Giao bài tập về nhà cho học sinh dịp Tết Nguyên đán, nên hay không?

08/01/2023 18:48 GMT+7

Chỉ còn hơn tuần nữa là học sinh bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Với kỳ nghỉ trên dưới 10 ngày, có nên giao bài tập về nhà cho học sinh hay không đang được nhiều người tranh luận, bày tỏ quan điểm.

Thời gian để học sinh nghỉ ngơi, trải nghiệm

Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, thẳng thắn cho hay, quan điểm từ trước đến nay, các dịp lễ, tết, mùa hè, học sinh phải được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái. Lý do là khi đầu óc thư giãn, được nghỉ ngơi thì tiếp nhận cái mới sẽ nhẹ nhàng hơn. Còn nếu cứ nhồi nhét làm đầu óc khó minh mẫn. Ông Điệp nhấn mạnh: “Những dịp lễ tết là để học sinh trải nghiệm, vui chơi, tham gia các hoạt động không có tính chất học tập, thi đua. Nếu ngày tết mà cho bài tập về nhà rất không tốt với học sinh tiểu học” .

Học sinh tham gia hoạt động mừng xuân trước kỳ nghỉ tết

Mời bạn đọc tham gia cuộc khảo sát của báo Thanh Niên về vấn đề có nên giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ tết hay không?

Poll TNO
Theo bạn, có nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ tết?

Còn với bậc học cao hơn thì ông Điệp cho rằng, chỉ với học sinh cuối cấp, cần duy trì một chế độ học tập đều đặn để tham gia các kỳ thi quan trọng. Nhưng duy trì theo kiểu đó là thói quen nhẹ nhàng chứ không căng thẳng, gây áp lực là đi học trở lại là các em phải làm hết bài, phải nộp bài…

Còn bà Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1) cũng nhận định: "Tết là phải để học sinh nghỉ ngơi, trải nghiệm và tận hưởng không khí ngày xuân. Các con cần được chơi, được vui với tuổi thơ chứ nghỉ mà cứ lo canh cánh làm bài thì sao còn hứng thú. Kỳ nghỉ tết đâu còn ý nghĩa!".

Nữ hiệu trưởng trường tiểu học nói trên cho biết tuần đầu tiên khi học sinh đi học trở lại, nhà trường sẽ dành để ổn định, củng cố, nhắc lại kiến thức cho các con nên phụ huynh học sinh an tâm. "Một vài bài tập ngày tết cũng không khiến học sinh học giỏi hơn. Điều quan trọng là làm sao để các con thích, vui khi trở lại với việc học", bà Trần Bé Hồng Hạnh nêu quan điểm.

Học sinh tham gia trò chơi dân gian trong lễ hội mừng xuân

l.t

Bài tập về nhà như thế nào là thích hợp?

Còn với học sinh, khi thăm dò quan điểm về việc có muốn giáo viên giao bài tập về nhà làm trong thời gian nghỉ tết hay không, hầu hết các em đều cho rằng muốn được vui chơi thoải mái. Tuy nhiên, với học sinh D.N.K.N, lớp 8 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), để không bị quên kiến thức và nhanh bắt nhịp với việc học thì thầy cô chỉ nên cho một vài bài ở mức ôn tập nhẹ nhàng chứ không nên môn nào cũng có mấy bài tập về nhà. “Đừng để chúng con cứ nghĩ phải hoàn thành hết số bài tập của các môn mà vui chơi không còn thoải mái”, K.N bày tỏ.

Còn giáo viên Hoàng Thị Vinh, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức), cho rằng cần để học sinh có một kỳ nghỉ trọn vẹn, không nặng nề với bài tập về nhà. Nhưng cũng cần có hoạt động để kích hoạt trạng thái học tập. Tất nhiên đó không cứ phải là những bài tập theo kiểu hàn lâm, truyền thống mà có thể chỉ là những sơ đồ tư duy kiến thức, học sinh ghi lại, trình bày, trang trí vui vẻ, nhẹ nhàng.

Đây là dịp để học sinh hiểu thêm về những phong tục, tập quán ngày tết

đ.n.t

Cho bài tập để chống “trôi”?

Anh Dương Thanh Hiếu, cư trú tại Q.8 nói rằng tết là khoảng thời gian quý giá để học sinh nghỉ ngơi, sum họp gia đình, trải nghiệm không khí tết cổ truyền, văn hóa của mỗi gia đình. Vì vậy giáo viên không nên khiến các con giảm bớt cảm giác thoải mái và luôn bị áp lực trong suy nghĩ còn bài tập phải hoàn thành. "Không nên lạm dụng suy nghĩ giao bài tập về nhà dịp tết để tránh việc học sinh quên kiến thức", anh Hiếu nhấn mạnh.

Tương tự, giáo viên Nguyễn Đức Uy, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) đồng tình với quan điểm không giao bài tập về nhà dịp tết. Để các em vui chơi thoải mái bởi phần lớn học sinh TP.HCM đều về quê vào dịp này. Nếu có bài tập về nhà tức là các em phải mang theo sách vở về quê, quá vất vả, mất hết cả ý nghĩa. Ngoài ra, giáo viên này cũng không đồng tình với quan điểm cho bài tập về nhà để chống “trôi” kiến thức. "Nghỉ 10 ngày không thể làm học trò quên kiến thức do vậy không nên tạo áp lực. Nếu cần thiết, trước ngày đi học trở lại, giáo viên chủ nhiệm chỉ cần nhắc nhở học trò chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ. Ngoài ra, phụ huynh cũng đừng lo lắng, những ngày đầu tiên trở lại trường, giáo viên sẽ cùng các em khởi động lại việc học", thầy Đức Uy chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.