Đó là lời chia sẻ từ thạc sĩ Quách Doanh Nghiệp, giảng viên Khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM, sau khi đúc kết việc giảng dạy trực tuyến cho sinh viên trong dịch Covid-19.
Đọc tài liệu trước, ghi chú bài giảng
Theo thầy Nghiệp, từ khi trường triển khai nền tảng dạy trực tuyến, nhận thấy nhiều sinh viên than thở về những vấn đề khi học tập, dựa trên kinh nghiệm thực tế từ các lớp đang giảng dạy, thầy Nghiệp chia sẻ kinh nghiệm học tập với sinh viên trên trang cá nhân của mình.
Những vấn đề như: mạng internet, tài liệu, hoặc cách học như thế nào cho hiệu quả là những điều sinh viên quan tâm nhất.
Trong đó về “mạng giật”, thầy Nghiệp cho rằng việc này sinh viên cần phản hồi sớm với giảng viên đứng lớp bởi các thầy cô giảng dạy đang sử dụng nhiều mạng khác nhau. Khi đường truyền internet bị gián đoạn thì đầu cầu bên nào chậm bên đó phải khắc phục. Sinh viên có thể gửi email hoặc điện thoại cho giảng viên ngay lập tức nếu bài kiểm tra bị gián đoạn, bài giảng bị ngắt quãng để biết khắc phục kịp thời.
“Giảng viên sẽ luôn hỗ trợ các bạn tối đa, bạn cũng cần thông cảm một số giảng viên lớn tuổi không rành về công nghệ thì có thể phản hồi hoặc xử lý hơi chậm”, thầy Nghiệp nói.
Khi sinh viên không có sách để học kèm, thầy Nghiệp mách nước: “Bạn có thể nhờ người thân từ thành phố gửi bưu điện chuyển về, hoặc nhờ bạn bè nào đó chụp ảnh một vài trang của cuốn sách (lưu ý quyền tác giả) liên quan đến bài học để sử dụng đỡ. Nếu được cần xin slide bài giảng (PDF) của giảng viên để có thể nắm được các nội dung cốt lõi nhất của bài học”.
Trước khi vào học, sinh viên nên chủ động đọc bài giảng trước và ghi chú lại bài học khi buổi học diễn ra. Hầu như các giảng viên đều gửi bài giảng của mình cho sinh viên. Nên trước khi học sinh viên chịu khó in ra và tự đọc trước trước khi vào lớp để dễ hiểu bài hơn. Ngoài ra có nhiều cách để ghi lại màn hình bài giảng bằng các thủ thuật đã có hướng dẫn trên mạng internet.
Theo giảng viên Nghiệp, sinh viên có thể tìm kiếm bài giảng, buổi ghi hình lại từ một lớp khác trong khóa. Biết đâu giảng viên sử dụng nền tảng có ghi hình lại bài hoặc chia sẻ video bài giảng. Các môn học giống nhau giảng viên sẽ giảng tương đối giống nhau. Các kiến thức cốt lõi cũng tương tự nên sinh viên có thể tham khảo để hiểu tốt hơn bài học.
Học nhóm rất quan trọng
Từ kinh nghiệm giảng dạy, thầy Nghiệp gợi ý sinh viên nên tổ chức học nhóm online. Hình thức học nhóm rất có giá trị trong bối cảnh này vì thông qua học nhóm, sinh viên có thể chia sẻ bài vở, trao đổi thắc mắc và giúp nhau giữ nhịp học, phong độ học tập đúng tiến độ, thời khóa biểu của trường. Mọi người cùng ôn bài, chia sẻ bài ghi, giải đáp thắc mắc lẫn nhau, chia sẻ tài liệu, mỗi người nghe và chưa hiểu 10% còn lại thì họp lại 10 người có thể hy vọng lấp đầy chỗ này.
Ngoài ra, sinh viên có thể sử dụng email để hỏi và trao đổi với giảng viên về những vấn đề chưa hiểu. Thầy Nghiệp tin rằng tất cả các giảng viên sẽ vui vẻ giải đáp cho tất cả sinh viên khi có yêu cầu. Tuy nhiên, sinh viên cần nhớ phải tập hợp nhiều câu hỏi trong một lần tránh hỏi lắc nhắc.
Ôn tập củng cố sau khi học trực tuyến
Thầy Nghiệp nói thêm, sau mỗi bài học, sinh viên nên đọc lại bài giảng một lần nữa và tự mình tóm tắt những ý chính quan trọng của bài, kết nối các ý đó với nhau để kiến thức chặt chẽ hơn. Một bài giảng, sinh viên tóm gọn thành 1 trang A4 là đủ.
Sinh viên tranh thủ làm bài tập áp dụng ngay tức khắc để củng cố lý thuyết. Chỗ nào làm không làm được nghĩa là mình chưa hiểu thấu đáo thì quay lại đọc lý thuyết. Nếu vẫn chưa hiểu, hãy trao đổi thêm với giảng viên, bạn bè.
“Học trực tuyến cần tập trung hơn phối hợp nhiều giác quan: tai nghe, mắt nhìn vào slide hoặc màn hình, tay cầm cây viết chì để ghi chú chứ đừng có táy máy mở màn hình máy tính đọc báo, coi COVID-19 hoặc vừa học vừa cắn miếng xoài, hoặc Chat Zalo, facebook cùng đám bạn... thì sẽ giảm sức tập trung, mệt người, mất thời gian, không hiệu quả”, thầy Nghiệp gửi lời khuyên đến sinh viên khi học trực tuyến mùa dịch này.
Bình luận (0)