Năm 1998, người hâm mộ bất ngờ khi có 1 cái tên lạ lẫm xuất hiện tại giải U.21 báo Thanh Niên và cầu thủ đó lại đạt danh hiệu chơi xuất sắc nhất giải. Không phải những cái tên đình đám thời đó như Đặng Phương Nam, Nguyễn Ngọc Thọ, Nguyễn Mạnh Dũng, Phùng Thanh Phương .... mà là cái tên lạ hoắc: Giang Thành Thông.
Sinh năm 1977 tại Q,6, TP.HCM, nhìn vào cái họ và gương mặt nhiều người lầm tưởng anh có nguồn gốc Hoa nhưng anh là người Việt chính thống. Chơi bóng đá phong trào cho đội Thành Long của ông bầu Hưng song song việc học, chàng sinh viên của trường Cao đẳng Sư phạm ngày nào bất ngờ như “hái được vàng” khi được HLV Vũ Tiến Thành “ bốc “ lên đội hình U.21 TP.HCM tham dự Vòng chung kết ngay trên sân nhà Thống Nhất.
“ Thời đó chân ướt chân ráo lên đá ở môi trường đỉnh cao, tôi quá mệt mỏi và căng thẳng trước những bài tập, áp lực trong tập luyện và thi đấu, nhiều lúc muốn bỏ về ngay lập tức vì mình không chịu nổi do chỉ xuất thân từ phong trào, nền tảng thể lực và kỹ thuật không được đào tạo chỉn chu. Nhưng sau đó nhờ sự động viên của thầy Minh “ quắn” (cựu danh thủ Lê Thành Minh) và thầy Thành “móm” ( HLV hiện nay của Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành), tôi cũng vượt qua được các bài test và hòa nhập nhanh cùng các đồng đội và được đăng ký đá giải”, Thành Thông chia sẻ khi nhắc lại những ngày đầu chập chững bước vào môi trường mới.
|
Thành công tại mùa giải U.21 đó mở ra 1 ngã rẽ, 1 hành trang mới cho con đường sự nghiệp chuyên nghiệp của anh khi Thông được kí hợp đồng với CA TP.HCM sau những lời mời gọi từ các đội bóng khác và sự trăn trở khi quyết định giã từ giảng đường để chạy theo niềm đam mê. Thông “héo”, cái tên gọi mà các đàn anh khi cùng khoác áo CA TP.HCM như Huỳnh Đức, Bá Hùng, Liêm Thanh, Hiền Vinh, Trí Cường, Hoài Linh ... đặt cho anh với ngoại hình ốm nhom, gương mặt lúc nào cũng buồn buồn xìu xìu trở thành 1 trong những cầu thủ đáng xem của đội với cách chơi bóng thông minh, tư duy tốt đặc biệt là khả năng đi bóng có phần dị dạng cùng cách chạy “ bè bè” trong con mắt người hâm mộ .
|
Chia tay CA TP.HCM , Thành Thông nghe theo tiếng gọi của đàn anh Huỳnh Đức cập bến Đà Nẵng 4 năm và đã có những ngày tháng hào hùng cùng đội bóng miền Trung với tấm băng đội trưởng trên tay, một điều đặc biệt dành cho người không phải bản xứ . Sau đó Thông gia nhập đội bóng Bình Dương năm 2008 và kết thúc sự nghiệp cùng chức vô địch với đội bóng đất Thủ khép lại 10 năm sự nghiệp hào hùng dành cho cầu thủ có xuất phát điểm phong trào như anh .
Kinh doanh và đào tạo trẻ là 2 công việc chính của những cầu thủ sau khi kết thúc sự nghiệp quần đùi áo số. Với tính cách nhanh nhạy với thời cuộc của mình, với khả năng thích ứng nhanh với xã hội, Thông làm 1 lúc 2 công việc. Đã có lúc mọi người thấy anh ban ngày thì làm công tác huấn luyện tại PVF ở Thành Long nhưng tối lại là ông chủ ở 2 quán nhậu tại Q.6 .
|
Việc kinh doanh ngày càng phát triển khiến anh phải ngừng công việc gõ đầu trẻ tại PVF vì không thể phân thân sau 3 năm kể từ ngày đầu gây dựng cùng người đàn anh Trần Minh Chiến. Và cũng sau 12 năm kể từ ngày làm ông chủ thì anh cũng tạm ngưng công việc kinh doanh.
“Kinh doanh phát triển nhưng tôi phải rời xa bóng đá. Và khi không còn bóng đá thì tôi không còn là tôi, không được sống với niềm đam mê, sống với tình yêu của mình nữa nên tôi quyết định sẽ quay trở lại với nó . Có thể công việc huấn luyện không đem lại cho tôi và gia đình nhiều lợi ích về kinh tế nhưng tôi cảm thấy thật thoải mái với quyết định này”, Thành Thông thổ lộ .
|
Lời tâm sự của anh khiến nhưng ai đã chơi, đã yêu môn thể thao Vua này đều cảm nhận được và theo Thông thì anh sẽ tiếp tục xin tham gia các khoá học bằng huấn luyện B của AFC sắp tới để ngày càng nâng cao trình độ của mình trong công tác giảng dạy. Ở tuổi 43 và sau khi chia tay bóng đá 1 thời gian, anh quay trở lại với sự khát khao và niềm kì vọng lớn về con đường mình đã chọn .
Bình luận (0)