Giáo dục không thể như ‘bún mắng’, ‘cháo chửi’

09/05/2018 08:17 GMT+7

Vụ người dạy phạt tiền, mạt sát người học 'óc lợn' khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng người VN khao khát một kết quả học tập cao đến mức chấp nhận đánh đổi lấy việc bị xúc phạm, bị nghe những lời lẽ phi văn hóa?

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, PGS Chu Cẩm Thơ (ảnh), Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng giáo dục không thể như “bún mắng”, “cháo chửi”, muốn ăn ngon thì phải chấp nhận.
Giáo dục còn là văn hóa, đạo đức
Theo bà, điều gì khiến một trung tâm có người dạy như bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty MST (Hà Nội), mạt sát người học là “óc lợn”, vẫn tồn tại với rất nhiều học viên dù sự việc vỡ lở mới phát hiện là trung tâm này hoạt động “chui”?
Thứ nhất, có một công thức mà người ta hay nói đến là đặt ra mục tiêu - tạo áp lực - đạt mục tiêu nên nhiều giáo viên (GV) áp dụng công thức đó khiến người học chịu áp lực mà mình đặt ra.
Tuy nhiên, những người học có hiểu biết phải nhìn nhận rằng đạt mục tiêu nếu chỉ xét trên kết quả, điểm số thì chắc chắn không phải là giá trị duy nhất của một quá trình học tập. Sau này, khi nghiên cứu lại công thức “thành công” đó, người ta cũng thấy rằng cái cách đạt mục tiêu bằng tạo áp lực hà khắc có những hậu quả không hề nhỏ.
Phương pháp dạy học lệch lạc về văn hóa ứng xử của bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty MST (Hà Nội), khiến dư luận phẫn nộ ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Điều này gây hậu quả gì, thưa bà?
Hậu quả thứ nhất là các vấn đề về cảm xúc, có thể người học đã đạt mục tiêu là đỗ đạt một kỳ thi nào đó, nhưng suốt cả một quá trình chịu áp lực quá lớn để đạt mục tiêu đó khiến họ luôn có cảm xúc tiêu cực, gây ra những bệnh về tâm lý.
Hậu quả thứ hai là các giá trị về văn hóa và đạo đức. Những người đã chọn cách học, thầy cô có phương pháp dạy học rất lệch lạc về văn hóa ứng xử như vậy thì đã giảm thiểu những cơ hội để họ được trang bị, tiếp cận những giá trị về văn hóa và đạo đức.
Giáo dục tích cực, hiện đại sẽ rất hạn chế công thức mà tôi vừa đề cập trên. Công thức bền vững nhất trong giáo dục phải là mục tiêu về giá trị song hành với mục tiêu về kết quả.
Trường hợp cô giáo “bọ cạp” trước đây và người mạt sát người học là “óc lợn” này đều có một điểm chung là bên cạnh ý kiến chỉ trích vẫn có học viên vào lý giải rằng đó là “phong cách”, cô dạy hay nên học sinh vẫn chấp nhận phong cách đó?
Nhiều người học có thể thấy bà Tuyến phát âm tiếng Anh “hay” và tự tin về điều đó đã vội đánh giá đó là người dạy hay. Nhưng chưa có một văn bản, giấy tờ nào chứng minh rằng bà Tuyến trước hết được phép hành nghề dạy học để có thể gọi là GV rồi chuyên môn mà bà Tuyến giảng dạy ra sao... Thông tin mà tôi được biết là bà Tuyến mới chỉ có đăng ký học văn bằng 2 về tiếng Anh ở Trường ĐH Hà Nội và mới nhập học từ tháng 3.2018. Không ít người tự mạo danh là GV và tổ chức các khóa học trực tuyến như vậy.
Nhiều người so sánh phương pháp giáo dục mạt sát người học với các hàng “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội và cho rằng thích ăn ngon thì phải chấp nhận. Bà có cho rằng so sánh chấp nhận được?
Không thể chấp nhận được điều đó. Giáo dục không chỉ biểu hiện bằng kết quả duy nhất là mục tiêu kiến thức. Sản phẩm hoàn hảo của giáo dục là một sự tổng hòa giữa các yếu tố liên quan đến văn hóa, đạo đức bên cạnh kiến thức. Một bài học không chỉ để đánh giá bạn được bao nhiêu điểm về kiến thức mà cả các giá trị khác. Ngay như môn tiếng Anh, không chỉ học để nghe, nói, đọc, viết mà học còn là để hiểu biết về văn hóa, về cách thức giao tiếp chuẩn mực...
Giáo dục khác hẳn các sản phẩm khác ở chỗ đó, khác hẳn với chuyện ăn uống hay một bộ trang phục.
Vì trường học thiếu vắng giáo viên giỏi và dám cam kết đầu ra ?
Không ít GV “nổi tiếng” ở các thành phố lớn khi tổ chức dạy thêm ở nhà hoặc ở trung tâm cũng tỏ ra rất kiêu ngạo, tuy vậy học sinh và phụ huynh vẫn “đổ xô” đến. Vậy theo bà, việc đánh đổi, chấp nhận một văn hóa ứng xử “chợ búa” để được học một GV “dạy giỏi” có đáng không?
Văn hóa lựa chọn dịch vụ giáo dục theo tôi cũng thể hiện một phần văn hóa của người tiêu dùng hiện nay. Họ đánh giá cái hay theo cảm tính, không theo tiêu chuẩn của giáo dục sẽ vô hình trung tiếp tay cho những người dạy chui, trung tâm dạy chui như của bà Tuyến có “đất” phát triển.
Có ý kiến cho rằng vì các trường học chính thống đang quá thiếu vắng những GV giỏi, dạy lôi cuốn; thiếu cả những cam kết về chuẩn đầu ra nên nhiều người học buộc phải tìm đến những người dạy như bà Tuyến ở bên ngoài?
