Giành nhau dạy trẻ

01/04/2013 03:05 GMT+7

Con nít vừa là niềm vui, vừa là cội nguồn của tranh cãi, nhất là khi việc dạy dỗ trẻ làm lộ ra những vấn đề khác biệt giữa các thế hệ xưa và nay.

Sau thời gian về nhà mẹ đẻ để sinh con, cuối cùng cũng đến lúc Phương trở lại nhà cha mẹ chồng. Thời gian còn son rỗi, cô không ngại sống chung với gia đình chồng, vì ông bà khá thoải mái trong giờ giấc, và cũng chẳng bắt con dâu phải làm lụng chi cả. Nhưng đến khi sinh con thì lại khác. Biết tính cha mẹ chồng, Phương cứ sợ con mình sẽ bị chiều đến hư mới thôi. Cứ nhìn chồng Phương thì khắc biết. Lần lữa mãi thì cũng đến ngày phải dọn ổ về nơi cũ, Phương nghĩ bụng “tới đâu hay tới đó”.

Nhượng bộ trước

Công bằng mà nói, ông bà thương cháu hết mực, một phần là cháu đầu, phần nữa ông nội quý con trai. Nhưng cái khoản dạy dỗ của hai ông bà rất có vấn đề, đặc biệt là bà nội.

Giành nhau dạy trẻ
Minh họa: DAD

Lúc trước chưa có cháu, bà nuôi mèo hoặc chó cho đỡ buồn. Kẹt cái là nuôi con nào con đó bị mắc chứng… quá hư. Bà thường cười trừ với Phương: “Chẳng biết sao chứ mẹ nuôi con nào thì con nấy hư. Có chết không cơ chứ”.

Là tuýp phụ nữ hiện đại, Phương chuẩn bị sẵn sàng từ lúc chưa cấn thai. Nào là đọc sách dạy con, dinh dưỡng như thế nào, tâm lý trẻ ra sao… Rồi cô mua thuốc bổ sung dinh dưỡng cho cả hai vợ chồng, cách cả 6 tháng trước thời gian “hành sự”. Trong quá trình mang thai, Phương hết sức cẩn thận chú ý chế độ dinh dưỡng, nào là uống chất sắt, canxi, vitamin các loại, để thai nhi được khỏe từ trong bụng mẹ và khi lâm bồn thì bản thân cũng không bị thiếu hụt chất để đủ sữa cho con. Nói thế để biết Phương kỹ lưỡng đến thế nào và biết phải chuẩn bị điều gì để đón một đứa trẻ.

Vậy mà, đến lúc chuyển dạ, Phương hết sức ngoan ngoãn trước mỗi chỉ dẫn của mẹ chồng. Bà bảo: “Con đừng đụng tay vào nước trong tháng đầu”. Cô không đụng. Bà bảo: “Con nhét bông gòn vào lỗ tai, đeo vớ và tránh nói chuyện, xem ti vi”. Cô cũng làm theo, dù biết rằng người xưa phải kiêng kỵ như vậy vì bà bầu thường không bổ sung đủ chất trong lúc mang thai, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cho bản thân sau khi đứa bé ra đời. Nhưng cứ nghe lời mẹ chồng trước để bà vui lòng cũng chẳng có sao, nhượng bộ chuyện này để khi dạy con theo ý mình thì sau đó có gì cũng đỡ bị mang tiếng là “chống đối toàn tập”.

“Chống đối” sau

Lần “chống đối” đầu tiên diễn ra ngay tại bệnh viện. Dựa theo kinh nghiệm nuôi con hồi xưa, bà nội sốt sắng quấn chặt đứa cháu mới sinh trước khi đặt bé vào nôi. Phương thấy vậy liền nhẹ nhàng nói với bà: “Mẹ ơi, không nên quấn bé quá chặt như vậy, nới lỏng một chút để bé học được cách phù hợp với môi trường bên ngoài bụng mẹ”. Bà tròn mắt bảo: “Quấn chặt bé mới dễ ngủ mà con, xưa nay vẫn thế”. May mắn là y tá vào lấy cặp nhiệt độ, tiện thể nói với bà là cứ quấn lỏng cho bé, với lý do như thế như thế. Thế là Phương đỡ mất công giải thích thêm. Chỉ nửa tiếng sau, bé giật mình khóc. Bà vội vàng bồng cháu lên và ôm vào lòng nựng nịu. Phương lại phải nhắc: “Mẹ ơi, đừng vội bồng cháu lên thế, làm cháu quen đòi đấy…”, làm bà cũng ngớ người.

Thật ra, theo sách dạy con Great Expectations: Baby’s First Year (tạm dịch: Những mong chờ lớn lao ở năm đầu tiên của bé) của các tác giả Sandy và Marcie Jones, trẻ sơ sinh cần sự quan tâm chăm sóc đặc biệt. Việc tiếp xúc thường xuyên với người trông trẻ sẽ hạn chế thời gian khóc lóc và dễ dàng ổn định được tâm sinh lý hơn. Nghiên cứu cho thấy trẻ được ôm và phản ứng kịp thời khi khóc ít bám víu vào người lớn khi qua ngưỡng 1 tuổi, cũng như dễ dàng thích nghi với những tình huống mới. Tuy nhiên, cũng không bắt buộc phải ôm trẻ toàn thời gian. Có thể dùng đai giữ trẻ trước bụng, duy trì sự tiếp xúc cơ thể trong khi mẹ vẫn rảnh tay làm việc. Khi buộc phải đặt bé xuống, bé sẽ cảm thấy được an tâm hơn khi thấy mẹ luôn kề bên.

Cuộc hành trình dạy con chỉ mới bắt đầu, và cách dạy xưa - nay, Tây - ta đụng nhau tùm lum. May mắn là mẹ chồng của Phương thuộc tuýp chịu chơi, thoải mái tiếp thu kiến thức mới, nên bà cũng chịu khó cùng Phương lướt web mỗi khi gặp vấn đề tranh cãi trong lúc nuôi dạy bé. Dù vậy, không phải lúc nào cũng mọi chuyện cũng suôn sẻ.  

Tụ Yên

>> Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình
>> Thầy nuôi dạy trẻ
>> Đẩy trẻ vào đời sớm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.