Giáo dục đang mất 'thiêng', vì sao?
Những vụ bạo hành, lạm dụng tình dục, gian dối thi cử liên tục diễn ra trong thời gian qua. Tiến sĩ Giáp Văn Dương, Hiệu trưởng Trường Vietschool, giải mã sự mất 'thiêng' này của giáo dục.
Tự động phát
|
Thời gian vừa qua, liên tục có các vụ lùm xùm, khủng hoảng, scandal… liên quan đến giáo dục, do cả thầy và trò gây ra. Không chỉ đơn thuần là những vấn đề về bạo lực học đường, hay lỗi ứng xử của thầy trò trong nhà trường, mà đã lan xuống những vấn đề đạo đức cơ bản nhất, đến cội nguồn nhân tính, đến mức phải chất vấn: Chuyện gì đang diễn ra trong nhà trường thế này?
Những vụ bạo hành diễn ra trong lớp học trước sự vô cảm của những học sinh chứng kiến. Những vụ lạm dụng tình dục diễn ra ngay trong trường lớp, đến mức thầy phải ra tòa. Những gian dối thi cử được bao che và diễn ra như thách thức cả xã hội.
Hình ảnh của giáo dục và người thầy đã không còn đẹp như xưa nữa. Nhà trường cũng không còn là nơi được mặc định là an toàn. Người thầy cũng không còn được mặc định là chỗ dựa cho học trò nữa.. Dường như, niềm tin đang đổ vỡ, giáo dục đang mất thiêng.
Vì sao nên nỗi?
Tạm gạt bỏ tất cả những câu trả lời đã có, như: đạo đức xuống cấp, quản lý giáo dục có vấn đề, xã hội có quá nhiều cám dỗ… như chúng ta vẫn thường nói. Tôi nghĩ còn một lý do quan trọng nữa, đó là: Giáo dục và người thầy đã từng phần đánh mất con người bên trong để chạy theo những thứ bên ngoài, đánh mất nguồn gốc của nhân văn và ý nghĩa để đổi lấy điểm số, thành tích ảo, các thủ tục hành chính giáo dục…
Hệ quả là giáo dục và người thầy, thay vì dẫn dắt và làm chủ, tràn đầy sức sống và ý nghĩa, đã đánh mất chính mình và trở thành phương tiện cho những thứ được sinh ra để phục vụ giáo dục.
Nhà trường và người thầy vì thế đánh mất sự tự chủ và ý nghĩa về sự tồn tại của chính mình, đánh mất sự thiêng liêng trong công việc khai mở và bồi dưỡng nhân tính của mình. Công việc của người thầy và của giáo dục không còn là nâng đỡ và phát triển con người như vốn dĩ phải thế, thì đã chuyển sang hành chính và kiểm soát.
Người thầy và nhà trường đã từng bước đánh mất sự kết nối với nguồn cội của chính mình, không còn định hình được “mình là ai?” trong công việc của chính mình. Vì thế, nhà trường và người thầy nhiều khi đã lạc lối và trở thành thứ thấp hơn bản thân mình và trở thành một hệ thống thao tác và quy trình vô cảm, tuy được kiểm soát và đúng quy trình, nhưng lại xa lạ với bản thể của mình, với sứ mệnh nâng đỡ và phát triển con người mà mình phải gánh vác.
Nói cách khác, nhà trường và người thầy đã đánh đổi ý nghĩa về sự tồn tại của mình, về công việc mà mình thực hiện, để đáp ứng những đòi hỏi có tính cách phương tiện, như điểm số, thành tích, hành chính giáo dục…
Đó là nguồn gốc sâu xa vì sao giáo dục dần mất thiêng, hình ảnh người thầy không còn cao đẹp, và những khủng hoảng giá trị liên tiếp xảy ra trong nhà trường trong thời gian vừa rồi.
Đây là thách thức có tính cách thời đại. Muốn vượt qua, người thầy và nhà trường chỉ còn một cách, là trở về với chính mình, với sứ mệnh nguyên thủy của mình, đó là nâng đỡ và phát triển con người, trong tinh thần nhân văn, sống động và ngập tràn ý nghĩa.
Bình luận (0)