Giáng sinh đặc biệt của phi công Mỹ trong nhà tù Hỏa Lò

06/12/2023 07:38 GMT+7

Có những mùa Giáng sinh B52. Đó là mùa Giáng sinh Hà Nội bị rải thảm bom. Đó còn là mùa Giáng sinh trong nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) của nhiều phi công Mỹ.

Giáng sinh từ Hỏa Lò

Trung úy hải quân Mỹ, Robert Deane Woods, đã viết một bức thư vào ngày 13.3.1969 từ trại giam Hỏa Lò. "Trong suốt thời gian bị giam, tôi không bị chấn thương gì cả và còn được viết thư gửi về gia đình. Chính quyền trại còn cho phép tôi tận hưởng những ngày lễ như Giáng sinh, lễ phục sinh, tết… bằng việc phục vụ những bữa ăn lớn và phát kẹo hoặc những thứ khác để ăn và uống. Tôi cảm thấy khá ổn, chỉ bị cảm lạnh nhẹ một đợt, còn lại sức khỏe của tôi ổn. Tôi trân trọng việc họ đã tha mạng cho tôi và mọi thứ được phát trong khi bị giam nơi đây", người lính Mỹ này viết. Robert Deane Woods sau đó được trao trả tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) vào năm 1973.

Bức tranh giáng sinh tù binh Mỹ vẽ

Bức tranh Giáng sinh tù binh Mỹ vẽ

TL DI TÍCH NHÀ TÙ HỎA LÒ

Thư từ, hình ảnh sinh hoạt… của những người lính Mỹ bị giam tại Hỏa Lò cũng như nhiều trại giam khác là một phần của trưng bày chuyên đề Thang âm cuộc chiến. Trưng bày do Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò tổ chức từ 6.12.2023 - 30.6.2024, nhân kỷ niệm 51 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và 50 năm trao trả phi công Mỹ.

Giáng sinh đặc biệt của phi công Mỹ trong nhà tù Hỏa Lò - Ảnh 1.

Phi công Mỹ chuẩn bị cây thông Noel

TL DI TÍCH NHÀ TÙ HỎA LÒ

Như bức thư đã mô tả đời sống của họ tại các trại giam rất ổn, dù thời điểm đó chính những người dân VN còn sống kham khổ vì chiến tranh. Một phòng giam được tái hiện, ở đó các tù binh Mỹ có giường, có trang phục đầy đủ. Họ cũng có những sinh hoạt cộng đồng gồm hoạt động thể thao và văn hóa. Vì thế, ở một góc phòng tái hiện đời sống có thêm những hiện vật như những cây đàn guitar, bộ cờ, lưới sân bóng chuyền. Những hình ảnh về các hoạt động đó, tất nhiên không thể thiếu.

Tù binh chơi bóng chuyền trong trại giam

Tù binh chơi bóng chuyền trong trại giam

TL DI TÍCH NHÀ TÙ HỎA LÒ

Có thể thấy lại niềm vui của những người lính Mỹ khi họ được tham gia các hoạt động Giáng sinh, năm mới. Các phi công Mỹ đều được tham gia trang trí cây thông mừng Giáng sinh. Họ học hát và cùng biểu diễn với nhau trong lễ Giáng sinh ở trại giam Hỏa Lò. Trưng bày cũng giới thiệu một bức tranh do phi công Mỹ vẽ trong trại. Bức tranh mô tả ông già Noel đi một đoàn tàu hỏa (chứ không phải xe tuần lộc) chở đầy quà, trên tàu treo rất nhiều quả chuông.

Giáng sinh B52 và sự hàn gắn

Thang âm cuộc chiến có 3 nội dung: Khúc ca chiến thắng, Dòng ký ứcChung tay hàn gắn.

Khúc ca chiến thắng kể câu chuyện Hà Nội đánh B52 như thế nào, người Hà Nội khi đó đã thực hiện việc "sơ tán cũng là đánh địch" ra sao. Người dân Hà Nội và các địa phương cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống trong những ngày chiến đấu với B52. Dưới những hầm, hào trú ẩn, tiếng học bài vẫn vang lên rộn ràng.

