Giáo dục cần thực chất

22/04/2021 04:36 GMT+7

Có nhiều học sinh đặt câu hỏi sau những giờ học có giáo viên dự giờ: Sao cô/thầy không giống như hằng ngày? Đó là bởi từ cách nói năng, hành động của giáo viên đều trở nên khác thường và có phần “diễn” so với ngày thường chỉ có cô với trò.

Những giờ học như thế thật sự đều căng thẳng và nặng nề với cả cô trò. Và rồi cũng chỉ là một buổi dạy mẫu chứ ít khi diễn ra trong thực tế mỗi ngày đến trường.
Câu chuyện mà Báo Thanh Niên vừa nêu, giáo viên bật khóc nức nở sau khi kết thúc buổi thi giáo viên dạy giỏi do gặp sự cố kỹ thuật phần nào cho thấy áp lực rất nặng nề về thành tích, hình thức trong các hoạt động giáo dục.
Còn biết bao sự việc cho thấy căn bệnh này không hề thuyên giảm dù có nhiều chính sách đổi mới trong giáo dục với những mục tiêu tốt đẹp.
Điểm mới trong quy trình thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 là Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi giáo viên phải có bản nhận xét về các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách. Tuy nhiên, trên thực tế không ít giáo viên thực hiện việc này mang tính đối phó, hình thức bằng cách xin bản nhận xét mẫu của đồng nghiệp để sao chép vừa khỏi nghiên cứu vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với giáo viên đã như thế thì không trách gì văn mẫu vẫn tiếp tục tồn tại ở các trường từ tiểu học đến THPT. Dù bị phê phán rất nhiều nhưng cho đến nay, để đảm bảo an toàn về điểm số, các giáo viên vẫn ôn tập cho học sinh theo kiểu hướng dẫn sẵn đầy đủ các ý để học sinh cứ thế thực hiện theo.
Có thể những cách làm này bước đầu mang lại kết quả như điểm số cao, được đánh giá, xếp loại tốt… nhưng về lâu về dài sẽ không đem lại hiệu quả và giá trị thật sự.
Mục đích của thi giáo viên dạy giỏi, tiết dạy tốt là để nhân rộng những hình thức học tập hay, hiệu quả, áp dụng vào hoạt động giáo dục hằng ngày. Nhưng trên thực tế, sau những giờ “học mẫu” thì đâu vẫn vào đấy. Vậy tổ chức dạy giỏi, học tốt để làm gì nếu học sinh không được lợi gì từ những cuộc thi này?
Tương tự, yêu cầu giáo viên viết nhận xét sách giáo khoa là để có những đánh giá thực chất nhằm chọn ra được sách giáo khoa tốt nhất, phù hợp nhất cho học trò mình. Nhưng với cách làm theo kiểu đối phó như một số giáo viên đang thực hiện thì hậu quả sẽ rất lớn nếu sách giáo khoa được chọn không phải là sách tốt nhất. Có lẽ bài học về chọn sách giáo khoa lớp 1 năm vừa qua vẫn còn thời sự!
Cho học sinh điểm cao với những bài văn mẫu bóng bẩy thì trước mắt sẽ có nhiều học sinh xếp loại khá giỏi nhưng trong tương lai, chúng ta sẽ có những học sinh tốt nghiệp THPT hoặc cử nhân, kỹ sư không thể viết một lá đơn xin phép, báo cáo, kế hoạch; không thể đọc để hiểu vấn đề một cách tường minh…
Nếu nền giáo dục chỉ nhìn vào điểm số, thành tích để phấn đấu thì sẽ gây ra những hậu quả nặng nề trong tương lai, làm xói mòn những nguyên tắc, giá trị cơ bản của giáo dục, của việc dạy làm người.
Giáo dục cần thực chất chứ không phải đánh giá bằng sự lấp lánh của “trang sức” là thành tích. Mong mỏi này đã được đặt ra bao nhiêu năm nay, đến giờ vẫn mới. Và đây cũng là thử thách với tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.