Giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chế tạo máy bay phun thuốc trừ sâu

25/01/2020 16:14 GMT+7

Một giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cùng nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái.

Đó là Vũ Ngọc Ánh (36 tuổi), một trong số 14 phó giáo sư vừa được công nhận đạt chuẩn chức danh năm 2019. Anh đã chế tạo thành công máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái.

TS Vũ Ngọc Ánh trong ngày được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư

Hà Ánh

'Từ hồi học ĐH đến giờ mình chỉ làm máy bay'

PGS-TS Vũ Ngọc Ánh (36 tuổi, TP.HCM) hiện là giảng viên Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.  
Từ nhỏ, anh đã có niềm yêu thích đặc biệt đối với khoa học vũ trụ. Khi còn là sinh viên năm thứ 4 ngành kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Ánh cùng một người bạn đã thiết kế thành công chiếc máy bay điều khiển từ xa không người lái có trọng tải 10 kg, sải cánh dài 4m, bay ở độ cao 100-150m với vận tốc 70-140km/giờ. Máy bay mang được camera phục vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, chuyên chở thuốc men để cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp… 
Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư này nhận được học bổng nghiên cứu sinh và nhận bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Trường ĐH Konkuk (Hàn Quốc) năm 2012. Vào thời điểm đó, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhiều dự án phát triển máy bay trực thăng như Super Puma. Trong thời gian du học, PGS Ánh là thành viên nhóm Athena đạt giải nhì cuộc thi thiết kế máy bay trực thăng dành cho nhóm sau đại học do AHS (Hiệp hội máy bay trực thăng Mỹ) tổ chức.

Giảng viên này tập trung nghiên cứu máy bay từ khi học ĐH

Hà Ánh

Tính đến năm 2019, PGS Ánh  đã công bố 21 bài báo khoa học, trong đó có 10 trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Cũng trong năm ngoái, ông đã đạt giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM I-Star.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc đây có phải công trình tâm huyết nhất không? PGS Ánhnói ngay: "Vâng, thực ra từ hồi học ĐH đến giờ mình chỉ làm máy bay".

Chi phí rẻ gấp 4 lần thị trường

Không có dòng chữ nào trong bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS nhưng thành tích nghiên cứu đáng kể nhất của tiến sĩ này phải kể đến sản phẩm máy bay phun thuốc trừ sâu điều hiển từ xa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với mong muốn hỗ trợ người nông dân nâng cao hiệu suất lao động, giảm thiểu tác hại của thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác, PGS Vũ Ngọc Ánh cùng nhóm nghiên cứu của mình đã phát triển loại máy bay này.
Máy bay phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa có cơ chế bay tương tự các thiết bị bay không người lái phổ biến như flycam. Tuy nhiên, để phù hợp với mục đích phun thuốc trừ sâu diện rộng, máy được thiết kế thêm bình chứa và bộ pin có khả năng giúp máy hoạt động ổn định. Loại máy bay phun thuốc trừ sâu này có thể bay theo lộ trình đã được thiết lập sẵn, khi hết thuốc máy bay tự động quay về nạp thuốc, sau đó tiếp tục bay về vị trí cũ để phun tiếp.

Mong muốn của giảng viên này là góp phần hoàn thiện quy trình cơ giới hoá nông nghiệp Việt Nam

FBCN

Nhiệm vụ chính của máy báy không người lái này là phun thuốc trừ sâu, ngoài ra nó có thể điều chỉnh để thực hiện việc gieo hạt trồng rừng, bón phân dạng lỏng hoặc rắn. Máy bay có thể chở tối đa 10 kg thuốc, tốc độ phun khoảng 0,5-1 ha trong 10 phút. Bằng đầu phun nhỏ, thuốc trừ sâu được tán ra thành những hạt nhỏ. Việc thử nghiệm cho thấy việc phun bằng máy giảm hiệu suất thời gian gấp 50 lần bằng tay và từ 2-5 lần sử dụng máy kéo. Độ cao phun so với cây trồng được lập trình hoặc điều khiển.
Máy bay có khả năng phun thuốc ở vùng cao tới 1.000 mét so với mực nước biển, sản phẩm phù hợp với quy mô nông trại lớn hoặc dịch vụ cung ứng cho mỗi vùng nông nghiệp.
'Theo PGS-TS Ngọc Ánh, nếu được cấp phép, loại máy bay phun thuốc trừ sâu này có thể sản xuất tại Việt Nam với giá rẻ hơn gấp 4 lần so với các loại máy nhập khẩu.