Tôi cũng không cho rằng đó là nguyên nhân chính. Đúng là người học bao giờ cũng muốn có một kết quả “đo đếm” được, muốn có một phương pháp dạy học khác lạ và nhiều người, nhiều trung tâm ở bên ngoài đã đánh trúng tâm lý thích sự khác biệt ấy để tạo ra một sản phẩm khác biệt so với giáo dục phổ thông đại trà để “bán được hàng”. Trên thực tế giáo dục phổ thông của chúng ta đã có những tiêu chuẩn cần đạt với mỗi cấp học, lớp học. Tuy nhiên, “chuẩn đầu ra” mà người học đặt ra lại không phải chuẩn đầu ra mà ngành GD-ĐT xây dựng. Chuẩn đầu ra trong trường hợp này là nhu cầu rất riêng biệt của mỗi cá nhân mà giáo dục đại trà không thể đáp ứng hết được.
Vậy trước nhiều trung tâm cung cấp dịch vụ giáo dục với các khóa học được quảng cáo rất hấp dẫn như hiện nay, lời khuyên của bà với người học là gì?
Hãy chọn một sản phẩm giáo dục là học không phải chỉ đạt kết quả về điểm số, về kiến thức đơn thuần mà giá trị toàn diện về đạo đức, văn hóa. Xác định đúng mục tiêu thì người học sẽ trở thành người tiêu dùng thông minh bằng cách trước khi lựa chọn một khóa học nào đó, phải tìm hiểu cơ sở kinh doanh mà mình lựa chọn có đủ các giấy chứng nhận cần thiết không.
Giải thể trung tâm tiếng Anh của MST
Sau khi đoạn phim GV tiếng Anh chửi học viên là “óc lợn” gây xôn xao dư luận, UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung. Theo đó, Chủ tịch UBND TP giao Giám đốc Sở GD-ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), báo cáo Thành ủy, UBND TP kết quả thực hiện trước ngày 15.5.
Tối 8.5, Sở GD-ĐT Hà Nội chính thức thông báo: Thanh tra Sở GD-ĐT đã làm việc với Công ty MST và bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty MST. Thanh tra Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính về giáo dục; ban hành Quyết định về việc xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty MST và bà Tuyến. Cụ thể, xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với Công ty MST do đã tự ý thành lập cơ sở giáo dục để tổ chức dạy ngoại ngữ; xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Kim Tuyến do đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học qua các đoạn phim đã được đăng tải trên mạng xã hội. Đồng thời, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ra thông báo về việc dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại MST; giải thể đối với hành vi tự ý thành lập cơ sở giáo dục của Công ty MST và dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy đối với bà Nguyễn Thị Kim Tuyến.
Hân Vũ - T.Mai
Ý kiến
Giáo dục quan trọng là hình thành nhân cách
Câu chuyện này là hệ quả của nhiều nguyên nhân. Trước hết là về mặt quản lý khi để một trung tâm như vậy hoạt động. Đây cũng là hệ quả của tư tưởng áp đặt trong giáo dục, nhiều người coi mình là nhà giáo và tự cho mình có quyền áp đặt, ra lệnh với người học. Nguyên nhân nữa là hệ quả của nền giáo dục ứng thí, nặng về thành tích. Lâu nay chúng ta cứ đổ xô đi học chỉ để đạt kết quả cao, thành tích cao trong mỗi kỳ thi mà quên mất điều cốt yếu của giáo dục là hình thành nhân cách chứ đâu phải chỉ kiến thức. Quan niệm lệch lạc ấy đã làm nảy sinh những hiện tượng giáo dục chợ búa như vậy.
Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội)
GV không chỉ truyền kiến thức mà còn là người dẫn dắt
Giáo dục là nền tảng xã hội thì nghề giáo cần có sự chuẩn mực và không thể bỏ qua khía cạnh tài hoặc tâm. Người dạy không chỉ truyền kiến thức mà còn là người dẫn dắt, là tấm gương để học sinh soi rọi nên không thể chấp nhận ngôn phong theo kiểu bất chấp.
Cao Huy Thảo (Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc)
Không thể chấp nhận một người thầy thiếu chuẩn mực
Dù giỏi chuyên môn mà chọn hình thức, phương pháp phản giáo dục, thiếu nền tảng văn hóa thì mục tiêu không còn là giáo dục mà chỉ là kiếm tiền. Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một GV chuyên môn chưa tốt vì có thể bồi đắp được. Nhưng còn đạo đức thì không thể chấp nhận một người thầy thiếu chuẩn mực.
Nguyễn Viết Đăng Du (GV Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)
Thấy rùng mình
Là phụ huynh, ai cũng mong con em mình được học với GV vừa giỏi chuyên môn vừa có tâm, có đạo đức nghề nghiệp. Tưởng tượng hình ảnh người thân của mình học tập trong lớp học mà người truyền giảng kiến thức sử dụng ngôn từ và hành vi phản giáo dục đến mức kinh khủng như vậy, tôi thấy rùng mình.
Nguyễn Đức Ngọc Long (Phụ huynh học sinh Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM)
Bích Thanh - Tuệ Nguyễn (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.