Người Hà Nội đi sơ tán

Người Hà Nội đi sơ tán

TL DI TÍCH NHÀ TÙ HỎA LÒ

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về những ngày tháng hào hùng này: "Nửa triệu dân Hà Nội trật tự rời khỏi thành phố. Hình ảnh đó là ấn tượng sâu đậm về những ngày sơ tán, đặt thành câu hỏi: Với lòng tin thế nào mà có thể phó thác ngôi nhà của mình cho những người ở lại là chính quyền hay hàng xóm mà không hề lo nghĩ ai chiếm dụng? Phải có lòng tin thế nào mới sẵn sàng giao phó con cái của mình cho những người chẳng mấy thân thích?… Và đi đến đâu cũng gặp những người dân ở nơi sơ tán sẵn sàng nhường điều kiện sống tốt nhất cho khách chỉ với một tấm lòng, nếu địch nó không bắn phá thủ đô thì bao giờ các bác đến nhà em".

Xem hình ảnh "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" những ngày ấy, không thể không thấy sức nóng lẫn hơi lạnh của mùa Giáng sinh 1972. Khi đó, tự vệ ở Hà Nội sẵn sàng bắn trả máy bay và hình ảnh này được ghi lại tại một điểm chiến đấu rất gần Nhà hát Lớn. Cũng có cả hình ảnh pháo thủ Phạm Thị Viễn thuộc Đội tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động quấn khăn tang trực chiến trên mâm pháo. Trong một lần phỏng vấn năm 2018, bà Viễn cho biết: "Đêm 26.12, khi tôi đang trực trên trận địa thì ở nhà cha tôi bị bom B52 sát hại. Lo việc chôn cất cha xong, tôi lại tiếp tục lên trận địa trực chiến cho đến ngày Mỹ ngừng ném bom miền Bắc".

Chiến đấu với vành khăn tang

Chiến đấu với vành khăn tang

TL DI TÍCH NHÀ TÙ HỎA LÒ

Nội dung Dòng ký ức tái hiện đời sống của những phi công Mỹ trong trại giam Hỏa Lò và các trại tạm giam khác ở miền Bắc. Trong khi đó, phần Chung tay hàn gắn giới thiệu những hoạt động hợp tác tìm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích, khắc phục hậu quả bom mìn, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh từ 1988 đến nay. Các cựu chiến binh Mỹ cũng về thăm chiến trường xưa, di tích nhà tù Hỏa Lò là một phần ký ức binh nghiệp của họ.

Phóng viên chiến trường Phạm Việt Tùng rất vui khi thấy tấm ảnh mình cười tươi tắn, trên vai vác máy quay tác nghiệp tại sân bay Gia Lâm hồi năm 1973 được trưng bày tại Hỏa Lò. "Khi ghi hình buổi trao trả các phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm, tôi đã chọn vị trí tốt nhất để có thể quay được những khoảnh khắc lịch sử chân thật, cũng như những xúc cảm của các phi công lúc đó. Tôi cảm nhận được sự vui sướng khi sắp được đoàn tụ với gia đình của các phi công Mỹ", ông Tùng cho biết.

Trao trả tù binh ở sân bay Gia Lâm Hà Nội

Trao trả tù binh ở sân bay Gia Lâm Hà Nội

TL DI TÍCH NHÀ TÙ HỎA LÒ

Sau niềm vui trở về là những chương trình hàn gắn mà hai Chính phủ VN - Mỹ cùng thực hiện. Thang âm cuộc chiến cho thấy những hình ảnh trao trả hài cốt lính Mỹ, cũng có cả hình ảnh Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm hiện trường tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích tại Hà Nội hồi tháng 11.2000.

Tâm sự của những cựu chiến binh Mỹ khi quay lại VN cũng được giới thiệu. Một trong số đó, cựu phi công Mỹ Robert G.Certain, bị bắn rơi máy bay hồi 1972, khi thăm di tích nhà tù Hỏa Lò vào tháng 3 chia sẻ: "Trong chiến tranh VN, tôi cũng như những người lính Mỹ khác đều thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi bị bắn rơi, tôi đã được đối xử tử tế. Việc đối xử này thậm chí còn tốt hơn những gì tôi đã nghĩ. Trong chuyến đi trở lại VN lần này, tôi rất mừng khi đất nước các bạn thực sự phát triển và con người VN vẫn vậy, tốt bụng, mến khách, đón chào chúng tôi. Chỉ có một điều mà tôi lấy làm tiếc là chưa có cơ hội gặp lại người phi công đã bắn rơi máy bay của tôi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.