Myanmar được cho là đang dần vượt VN và Trung Quốc để trở thành điểm đến hứa hẹn mới cho các nhà đầu tư công nghệ thông tin và viễn thông.
Thị trường viễn thông Myanmar mở cửa cho các “tay đua” - Ảnh: Asia News |
Sau hàng loạt bước đi cải cách dân chủ được cả thế giới công nhận, Myanmar cũng cùng lúc mở toang cửa đón nguồn đầu tư dồi dào trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, cùng với tài chính - ngân hàng và năng lượng, viễn thông và công nghệ thông tin (IT) được đánh giá là miền đất hứa mới cho doanh nghiệp các nước, cả về tiềm năng thị trường lẫn nguồn nhân lực.
Hiện với chỉ hơn 50% dân số sử dụng điện thoại di động, viễn thông là một trong những tiềm năng lớn hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Myanmar trong năm qua. Số liệu thống kê của Ủy ban Đầu tư Myanmar cho thấy nguồn FDI vào viễn thông chiếm hơn 1/3 tổng số FDI trong những tháng cuối 2014. Tương tự, tỷ lệ tiếp cận internet tại Myanmar ngày càng cao trong khi chất lượng đường truyền hiện rất thấp. Vì thế, nước này cũng là “mảnh đất màu mỡ” mới, mở ra cuộc đua quyết liệt giữa hàng loạt doanh nghiệp IT - viễn thông trong và ngoài nước xin giấy phép hoạt động.
Bên cạnh giá trị hấp dẫn, Myanmar hiện đang sở hữu một nguồn nhân lực IT khá dồi dào, với hơn 10.000 sinh viên tốt nghiệp từ khoảng 30 trường đại học và các học viện tương đương mỗi năm. Chuyên trang Nikkei Asian Review dẫn lời Phó chủ tịch Tập đoàn Hitachi Kaichiro Sakuma nhận định: “Myanmar có tiềm năng nhân lực mạnh mẽ nhờ lao động giá rẻ và học vấn cao. Chúng tôi muốn sử dụng nhân công Myanmar tại các cơ sở hoạt động của công ty khắp Đông Nam Á”.
Theo Nikkei Asian Review, các tập đoàn công nghệ của nhiều nước đang hướng về nguồn nhân lực tại Myanmar, khi việc tuyển dụng kỹ sư tại VN và Trung Quốc ngày càng khó khăn do lương nhân sự cao cấp ngày càng tăng. Thống kê cho thấy giá nhân công Myanmar hiện chỉ bằng một nửa Trung Quốc và 2/3 so với VN.
Cơ hội đón đầu
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp VN cũng đã có một số bước đi mang tính đón đầu để tận dụng tiềm năng của nước bạn. Tập đoàn FPT được cho là đang lên kế hoạch chuyển một phần mảng gia công phần mềm sang một chi nhánh mới sắp thành lập ở Yangon. Đầu năm 2014, tập đoàn đã hợp tác với Đại học Victoria ở Yangon mở chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư phần mềm.
Trước đó, ngay từ tháng 2.2013, FPT mở văn phòng đại diện tại Myanmar và đến tháng 7 cùng năm, Công ty FPT Myanmar được thành lập. Đặc biệt, vào tháng 7.2015, FPT đã trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên được Bộ Truyền thông - Công nghệ thông tin Myanmar cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông NFS(I) có thời hạn 15 năm. Điểm quan trọng nhất của giấy phép này là FPT sẽ được phép triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia tại Myanmar, tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển dịch vụ internet đồng thời có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông cố định nội địa và quốc tế. Trong đó bao gồm xây dựng, triển khai, bảo trì, cho thuê hạ tầng viễn thông, truyền hình internet, trò chơi trực tuyến, báo điện tử, thương mại điện tử, tên miền...
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, Giám đốc FPT Myanmar Đoàn Nhật Minh nhấn mạnh: “Myanmar là thị trường tiềm năng nhưng có mức độ cạnh tranh cao. Do đó FPT phải thực sự kiên trì bám thị trường, tôn trọng văn hóa sở tại và tăng cường hợp tác với các đối tác bản địa. FPT từng phải mất 3 năm mới ký được hợp đồng vì quá trình trao đổi, cân nhắc kéo dài và nhiều phát sinh”. Hơn nữa, công ty con của FPT là FPT IS đầu năm 2015 cũng trúng thầu dự án triển khai giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Tập đoàn United Paints Group (UPG) - tập đoàn sơn hàng đầu Myanmar. Việc một tập đoàn lớn như UPG đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào hệ thống quản trị sẽ là câu chuyện điển hình, khuyến khích các doanh nghiệp khác đi theo. Đây là cơ hội để FPT nói riêng và doanh nghiệp công nghệ thông tin VN nói chung mở rộng thị trường tại quốc gia này.
Ngoài FPT, được biết Tập đoàn Viettel cũng quyết tâm tiến vào thị trường Myanmar và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư với khả năng sẽ liên doanh với một doanh nghiệp sở tại để xin giấy phép kinh doanh dịch vụ di động. MobiFone thì đã mở văn phòng đại diện tại Yangon ngay từ năm 2012.
Đua với những gã khổng lồ
Đúng như nhận định của ông Đoàn Nhật Minh, cuộc chiến giành giật thị trường IT - viễn thông tại Myanmar đang diễn ra rất gay cấn với sự tham gia của nhiều ông lớn. Tuần trước, Hitachi đã khánh thành phòng nghiên cứu tại Đại học Công nghệ thông tin Yangon.
Theo kế hoạch, hằng năm tập đoàn này sẽ đưa chuyên gia Nhật sang để tập huấn giảng viên và sinh viên sử dụng các hệ thống máy tính và dữ liệu kích thước lớn. Hitachi hy vọng sẽ đào tạo được 400 kỹ sư cao cấp trong vòng 5 năm tới để làm việc trong mảng xây dựng cơ sở hạ tầng IT của hãng, theo Nikkei Asian Review. Một ông lớn châu Á khác là Huawei (Trung Quốc) cũng ký kết thỏa thuận về đào tạo và phát triển kỹ sư IT với Bộ Khoa học công nghệ Myanmar nhằm tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông.
Dĩ nhiên các “đại gia” từ Mỹ cũng không ngồi yên. Một trong những nhà đầu tư Mỹ tiên phong thâm nhập thị trường IT Myanmar là Tập đoàn Cisco. Năm 2013, Cisco mở 2 trung tâm đào tạo về hệ thống mạng tại các trường đại học ở Yangon và Mandalay. Khoảng một năm sau, đến lượt Microsoft mở chương trình đào tạo về điện toán đám mây và các công nghệ liên quan cho khoảng 100.000 học viên trong 3 năm đồng thời đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cơ sở hạ tầng IT cho một số tập đoàn lớn của Myanmar như Kanbawza và Shwe Taung.
Bình luận (0)