Đặng Hoàng Hiếu (24 tuổi), thành viên nhóm thiết kế sản phẩm, cho biết hệ thống máy eCPR huấn luyện hồi sức tim phổi được thực hiện xuất phát từ ý tưởng của tiến sĩ Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, mong muốn về một sản phẩm phục vụ cộng đồng.
Theo đó, eCPR huấn luyện hồi sức tim phổi gồm một mô hình mẫu gắn kết với bộ công nghệ mô phỏng 3D. “Phần huấn luyện và thực hành thành công chỉ diễn ra trong vài phút gồm video hướng dẫn lý thuyết và nội dung thực hành cấp cứu tim phổi với các bước ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, cấp cứu thành công với thang điểm chấm cuối cùng. Nếu trong quá trình thực hiện, có bước nào “lỗi” thì máy sẽ chỉ định và phân tích đúng, sai. Thành công hay không phụ thuộc vào kết quả cuối cùng, đó là mô hình có được “cứu sống” hay không, có được cung cấp ô xy não, có nhịp tim lại hay không”, Hiếu cho biết.
Cũng theo Hiếu, từ khi lên ý tưởng và bắt tay thực hiện, nhóm mất gần 1 năm đọc các tài liệu chuyên ngành về sơ cấp cứu, tham vấn bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, tìm hiểu hoạt động của ki ốt tương tự ở các nước được đặt ở sân bay, nơi công cộng... và bắt tay vào “làm mới hơn”, “cải tiến hơn” để cho ra kết quả cuối cùng.
Thạc sĩ Lê Văn Chung, Giám đốc Trung tâm mô hình hóa và mô phỏng của trường, chia sẻ thêm sản phẩm được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ mô phỏng thực tế ảo 3D và IoT (internet vạn vật) với các cảm biến xử lý thông minh trên mô hình theo thời gian thực, giúp người sử dụng tăng cường sự tương tác và cảm nhận sự thay đổi từ những tác động đó lên chính vật mẫu, theo một quy trình tiêu chuẩn có thang điểm chấm cụ thể.
Vì là một sản phẩm sáng tạo hướng đến phục vụ cộng đồng nên sản phẩm phải được tối ưu, đơn giản và dễ hiểu nhất có thể, để có thể huấn luyện, hình thành các kỹ năng sơ cấp cứu, hồi sức tim phổi dễ dàng cho người dân ở mọi lứa tuổi chỉ trong vài phút. Dự án có tham vọng sản xuất máy và đặt tại các khu vực công cộng như trạm giao thông, trường học, cơ sở y tế, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí... để cung cấp thông tin và bài tập thực hành đến những người quan tâm. Qua đó, mỗi người sẽ có cơ hội tự trang bị cho mình kỹ năng sơ cấp cứu, hồi sức tim phổi, cứu người bị nạn.
Bên cạnh đó, hệ thống eCPR khi được sản xuất và triển khai rộng rãi, kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế đối với các trường đào tạo khối ngành y dược, trường trung học phổ thông, hội chữ thập đỏ, cộng đồng dân cư trong đô thị, các doanh nghiệp trong việc huấn luyện mọi người có kỹ năng sơ cấp cứu cần thiết. Việc nhân rộng mô hình sẽ đóng góp vào công cuộc an sinh xã hội, giúp người dân được bảo vệ sức khỏe tốt hơn, người lao động yên tâm lao động sản xuất.
“Với mong muốn mọi người có thể dự phòng và ứng phó với các tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chúng tôi sẽ phát triển ra sản phẩm eCPR nhằm giảm thiểu tối đa tổn thương trong các trường hợp tai nạn, ngoài ra có thể phòng tránh các rủi ro trong cuộc sống hằng ngày. Hướng đến một xã hội an toàn, thì mỗi công dân sẽ là một bác sĩ dự phòng cho mình và những người thân yêu”, tiến sĩ Lê Nguyên Bảo kỳ vọng về tính nhân văn của sản phẩm.
Bình luận (0)