Giành sự sống với Covid-19, tôi không muốn là 'người hùng': Cuộc gọi lần cuối, nước mắt cứ rơi

25/02/2022 09:39 GMT+7

covid-19/" title="Covid-19 đang bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành, trải qua đau thương biến cố trong đợt Covid-19 vừa rồi tại TP.HCM điều khiến những bệnh nhân, người thân nhớ nhất sự chiến đấu không mệt mỏi của các y bác sĩ, điều dưỡng. Từng giây, từng phút họ cố giành lại sự sống, hoặc ít nhất họ cũng trọn vẹn trọn tình bằng những hành động đơn giản nhất. 

Không ai mong muốn trở thành người hùng, đơn giản đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi thầy thuốc. Câu trả lời mà chúng tôi đã nghe đi nghe lại từ các y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua tại TP.HCM. Với họ, Covid-19 như một dấu khắc sâu thẳm trong cuộc đời hành nghề y. Đó không chỉ là cuộc chiến sinh tử, gian nan quên mình mà còn là tình người, nghĩa cử ở những phút cuối của hành trình một đời người.

Bước qua giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM, nỗi đau mất người thân của nhiều gia đình ở TP.HCM vẫn đau đớn khắc khoải, nhưng đọng lại đó là tình người của chính các y bác sĩ ở những phút cuối cùng.

Cuộc gọi đó chỉ có im lặng và nước mắt!

Chính những cuộc gọi video từ y bác sĩ để họ được nhìn thấy người thân mình lần cuối với đủ dây nhợ, máy móc bên người là những khoảnh khắc thấm đẫm tình người trong cơn đại dịch mà TPHCM đã từng gánh chịu.

Những kỷ niệm không thể nào quên

“Ba ơi, cố gắng vượt qua nha ba. Mạnh mẽ lên nha ba. Con với con của con đang chờ ba về nhà chơi nè. Con thương ba nhiều lắm…”.

Vừa nói anh Lê Quang Vinh (32 tuổi, ngụ Q.7) vừa nhìn chăm chăm vào màn hình điện thoại có ba vợ anh đang nằm đó, đủ thứ dây chẳng chịt trên người, ông nằm im, không phản ứng. Anh Vinh cắn chặt môi để cố ngăn lại hai hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt.

Tin nhắn của BS Nga với anh Lê Quang Vinh

nvcc

Tháng 8.2021, ông M.V.M (66 tuổi, ba vợ anh Vinh) nhập BV Q.4 vì nhiễm Covid-19 trong tình trạng SpO2 xuống thấp, tay chân tím ngắt. Sau 2 ngày nằm viện, SpO2 của ông tăng lên hơn 90, nhưng đến ngày thứ tư thì tiếp tục giảm xuống nên ông được chuyển sang điều trị tại BV Lê Văn Việt (TP Thủ Đức).

Ngày đưa ba nhập viện, gia đình tôi tưởng đâu sẽ mất liên lạc luôn rồi. Nhưng nhờ BS kết nối, những hình ảnh về ba vẫn sẽ còn ở đây mãi mãi, đó là những kỷ niệm không thể nào quên

Anh Lê Quang Vinh

Không có cách nào liên lạc được với ba, anh Vinh lục tung danh sách điện thoại các BV dã chiến gọi hỏi thông tin. Đến khi liên lạc được với BS CKI Đỗ Thị Nga (BV Lê Văn Việt), anh mới biết ba đang trở nặng, phải đặt nội khí quản.

Những cuộc video với ba được anh Vinh quay lại giờ thành những hình ảnh cuối cùng

nvcc

Khi đó, anh đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại P.Tân Hưng, Q.7. Mỗi lần có cuộc gọi video từ BS Nga, anh đều cố gắng nói động viên ba thật nhiều, dù ở đầu dây bên kia, ba anh vẫn nằm đó, không phản ứng gì. Anh Vinh đã quay lại màn hình của cuộc gọi, giờ đây đó trở thành những hình ảnh cuối cùng của ba anh.

