Đó là vấn đề được đưa ra tại tọa đàm "Nâng cao chất lượng giáo dục cho hội nhập và phát triển bền vững vùng ĐBSCL" diễn ra tại Trường ĐH Cần Thơ ngày 30.3.
Tại buổi tọa đàm, nhiều tổ chức giáo dục quốc tế; chuyên gia nước ngoài; trường ĐH trên toàn quốc; đại diện UBND, các sở ban, ngành và sở GD-ĐT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và bàn giải pháp góp phần giúp giáo dục ĐBSCL phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng.
Có nhiều lợi thế nhưng giáo dục ĐBSCL còn nhiều bất cập
Ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ ĐBSCL tuy có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn năng lực trẻ nhạy bén trong hội nhập kinh tế toàn cầu... nhưng giáo dục của vùng hiện vẫn còn nhiều bất cập. Điển hình là tỷ lệ huy động người tham gia xóa mù chữ thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp so với mặt bằng cả nước. Điều này đặt ra một bài toán lớn trong việc đẩy mạnh quá trình hội nhập và phát triển vùng ĐBSCL.
Qua chia sẻ của các đại biểu, giáo dục vùng ĐBSCL còn nhiều 'điểm nghẽn' cần được tháo gỡ để có thể nói đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, điểm chung giữa nhiều địa phương là thực trạng thiếu nguồn lực giáo viên và vấn đề chất lượng giáo viên.
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, cho biết việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở địa phương đang gặp khó khăn kép, thiếu cơ sở vật chất và thiếu giáo viên. Bà Hằng bộc bạch: "Đội ngũ giáo viên của tỉnh thiếu nhiều so với định mức quy định. Công tác tuyển dụng chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch do không có nguồn dự tuyển. Bên cạnh đó, trình độ của cán bộ quản lý, giáo viên vẫn còn hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học. Vì vậy, Hậu Giang cần hệ thống mạng lưới liên kết cơ sở đào tạo giáo viên với các trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học…".
Cần nâng cao chất lượng giáo viên
Vấn đề của Hậu Giang cũng chính là của TP.Cần Thơ. Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho rằng việc nâng cao chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, phương diện cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng được xem là quan trọng nhất. Tuy Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL nhưng công tác tuyển dụng giáo viên cũng đang gặp rất nhiều trở ngại. Đơn cử như khối THPT, 2 môn âm nhạc và mỹ thuật đang thiếu số lượng giáo viên rất đáng kể.
Một trong những lý do ông Tăng đưa ra là do các trường CĐ, ĐH đào tạo ngành sư phạm chưa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "đón đầu" trong đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, để thu hút nhân tài, ông Tăng đề xuất các sở GD-ĐT cần có cơ chế, hành lang pháp lý tuyển dụng cụ thể, có ưu đãi cho ứng viên địa phương và cả những thí sinh ở các tỉnh, thành khác.
Trong khi đó, ông Trần Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng để giáo dục vùng ĐBSCL phát triển, điều cấp thiết nhất là cần đội ngũ giáo viên giỏi. Song, việc đào tạo giáo viên không thể nóng vội mà cần có thời gian tập trung đào tạo sự phạm, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên được vững chắc chuyên môn, kỹ năng. "Khi giáo viên đã giỏi, đủ năng lực, tất nhiên sẽ truyền cảm hứng được cho học sinh. Hiện, nhiều nơi đang 'làm ngược', muốn phát huy năng lực cho học sinh trong khi chất lượng của giáo viên còn hạn chế", ông Minh nói.
Bình luận (0)