Giao dịch bất động sản tê liệt vì hồ sơ tính thuế bị 'treo'

13/09/2024 06:19 GMT+7

Không chỉ giao dịch bất động sản trên địa bàn TP.HCM những ngày qua gần như tê liệt; hồ sơ tính thuế bị "treo" ở ngành thuế, không tính được thuế dẫn đến phát sinh các vụ tranh chấp.

Mua không được, bán không xong

Sáng ngày 11.9, PV Thanh Niên có mặt tại trụ sở Công ty Bất động sản (BĐS) Hưng Lộc Phát trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức). Không khí vắng vẻ bao trùm khi cả tòa nhà rộng mênh mông, chỉ có mình ông chủ và cô nhân viên lễ tân. Theo ông Đặng Đức Bền, Giám đốc Công ty, tình trạng này đã kéo dài từ tháng 7 âm lịch đến nay, khi các hồ sơ mua bán, hợp thức hóa nhà đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không thể tính thuế, giao dịch BĐS vì thế giảm mạnh. "Bỏ ra số tiền lớn nhưng tài sản không thể sang tên được khiến người mua sợ rủi ro. Trong khi đó, người bán bao giờ cũng yêu cầu công chứng xong là phải thanh toán hết. Chưa tính đa số khách hàng mua nhà đất hiện nay ít nhiều cũng phải vay tiền từ ngân hàng. Khi hồ sơ chưa hoàn tất, đồng nghĩa với việc tiền vẫn treo lơ lửng, không thể giải ngân cho người mua. Vì thế, giao dịch giảm mạnh", ông Bền giải thích.

Giao dịch bất động sản tê liệt vì hồ sơ tính thuế bị 'treo'
- Ảnh 1.

Tại các phòng công chứng vắng hoe, không còn nhộn nhịp như trước

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Không khí này cũng tương tự ở Phòng công chứng Phong Phú (TP.Thủ Đức). Dù ngay đầu buổi sáng nhưng cũng chỉ có vài khách hàng đến làm hồ sơ. Bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng văn phòng Công chứng Phong Phú, nói rằng những vị khách ít ỏi này chủ yếu đến làm dịch vụ sao y bản chính, mua bán xe… "Tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người muốn bán nhà, đất để lấy tiền trả nợ hoặc làm ăn nhưng đang bị tắc do không tính thuế được. Mà không tính được thuế, sang được tên thì người mua cũng đâu thể thanh toán hết. Nhiều người mua nhà đất cũng phải vay ngân hàng, nay hồ sơ không hoàn tất tiền cũng không thể giải ngân. Thị trường bất động sản mấy năm nay đã khó khăn, nay vì vụ chậm tính thuế càng khiến thị trường khó khăn, trầm lắng hơn", bà Hoa cho hay.

Phòng công chứng số 3 (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) được xem là phòng công chứng có số lượng khách đến làm hồ sơ nhà đất đông nhất tại TP.HCM, nhưng chúng tôi cũng chứng kiến cảnh khá đìu hiu. Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 3, cho biết thông thường sau tháng 7 âm lịch, đến tháng 8 giao dịch sẽ tăng lên; nhưng năm nay bước qua tháng 8 âm lịch, giao dịch vẫn không thể tăng, thậm chí còn giảm so với tháng trước. Đến nay dù nhà nước vẫn tiếp nhận hồ sơ, nhưng chuyển qua ngành thuế bị vướng ở đó nên không thể hoàn tất thủ tục cho người mua. Nhiều người vay tiền ngân hàng để mua bằng chính tài sản đó nên việc chưa được tính thuế khiến họ không thể thế chấp để mua được. Không hoàn tất được thủ tục thuế, không hoàn tất được việc đăng ký, người chủ sở hữu sẽ không hoàn thành được quyền của mình. Do vậy tâm lý hiện nay là người dân đang chờ thông tin từ hồ sơ thuế được giải quyết mới dám tham gia giao dịch.

Theo lãnh đạo chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7, đến nay những hồ sơ liên quan đến mua bán, thế chấp nhà đất trên địa bàn quận đã giảm khoảng 50%. Trước đó chi nhánh cũng đã báo cáo lên UBND Q.7, Sở TN-MT hơn 200 hồ sơ nhà đất của người dân bị trễ hẹn vì bị "treo" ở ngành thuế. Trong khi đó, thống kê của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức cho thấy trong tháng 6, nơi đây tiếp nhận khoảng 6.000 hồ sơ, đến tháng 7 là hơn 8.000 hồ sơ, tháng 8 giảm xuống còn hơn 6.600 hồ sơ thì trong 11 ngày đầu của tháng 9 chỉ còn lại hơn 1.400 hồ sơ. Trong đó các hồ sơ liên quan đến mua bán, thế chấp nhà đất giảm nhiều nhất. Có mặt tại chi nhánh này, chúng tôi chứng kiến lượng người dân đến làm hồ sơ giảm mạnh, không còn cảnh đông đúc như trước.

