù nhưng đến những năm về sau quyết chí hoàn lương làm lại cuộc đời bằng nghề điêu khắc mộc

Phạm Hữu

“Mình cứ sống cuộc sống đâm chém, chích hút thì cuộc đời mình sẽ như thế nào. Tôi muốn ăn miếng cơm phải đổi bằng máu và nước mắt. Nhưng tự nhiên một sư thầy cho tôi hộp cơm, tôi bừng tỉnh vì cuộc đời này chưa ai cho không tôi cái gì và tôi nhận thấy xã hội này vẫn còn nhiều người tốt lắm. Phật pháp đã cứu đời tôi, nếu không có Phật pháp thì tôi không biết dựa vào ai. Tôi tin những vị thầy ở chùa luôn có những tình thương. Cái đó là động lực làm tôi thay đổi cho đến ngày hôm nay”, Ông Hùng nói tiếp về lời sám hối.
Thế là ông Hùng mạnh dạn tự cai nghiện ma túy, xin đi học nghề mộc để tự nuôi sống bản thân. Dần dần, xưởng mộc làm ăn phát đạt. Ông Hùng ưu tiên tuyển những người đã từng lầm lỡ như ông. Ở khu xưởng điêu khắc tại H.Hóc Môn, các bức tượng được thành hình đều có xu hướng về Phật giáo. Hầu như 95% thợ của ông có án phạt tù trở về, hoặc những người nghiện sau khi đã cai thành công đều đục đẽo những bức tượng Phật. Từ 2005 đến nay, ông Hùng đã nuôi và dạy nghề cho khoảng vài trăm người có hoàn cảnh đặc biệt.

Quay lại quá khứ, đi xin lỗi các nạn nhân

Với mong muốn hối cãi, ông Hùng lại quyết định trở lại những nơi mình từng “gây án”. Ông tìm lại những nạn nhân khi xưa với mong muốn được một lần được xin lỗi nạn nhân.
Ngày về lại Huế, ông Hùng bị đánh “lên bờ xuống ruộng” vì nỗi câm hận của gia đình nạn nhân bị ông chém đứt bàn tay và một lỗ tai. Hoặc khi về lại Bình Phước, nơi ông từng đánh một phụ nữ bị sẩy thai, ông cũng bị gia đình nạn nhân khi không kềm được tức giận đã tát vào mặt ông 2 cái đau điếng.
Nhưng mọi thứ tựu chung lại, những người này cũng đều đã ngỏ ý tha lỗi cho ông khi ông hối cãi: “Ông ở Huế có nói với tôi chuyện đã rồi. Ông ấy nói tôi cất công từ Sài Gòn ra tận Huế để xin lỗi gia đình và cũng tha thứ cho tôi. Chuyện cũng đã xong rồi, ông ấy cũng mong kể từ lúc đó luôn nghe tin tốt về tôi”.

Ở xưởng của ông Hùng còn cưu mang nhiều phận đời lầm lỡ như ông

Phạm Hữu

“Còn người mẹ chồng của cô gái bị tôi làm sẩy thay và gia đình cũng đã tha lỗi cho tôi. Tôi gây ra một lỗi quá sức tàn nhẫn. Nên tôi đi xin lỗi với gia đình họ”, ông Hùng nói.
Đến thời điểm hiện tại, Hùng Sầu vẫn tin vào Phật pháp, tin vào luật nhân quả. Những gì ông Hùng gây ra trước đây ông sẵn sàng đón nhận hậu quả. Tuy vậy, trong tâm thức người đã hối lỗi, Hùng Sầu luôn cố gắng từng ngày, trả nợ cuộc đời bằng nhiều cách để cầu mong “nghiệp chướng” của mình được giảm đi phần nào.
Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, cuộc sống của ông Lê Thừa Dương Hùng (biệt danh Hùng Sầu) hiện nay diễn ra một cách bình thường, tập trung vào xưởng mộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.