Chiều 17.1, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia khoa học về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech) hướng đến phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, tinh thần chung là Trung tâm tài chính quốc tế phải có những chính sách đột phá để thúc đẩy các lĩnh vực mới phát triển nhưng phải quản trị được rủi ro. Trong đó tiền mã hóa phải có những quy định cụ thể, có văn bản pháp lý khả thi trong khi lĩnh vực này ẩn chứa nhiều rủi ro như rửa tiền, tội phạm công nghệ...
Tương tự, việc xây dựng cơ chế sandbox cần phải được đặt ra đối với giải pháp công nghệ hỗ trợ tuân thủ quy định cho các lĩnh vực tài chính, ngân hàng; công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tiếp cận vốn như thế nào? Hay cơ chế chính sách, lộ trình phát triển sản phẩm, giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa như thế nào? Việc phát hành, sở hữu và giao dịch các token sẽ ra sao... là những vấn đề cần có ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để làm cơ sở trình dự thảo lên Chính phủ.
Ông Đức Trần - quỹ đầu tư IDG Capital VN khẳng định, có một làn sóng Blockchain hóa mọi ngành nghề trong đó, Fintech là ngành có ứng dụng công nghệ này mạnh mẽ nhất trong thời gian qua. Xu hướng phát triển công nghệ Blockchain hay Fintech là tất yếu nên cách tiếp cận là vừa làm vừa xếp hàng để tiết kiệm thời gian. "Trước đây Việt Nam cũng đã có những thử nghiệm như cổng thanh toán trung gian/ví điện tử và đã có nhiều đơn vị tham gia. Trong quá trình thực hiện thị trường cũng có sự thanh lọc. Từ kinh nghiệm có thì thấy thời gian thực hiện sandbox cho nhiều lĩnh vực mới trong khoảng 2 năm là hợp lý. Các cơ chế thử nghiệm phải độc lập với hệ thống tài chính, ngân hàng hiện tại; phải đảm bảo hệ thống kết nối được với quốc tế và phải khai thác được lợi thế hiện tại của Việt Nam như dân số trẻ, nhiều kỹ sư, ham học và khai thác được khoảng 8 triệu tài khoản tiền mã hóa hiện có", vị này nói. Ông Đức Trần nhấn mạnh: Về mặt kỹ thuật, công nghệ lập sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa khá đơn giản nhưng cái khó là cho bao nhiêu sàn? Ai là đơn vị quản lý sàn? Lợi thế của đồng tiền mã hóa là vô danh nhưng nếu kiểm soát một sàn tập trung thì mọi người có tham gia không? Ví dụ nhà nước lập 1 sàn, cho 2 sàn tư nhân và 1 sàn quốc tế thì được không?
Luật sư Trần Anh Đức - A&O Shearman, thông tin nhiều công ty nước ngoài đã và đang quan tâm tìm hiểu đến Fintech tại Việt Nam như có được mở sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa hay không? Người Việt Nam có được mở tài khoản không? Công ty nước ngoài có được mở ngân hàng số, tài khoản số được không? Ví dụ công ty taxi có nhu cầu cần giải pháp đột phá về thanh toán tiện lợi để người dùng mở tài khoản trực tiếp với công ty thì hiện nay không làm được. Công ty nước ngoài có xin được giấy phép mở trung gian thanh toán hay không? Hơn nữa, một vướng mắc lớn nhất là tài sản số chưa được công nhận. Cũng như điểm chung của các trung tâm tài chính quốc tế là không kiểm soát ngoại hối gồm chuyển tiền, chuyển đổi tự do tiền VND sang ngoại tệ khác trong khi Việt Nam vẫn đang kiểm soát chính sách này. Vậy liệu có thể lập sandbox cho các vấn đề này hay không khi TP.HCM có Trung tâm tài chính quốc tế...
Bình luận (0)