“Được 3 ngày, BS Nga báo ba mất. Lúc ấy tôi đang lái xe chở gạo, mì gói và mấy anh bộ đội đi đến nhà dân mà vừa đi vừa khóc. Cảm giác tuyệt vọng lắm vì ba mất mà mình không thể làm gì được. Ngày đưa ba nhập viện, gia đình tôi tưởng đâu sẽ mất liên lạc luôn rồi. Nhưng nhờ BS kết nối, những hình ảnh về ba vẫn sẽ còn ở đây mãi mãi, đó là những kỷ niệm không thể nào quên”, anh Vinh xúc động tâm sự.

"Ơn của BS Nga không bao giờ nhà tôi trả hết”

5 tháng sau khi mất cả cha mẹ vì dịch Covid-19, bà Phạm Thị Xuân Thủy (52 tuổi, ngụ Q.4) bật khóc khi nhắc lại những ký ức đau thương của gia đình. Đợt cao điểm dịch tại TP.HCM, nhà bà cả chục thành viên đều có kết quả test dương tính. Riêng cha mẹ bà vì tuổi cao nên được chuyển đến BV điều trị. Và không ai ngờ đó cũng là lần cuối cả nhà còn được nhìn thấy nhau.

3 tháng trực ở BV điều trị Covid-19, BS Nga đã kết nối cho hơn 100 gia đình bệnh nhân

nvcc

Bà Thủy nghẹn đắng họng kể, cha bà 79 tuổi được đưa vào BV TP Thủ Đức, mất liên lạc hoàn toàn. Còn mẹ 75 tuổi đưa vào BV Lê Văn Việt, cả nhà tìm đủ cách mà vẫn không thể biết được sức khỏe của cha mẹ thế nào. Thời điểm ấy, cả nhà F0 không thể ra ngoài, các thành viên chia nhau gọi tất cả các số điện thoại có thể nhưng 2 tuần trời vẫn không một thông tin. Đến ngày thứ 15, BS Nga chủ động kết bạn qua Zalo rồi gọi cho 1 thành viên trong gia đình báo tiên lượng của mẹ bà đang nặng.

Chỉ trong vòng 6 ngày, chị em tôi mất cả cha lẫn mẹ, mấy chị em muốn thành khùng, thành điên vì quá sốc. Khi đi nhập viện thì khỏe mà đem 2 hũ cốt về vậy đó. Các cuộc video với mẹ được BS Nga kết nối phần nào an ủi nỗi đau của gia đình. Ơn của BS Nga không bao giờ nhà tôi trả hết

Bà Phạm Thị Xuân Thủy

Biết chuyện gia đình có thành viên ở nước ngoài, BS Nga đã chủ động hỏi thăm, kết nối thêm Zalo với bà để gọi nhóm, cho cả nhà được nhìn thấy nhau. “BS Nga là BS giàu đạo đức mà gia đình tôi may mắn gặp được. Mỗi lần vào ca trực, BS Nga đều gọi cho cả nhà tôi nhìn mẹ, dù chỉ có tụi tôi nói, còn mẹ không phản ứng gì hết. Từ khi BS Nga tiếp nhận mẹ đến khi mẹ mất, chị đều gọi cả nhà tôi như vậy. Ước gì nhà tôi gặp BS Nga sớm hơn thì đã có cơ hội nói chuyện với mẹ khi mẹ còn tỉnh táo”, bà Thủy nức nở.

Mỗi ngày vừa xong ca trực, BS Nga lại tranh thủ gọi cho người nhà được nhìn mặt bệnh nhân đang điều trị

nvcc

Cùng nằm viện hơn 20 ngày, nhưng 5 ngày sau khi mẹ mất, thành viên trong nhà bà Thủy mới kết nối video để nhìn được mặt cha. Sau đêm đó, 5 giờ sáng hôm sau, cha bà cũng không vượt qua được Covid-19.

