(TNO) Sử dụng nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại toàn cầu đang giảm dần ở các nước ngoài khu vực châu Á. Điều này cản trở tham vọng của Bắc Kinh trong việc đưa đồng tiền này vào rổ tiền tệ dự trữ quốc tế.
Số doanh nghiệp ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương sử dụng nhân dân tệ trong giao dịch thanh toán giảm so với năm ngoái - Ảnh: Reuters
|
Bloomberg ngày 24.3 dẫn khảo sát thường niên của Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) cho thay mức độ dùng nhân dân tệ (RMB) trong các giao dịch thương mại bên ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã giảm rõ rệt.
Cuộc khảo sát trên 1.610 doanh nghiệp có doanh thu ít nhất 3 triệu USD/năm trên khắp thế giới về việc sử dụng RMB trong giao dịch, thanh toán của HSBC cho ra kết quả chỉ 17% doanh nghiệp thực hiện giao dịch bằng RMB, giảm so với 22% trong năm ngoái.
Cụ thể, giao dịch bằng RMB ở Đức giảm 7% và ở Pháp giảm 10% so với năm ngoái, dù tiền tệ của Trung Quốc đã tăng giá trị so với 16 loại tiền tệ chính trên thế giới, đặc biệt là Euro, trong vòng 12 tháng qua.
Giải thích cho điều này, ông Vina Cheung, người đứng đầu bộ phận quốc tế hóa RMB của HSBC tại Hồng Kông nói: “Các quy định phức tạp của Trung Quốc cùng sự minh bạch về lợi ích có được khi thực hiện giao dịch bằng RMB là hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này”. Ông Cheung nói thêm, hiện việc sử dụng RMB chủ yếu vẫn gói gọn trong các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương hoặc những vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc.
Khảo sát của HSBC cũng cho thấy, Hồng Kông là thị trường sử dụng RMB làm đồng tiền giao dịch lớn nhất với hơn một nửa doanh nghiệp Hồng Kông thực hiện thanh toán qua biên giới bằng loại tiền này. Theo sau đó là Đài Loan và Trung Quốc với mức độ dùng RMB lần lượt là 38% và 35%.
Với thông tin trên, lập luận “hoạt động giao dịch và thanh toán bằng RMB ở bên ngoài Trung Quốc gia tăng” mà Bắc Kinh đưa ra cách đây không lâu nhằm đẩy nhân dân tệ của Trung Quốc vào rổ tiền tệ dự trữ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm sức thuyết phục.
Cuối năm 2015, IMF sẽ tiến hành kiểm tra rổ tiền tệ - hoạt động diễn ra 2 lần trong vòng 10 năm - để các nước thành viên xem xét lại số lượng tài sản dự trữ chính thức. Sự xuất hiện của RMB trong giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) đồng nghĩa với việc IMF công nhận tiền tệ Trung Quốc là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Theo Bloomberg, vào năm 2010, IMF từng từ chối đưa RMB vào giỏ SDR với lý do đồng tiền này chưa phổ biến toàn cầu. Hiện tại, USD, Euro, Yên Nhật và Bảng Anh là 4 loại tiền tệ có mặt trong rổ tiền tệ dự trữ quốc tế của IMF.
Bình luận (0)