Giáo dục 'chèn - ép'

19/10/2024 06:08 GMT+7

Sau loạt bài về những biến tướng ngày càng tinh vi về dạy học tự nguyện, liên kết trong các trường công lập trên Báo Thanh Niên vừa qua, phóng viên thực hiện đề tài không khỏi xót xa khi thấy rất nhiều bình luận đồng tình với bài viết, cũng như bày tỏ sự chán nản, mệt mỏi của phụ huynh đối với thực trạng trên.

Không ít bạn đọc tâm tư, mong báo chí đồng hành đi đến cùng để có cách giải quyết rốt ráo từ cơ quan chức năng. Có cảm giác, họ không biết "bấu víu" vào đâu!

"Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường chỉ dạy chương trình chính khóa mà khó vậy sao?" là câu hỏi nhận được nhiều lượt đồng tình. Có lẽ, khi chưa có con đi học, bản thân người đặt câu hỏi này cũng không cực đoan đến nỗi không muốn nhà trường đưa thêm môn học hay hoạt động giáo dục nào ngoài chương trình khung của Bộ GD-ĐT vào giảng dạy. Tuy nhiên, cách mà các trường đang thực hiện đã làm méo mó chủ trương này. Sau rất nhiều năm trường học được phép đưa vào các hoạt động giáo dục liên kết, tăng cường, bồi dưỡng (có thu phí)… thì cũng bằng ấy thời gian phụ huynh phải đau đầu với câu hỏi tự nguyện hay không tự nguyện đăng ký học cho con mỗi dịp khai trường.

Điều mà dư luận gần đây lên án nhiều nhất là việc các nhà trường "chèn" các môn học/hoạt động giáo dục liên kết, tăng cường vào thời khóa biểu dạy học chính khóa. Năm nay, tình trạng này có giảm bớt sau khi Bộ GD-ĐT ra hàng loạt văn bản, động thái chấn chỉnh. Thế nhưng điều đó không có nghĩa các trường chấp nhận đưa môn học tự nguyện trở về đúng nghĩa.

Dạy học liên kết ngày càng tinh vi hơn! Người viết bài này phải thốt lên như vậy bởi chứng kiến không ít trường dùng rất nhiều "tiểu xảo" khác nhau để ép phụ huynh buộc phải lựa chọn. Giờ học chính khóa ở cấp tiểu học thì dồn dập, để kết thúc vào lúc chưa đến 15 giờ và sau giờ đó là những tiết học không chính khóa, là các dịch vụ dạy học bồi dưỡng, tăng cường, liên kết... Đa số phụ huynh không thể rời nhiệm sở để về đón con vào giờ đó, vậy là đành đăng ký thêm cho con học vài ba tiết nữa ở trường, coi như thêm một khoản trông giữ trẻ.

Có trường thì xếp các lớp có tổ chức dạy tiếng Anh liên kết, tiếng Anh quốc tế… là "lớp chọn", bố trí những giáo viên tốt nhất của trường giảng dạy. Kiểu thiết kế "bia kèm lạc" này khiến phụ huynh dù không có nhu cầu học tiếng Anh liên kết ở trường cũng đành chấp nhận tham gia với mức học phí cao hơn rất nhiều. Ai chẳng muốn con mình được học những giáo viên giỏi?!

Rất nhiều nghi ngờ đặt ra khi thời khóa biểu được xếp tiện cho việc bố trí người dạy của đối tác liên kết nhiều hơn là tiện cho việc học của học sinh và giờ đưa đón của phụ huynh. Có nơi thậm chí còn giải thích nếu tất cả các giờ học liên kết đều dồn vào ngoài giờ lên lớp thì đơn vị mà trường hợp tác sẽ không bố trí đủ người dạy bởi một đơn vị thường phối hợp với nhiều trường trên địa bàn.

Nhiều phụ huynh và chuyên gia giáo dục đề nghị đã đến lúc cần một sự chỉ đạo dứt khoát từ ngành giáo dục trong vấn đề này, không thể để phụ huynh và học sinh mất niềm tin với giáo dục bởi những việc tưởng như chỉ là "phụ", là "thêm" như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.