Ngày 20.4, giá trị giao dịch chứng khoán tiếp tục giảm xuống thấp với hơn 8.000 tỉ đồng trên cả 3 sàn. Dòng tiền tham gia yếu khiến các chỉ số chứng khoán chỉ dao động trong biên độ hẹp. Chốt phiên, VN-Index tăng 0,27 điểm lên 1.049,25 điểm và HNX-Index tăng 0,76 điểm lên 206,61 điểm. Dù giao dịch xuống thấp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu.
Chẳng hạn, Công ty CP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán TNH) sẽ chốt danh sách cổ đông vào 21.4 thực hiện trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu mới chào bán cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, bệnh viện sẽ phát hành 15,56 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông tương đương tỷ lệ 30%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 30 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá 155,6 tỉ đồng.
Đồng thời, Bệnh viện Thái Nguyên sẽ phát hành gần 25,94 triệu cổ phiếu mới chào bán ra công chúng cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành 2:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 2 quyền mua lại được mua 1 cổ phiếu mới. Giá phát hành 20.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động khoảng hơn 518 tỉ đồng. Kế hoạch sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán gồm chi 300 tỉ đồng đầu tư dự án bệnh viện TNH Việt Yên; hơn 30,7 tỉ đồng mua máy móc thiết bị cho Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và 178 tỉ đồng để trả nợ vay các tổ chức tín dụng.
Hay Đại hội cổ đông năm 2023 của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã chứng khoán TIG) diễn ra trong ngày 19.4 cũng thông qua kế hoạch phát hành 240 tỉ đồng cổ phiếu riêng lẻ. Các mục tiêu, kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận và chi trả cổ tức cũng được xây dựng dựa trên kịch bản TIG phát hành thành công số cổ phiếu này.
Tương tự, Công ty CP Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán SZC) cũng công bố kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông trong giai đoạn 2023 - 2024. Công ty chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, tương ứng dự kiến chào bán 60 triệu cổ phiếu, ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định giá chào bán nhưng không không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu và dự kiến triển khai trong năm 2023 - 2024.
Tập đoàn Masan vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2023 dự kiến diễn ra vào 24.4. Trong đó có nội dung sẽ lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán cổ phần mới và kế hoạch sử dụng vốn. Cụ thể, Masan sẽ chào bán riêng lẻ cổ phần ưu đãi cổ tức với số lượng tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán. Hiện nay, Masan có vốn điều lệ 14.237 tỉ đồng, tương đương 1,42 tỉ cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, Masan sẽ chào bán riêng lẻ tối đa khoảng 142 triệu cổ phiếu MSN.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành, cổ phần ưu đãi không được hưởng cổ tức. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi tối đa là 10%/năm. Đồng thời, mỗi cổ phần ưu đãi được phép chuyển đổi thành một cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành.
Bình luận (0)