Phải giải quyết hồ sơ tính thuế cho người dân

Việc ngành thuế "giam" hồ sơ không tính thuế cho người dân đã phát sinh nhiều hệ luỵ. Như trường hợp của ông Nguyễn Anh Tuấn (H.Nhà Bè), dù đã công chứng mua bán, hồ sơ nộp lên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.7 và được cán bộ tiếp nhận. Thế nhưng gần 1 tháng nay, hồ sơ của ông vẫn không thể tính thuế để hoàn tất thủ tục sang tên cho người mua. Chờ đợi quá lâu mà sổ đỏ vẫn chưa cầm trên tay, nên người mua yêu cầu hủy hợp đồng, đòi lại tiền và yêu cầu ông Tuấn phải bồi thường gấp đôi số tiền mua bán trong hợp đồng. "Khi nộp hồ sơ tính thuế, tôi đã khai báo đúng với giá bán thực tế. Tôi cứ nghĩ như vậy là sẽ được nhanh chóng tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để hoàn tất hồ sơ, cập nhật tên người mua lên sổ đỏ. Thế nhưng đã gần 1 tháng trôi qua, hồ sơ của tôi vẫn chưa xong. Điều này khiến tôi và người bán phát sinh tranh chấp bởi cả hai bên chưa biết bao giờ những ách tắc này mới được tháo gỡ. Tôi dự kiến sẽ đàm phán với người mua để trả lại tiền, hủy hợp đồng công chứng và rút lại hồ sơ", ông Tuấn cho biết.

Giao dịch bất động sản tê liệt vì hồ sơ tính thuế bị 'treo'
- Ảnh 2.

Tại các phòng công chứng vắng hoe, không còn nhộn nhịp như trước

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Một trường hợp khác là anh N.V.C (cũng ở H.Nhà Bè) đã ký hợp đồng công chứng, nộp hồ sơ lên chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai H.Nhà Bè để hoàn tất thủ tục mua một căn nhà trị giá hơn 10 tỉ đồng. Thế nhưng hồ sơ của anh cũng bị treo gần 1 tháng nay ở ngành thuế. Điều đáng nói, người bán liên tục hối thúc anh đóng thuế sớm để không ảnh hưởng đến công việc của họ. "Người bán hay đi công tác nước ngoài nên họ sợ nợ thuế sẽ bị cấm xuất cảnh. Họ liên tục hối thúc tôi phải đóng thuế cho xong, gửi biên lai đóng thuế cho họ xem. Nhưng tôi đành bất lực. Sổ đỏ đã ký xong, giờ chỉ còn chờ tính thuế nữa là lấy sổ về. Thế nhưng gần 1 tháng rồi, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ và cũng chưa biết đến bao giờ tình trạng này mới được giải quyết. Tôi đề nghị ngành thuế phải tính thuế cho tôi vì tất cả hồ sơ, pháp lý tôi đều làm theo đúng quy định của pháp luật", anh C. bức xúc nói.

Mới đây, trong văn bản khẩn gửi UBND TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM cho biết từ ngày 1 - 27.8, cơ quan thuế đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ. Trong đó có 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, có 5.448 hồ sơ thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS và 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính (thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS, lệ phí trước bạ…).

Để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, không gây thêm khó khăn cho thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng đối với 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính với nhà nước, đề nghị Cục Thuế TP.HCM chỉ đạo các chi cục thuế giải quyết ngay vì các trường hợp này không phát sinh nghĩa vụ thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS, lệ phí trước bạ và tất cả các hồ sơ này đều không bị vướng về pháp lý.

Đối với 5.448 hồ sơ thuế TNCN do chuyển nhượng BĐS, nhiều năm qua, UBND TP.HCM đã ban hành bảng giá sàn nhà, đất để làm căn cứ xem xét giá chuyển nhượng từng lần đối với các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình xây dựng trên đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất để tính thuế TNCN.

Đối với gần 9.000 hồ sơ đất đai bị ách tắc tại Cục Thuế TP.HCM, trong buổi làm việc giữa Bộ TN-MT với các bộ và UBND TP.HCM, các đại biểu thống nhất quan điểm cơ quan thuế thực hiện đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật. Điều này có nghĩa là hồ sơ nhận tại thời điểm nào thì áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đó để xem xét, giải quyết. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tại TP.HCM (cũng như các địa phương khác) phải nỗ lực sớm ban hành bảng giá đất điều chỉnh trong 1 - 2 tuần lễ tới đây để vừa giải quyết 8.808 hồ sơ tồn đọng tại cơ quan thuế, vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, vừa để áp dụng bảng giá đất điều chỉnh cho 11 trường hợp theo quy định của luật Đất đai 2024.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.