"Nông dân rất thích sản phẩm này"

Sản phẩm này hiện đã được thử nghiệm phun thuốc trên diện tích 1hecta suốt vụ mùa 3 tháng. Hiệu quả tiếp nhận từ nông dân là tốt, phun nhanh, hiệu quả hơn và đỡ độc hơn. Nhưng để làm được điều này thì chi phí là bài toán lớn cho nông dân.
Theo PGS Ánh, trước đây một số máy bay nhập về nông dân rất hồ hỡi vì thay thế được sức lao động nhưng giá thành lớn. Hiện giá sản phẩm tương tự trên thị trường khoảng hơn 400 triệu đồng/ chiếc, sản phẩm của mình sản xuất đại trà giá chỉ hơn 100 triệu đồng thì có thể thực hiện được. Nếu sản phẩm cải tiến mới giá thành sẽ tiếp tục giảm xuống, nông dân có thể mua được.

PGS-TS Vũ Ngọc Ánh và các đồng nghiệp trong khoa

Hà Ánh

"Sản phẩm này, giá thành này thì nông dân rất thích rồi", PGS trẻ nói. Tuy nhiên, cái vướng còn ở việc xin phép bay. Dù là máy bay sử dụng phun thuốc phục vụ nông nghiệp nhưng muốn sử dụng được nông dân phải xin phép.
"Như vậy ở đây phải xin phép sản xuất và xin phép bay. Nhà đầu tư nghe thấy vậy khó khăn quá nên không làm, mình cũng lần mò tìm cách làm cho được", giảng viên trẻ chia sẻ.

"Giật gấu vá vai" làm… nghiên cứu

Nhà nghiên cứu trẻ này còn có nhiều trăn trở về việc thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu. Theo PGS Ánh, ngành nông nghiệp còn một khâu duy nhất là phun xịt chưa cơ giới hóa được, để làm được điều này ở mức độ lớn cần sự quan tâm của nhà nước với sự đầu tư rất lớn để thương mại hóa.
"Thương mại ở đây không phải từ phòng thí nghiệm ra ngoài thực tế mà từ thực tế ra với thị trường và cạnh tranh được. Mình đang vừa đi vừa tìm kiếm nhà đầu tư để làm việc", PGS cho hay.
Ý tưởng về máy bay "made in Việt Nam" thì có nhiều nhưng sản phẩm ra để ứng dụng được chưa có. Việc sản xuất không thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới vì được doanh nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, mình sản xuất đưa trực tiếp đến người tiêu dùng nên giảm chi phí hơn.
Ý tưởng nghiên cứu về máy bay trực thăng từ khi thực hiện đến nay 3 năm. PGS Ngọc Ánh nói: "Hiện tại gần như mình bỏ toàn bộ tiền để làm. Mình đã gặp nhiều nhà đầu tư, những nhà đầu tư am hiểu về công nghệ, khó có người đồng tình làm. Cuối cùng mình nghĩ, mình phải hoàn thiện mức độ nào đó bằng nguồn tiền của mình".
PGS Ánh nói thêm: "Nguồn lực mình ít trong khi sản phẩm nhập về nhiều, ở nước ngoài người ta đổ cả tỉ đô mà của mình chỉ tỉ đồng. Vì vậy mình chỉ cạnh tranh được về yếu tố địa phương, mà địa phương này đòi hỏi sự góp sức của nhiều người, nhiều ngành nghề, làm sao để nhiều ngành nghề khác cùng tham gia sẽ rất khó".
Nhưng, theo nhà khoa học này: "Mình là người hiểu nhất mình không đi thì ai đi bây giờ, vì vậy mình quyết định bỏ chi phí ra mình làm dù rất tốn kém".
PGS trẻ đã chia sẻ rất thẳng thắn câu chuyện làm nghiên cứu của mình. Có những lúc phải "giật gấu vá vai nghiên cứu có tiền chút thì đổ qua làm máy bay phun thuốc trừ sâu" nhưng chấp nhận vì mong muốn được hoàn thiện nốt khâu cuối cùng trong quy trình cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.