Ôm mặt rưng rức, bà Thủy nói: “Tôi khi ấy cũng là F0 nặng, xin vào để chăm sóc cha mẹ mà không được. Những ngày cha mẹ nằm viện không biết sống chết sao, tới khi mất không được ở bên thấy mặt đau đớn lắm. Chỉ trong vòng 6 ngày, chị em tôi mất cả cha lẫn mẹ, mấy chị em muốn thành khùng, thành điên vì quá sốc. Khi đi nhập viện thì khỏe mà đem 2 hũ cốt về vậy đó. Các cuộc video với mẹ được BS Nga kết nối phần nào an ủi nỗi đau của gia đình. Ơn của BS Nga không bao giờ nhà tôi trả hết”.

Đó là tình người!

Khi cả nhà như ngồi trên đống lửa vì mất liên lạc với chú nhiễm Covid-19 nằm trong bệnh viện, anh Đỗ Quang Minh (33 tuổi, TP Thủ Đức) cũng nhận được điện thoại từ BS CKI Đỗ Thị Nga, BV Lê Văn Việt thông báo tình hình chú anh trở nặng, nằm phòng Hồi sức tích cực (ICU) trong BV điều trị Covid-19.

Những ngày tháng không quên của y bác sĩ và cả người Sài Gòn

nvcc

Mỗi ngày, BS Nga đều cập nhật tình hình bệnh nhân cho gia đình anh Minh nắm bắt. Thời gian này, cả TP đang phong tỏa, bệnh nhân nhập viện điều trị Covid-19 chỉ có một mình. Bệnh nhân nặng vào ICU thì không còn sử dụng được điện thoại nên gần như mất liên lạc hoàn toàn với gia đình.

Anh Minh kể: “Có một hôm BS Nga gọi video để gia đình tôi xem tình hình của chú ở thời điểm tiên lượng nặng. BS nói nhà tôi nên mua một cái nệm hơi nước cho chú nằm để không bị nóng lưng vì không biết phải nằm đến bao giờ. Đến tối đó chị còn chụp ảnh gửi lại cho nhà tôi nói chú đã nằm trên tấm nệm gia đình gửi vào rồi. Hôm sau chú tôi mất. Gia đình tôi cảm nhận được như rằng khi có được tấm nệm nằm thoải mái được 1 đêm rồi thì chú đi nhẹ nhàng. May là cuộc video nhà tôi có dùng điện thoại khác quay lại, các hình ảnh BS Nga gửi cũng được lưu lại. Giờ tất cả đều là những khoảnh khắc quý giá sau cùng của chú”.

Điều dưỡng Lê Văn Hoan cũng kết nối để người nhà có thể nhìn thấy bệnh nhân qua video

nvcc

Thông qua Facebook, chị Phương (ngụ Q.10) cũng đã kết nối được với điều dưỡng Lê Văn Hoan, BV 71 Trung ương (khi ấy thực hiện nhiệm vụ tại BV Hồi sức Covid-19 (đặt tại BV Ung bướu cơ sở 2) để nhìn mặt ba đang nằm ICU.

Chị xúc động nhớ lại: “Tối hôm đó tôi nhắn thì sáng hôm sau anh Hoan đã kết nối cho tôi video gặp ba rồi. Trước đó ba tôi nhập viện vẫn khỏe, vẫn nói chuyện được, chỉ một ngày không liên lạc được, tôi tìm trên Facebook thì thấy thông tin anh Hoan đang chống dịch tại đây nên nhờ anh kết nối”. Và đó cũng là lần cuối chị được nhìn thấy ba của mình.

Sau những cuộc gọi gặp mặt người thân như vậy, cả y bác sĩ và người nhà bệnh nhân đều không thể biết ngày mai sẽ ra sao, bởi ai cũng hiểu chuyển biến của Covid-19 đường đột đến thế nào.

Dù các cuộc gọi chỉ có một bên nói, một bên im lặng nhưng BS Nga, điều dưỡng Hoan cùng nhiều y bác sĩ khác vẫn thực hiện hằng ngày trong những ngày "bão táp" nhất của TP.HCM, bởi đó là tình người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.