Giáo dục phổ thông có 3 bậc và mỗi bậc học có đặc điểm riêng về lứa tuổi về thể chất, tâm lý và mỗi học sinh có hoàn cảnh gia đình, sinh sống, sinh hoạt khác nhau. Vì vậy, ở mỗi giai đoạn, giáo dục học sinh không chỉ bằng kỷ luật mà còn bằng cả trái tim và tri thức của ngườ thầy
Với bậc tiểu học, chúng ta nhận thấy rằng đứa bé như đang tập bước đi trong hành trình tiếp thu tri thức dài 12 năm. Bước đầu là tập đi nên cần có phương tiện hỗ trợ, có chỗ vịn cho khỏi té ngã.
Lên THCS thì bước đi vững vàng nên nhìn ngó, quan sát chung quanh và dễ bùng nổ về tâm lý. Lứa tuổi này cũng dễ nổi loạn, dễ thay đổi tính cách. Khi vào THPT là các em tập chạy, phải biết lấy đà, phải hít thở, chạy nhanh, biết tăng tốc để đến cái đích tốt nghiệp THPT và tiến vào ĐH . Ở ĐH là phải chạy, chạy cho nhanh, khi cần là phải nhảy, nhảy xa, nhảy cao để tìm một chỗ đứng trong xã hội .
Nói riêng về bậc tiểu học, ở mỗi nước mà tôi đi qua, mỗi nền giáo dục đều có những cách thức để rèn luyện học sinh, có thể dùng kỷ luật nhưng trên tất cả là bằng tình yêu thương.
|
Kỷ luật bằng cách cho học sinh làm các việc công ích nhẹ nhàng
Tôi có dịp đến Thái Lan nhiều lần theo các chương trình khác nhau. Trong chuyến đi đến Chiangmai và 5 tỉnh lân cận theo chuyên đề Quyền trẻ em, tôi thấy nhà trường gắn với cộng đồng. Nhà chùa và sư trụ trì có vai trò rất quan trọng với nhà trường. Trong tuần, theo thời khoá biểu, học sinh đến chùa đọc kinh, nghe nhà sư giảng giáo lý. Những học sinh quậy phá, bị phạt quỳ và nặng hơn là đọc các câu kinh để sám hối và sửa chửa sai lầm. Còn trong trường lớp, học sinh sai phạm thì được nhắc nhở nặng hơn như làm các việc công ích nhẹ nhàng như quét dọn một buổi buổi trên hành lang hay sân trường. Biếng học, quậy phá thì gia đình nhờ nhà chùa cùng giáo dục.
Trung tâm giúp đỡ học sinh cùng tiến bộ
Còn ở Singapore, tôi đã đến làm việc với Bộ Giáo dục, đến các trường tiểu học công lập và tư thục. Ở đây, những học sinh có nguy cơ hư, giáo viên khi phát hiện phải có kế hoạch phối hợp với gia đình tìm cách giúp đỡ để em trở lại như học sinh bình thường. Nếu những biện pháp mà giáo viên đã áp dụng học sinh không có tiến bộ, giáo viên phải báo cáo cho hiệu trưởng để báo về Bộ Giáo dục. Ở Singapore, Bộ Giáo dục có một trung tâm giúp học sinh có nguy cơ hư hỏng, trung tâm này sẽ cử chuyên viên đến trường cùng học với các em. Sau đó tuỳ mức độ , hành vi sai phạm thuộc vấn đề nào, sẽ bàn bạc với gia đình cho em về trung tâm tiếp tục việc học và tham dự các phương pháp giúp học sinh trở lại bình thường. Tôi có đến trung tâm và nhận thấy một không gian hoạt động giáo dục rất thân thiện và sôi nổi. Trái với hình dung của tôi rằng đó là nơi sẽ sử dụng các hình phạt răn dạy cho học trò sợ hãi mà lo học tập.
Học sinh tiểu học rất ham chơi rồi mê các trò chơi, học trò mê chơi môn nào đến trung tâm, các em sẽ được tiếp tục chơi thoả thích, có đầy đủ dụng cụ và có huấn luyện viên. Nhưng sau đó các em sẽ được phân tích, ví dụ em hay đánh nhau và được học võ thuật. Muốn đánh cho thắng thì cần sức khoẻ, nhanh nhạy… Đá banh cũng vậy, ngoài sức khoẻ phải biết lực đẩy, vị trí bàn chân đặt lên trái banh, sức gió, tốc độ…
|
Luôn luôn nhẫn nại lắng nghe học sinh
Tại Thụy Điển, ở thủ đô Stockholm, chúng tôi đến thăm trường tiểu học nằm trên con đường trong một khu phố rất đẹp. Tìm hiểu về kỷ luật học sinh, vị hiệu trưởng cho biết khi giáo viên báo lên có học sinh hư mà giáo viên đã không còn biện pháp nào giáo dục cho hiệu quả, hiệu trưởng sẽ mời học sinh đó nói chuyện. Đó là căn phòng được trang trí đẹp nhất trường, bàn ghế sắp đặt trang trọng, trên tường treo tranh- những bức tranh mang tính giáo dục nhưng rất nghệ thuật. Hiệu trưởng sẽ nói chuyện với học sinh theo phương pháp tâm lý sư phạm như hỏi thăm, trao đổi những chuyện chẳng liên quan đến sai phạm của các em ở lớp, thật nhẹ nhàng, thoải mái... Hiệu trưởng từng bước dẫn dắt học sinh vào nhiệm vụ học tập của mình. Chính hiệu trưởng cho biết, không phải lúc nào cũng thành công nhưng phải kiên trì lắng nghe, chịu khó và nhẫn nại. Với cách làm đó, trường chưa có học sinh nào mà không giáo dục được.
Khi tôi đến thăm một ngôi trường ở cách xa thủ đô hơn 100 km, chúng tôi được tận mắt thấy một lớp học, sau khi chuông reo, các em ra sân trường ngồi thành vòng tròn, yên lặng và bấm vào ngón tay trong 10 phút trước khi ra khỏi trường. Tôi được giải thích đó là các em đang tập ngồi thiền và nhớ lại hôm nay mình làm cái gì đúng cái gì chưa hay…
Học sinh tiểu học khi đến trường tất cả các em đều là người đều tốt!. Hiền, dữ là do giáo dục mà nên. Bậc tiểu học dạy chữ là dạy làm người. Những nhà giáo dục luôn nhớ để giáo dục học sinh không chỉ bằng kỷ luật mà còn bằng cả trái tim và tri thức của người thầy .
Bình luận (0)