Giáo dục, nhìn từ chương trình và sách giáo khoa

19/05/2022 09:03 GMT+7

Những ngày qua, một vấn đề liên quan đến giáo dục nhức nhối nhiều năm nay, được cử tri nhiều tỉnh thành lên tiếng với thái độ đầy tính xây dựng, nhưng không kém phần bức xúc: chất lượng sách giáo khoa.

Những kiến nghị, những phát biểu trong các cuộc họp của các cử tri cho thấy sự kỳ vọng và áp lực rất lớn của công chúng nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng, ở cả 2 lĩnh vực: giáo dục và đào tạo. Nhưng không thể không công nhận một điều, cử tri đã tập trung nói đúng và trúng về câu chuyện được xem là nền tảng của việc xây dựng tri thức cho con người: sách giáo khoa (SGK).

Nếu như SGK được soạn chỉn chu hơn, bài bản và mang ý nghĩa giáo dục cao hơn thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình

dũng minh

Đây là một vấn đề cốt lõi để khi đứng trên bục giảng, thầy cô giáo giảng dạy, định hướng và truyền đạt tri thức cho các em, theo một khuôn phép đúng với ý nghĩa của nghề giáo được dẫn dắt bởi những bộ óc có kinh nghiệm và thực tiễn giáo dục, kết tinh lại trong các bộ SGK. Có thể so sánh hơi khập khiễng một chút, nhưng câu nằm lòng đối với những thầy cô giáo ngày trước, đó là “chương trình và SGK là pháp lệnh”, đến nay ở một góc độ nào đó, vẫn có hiệu ứng khi vận dụng để đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực giáo dục.

Một ví dụ nhỏ để thấy sự thay đổi từ cách cảm nhận đến nhận thức rõ ràng nhất trong mấy năm qua, là cách ra đề thi môn văn cho các kỳ thi học sinh giỏi lẫn các kỳ thi tốt nghiệp. Đọc các mẫu đề thi ấy, người viết có cảm giác những cách ra đề khô khan xơ cứng trước đây đã thay đổi rất nhiều. Các thầy cô giáo đã tìm tòi, vận dụng để “chiếc áo chật” kinh điển được mở toang cho những gì tươi mới, có thể cho các em vận dụng sáng tạo bằng trí tưởng của mình, được bay bổng hơn. Ý nghĩa “pháp lệnh” theo kiểu giảng dạy của ngày trước, khoảng vào các thập niên 1980, 1990 như đã nói ở trên, dường như đã được vận dụng linh hoạt hơn, với khái niệm rộng ra và thoáng hơn.

Chất lượng SGK lớp 1, ở tuổi ban đầu cắp sách đến trường, có vấn đề khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Nếu như SGK được soạn chỉn chu hơn, bài bản và mang ý nghĩa giáo dục cao hơn với lứa tuổi nhi đồng, thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình. Rất tiếc, do sự vội vàng, tắc trách hoặc chạy theo mục đích thương mại, đã khiến cho các bậc phụ huynh, các cử tri lên tiếng phê phán trong các cuộc tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội về hoạt động soạn và xuất bản SGK trong nhà trường. Đó là một câu chuyện chẳng đặng đừng, nhưng phải nói!

Làm sao để có SGK nghiêm túc nhưng mang ý nghĩa giáo dục cao ở các môn khoa học xã hội, và có tính vừa sức, có ý nghĩa khai mở vận dụng sáng tạo vào thực nghiệm của các môn khoa học tự nhiên là một điều rất khó. Nhưng không thể không làm được, nếu loại bỏ bớt các vấn đề mang tính rập khuôn, ấu trĩ và mang nặng yếu tố thương mại trong khi soạn và xuất bản sách. Đây là điều đòi hỏi tâm huyết và sự quan tâm thấu đáo của không chỉ riêng ngành giáo dục, mà của rất nhiều tầng, nhiều giới trong xã hội.

Cũng như vậy, việc tranh luận lịch sử thành môn lựa chọn hay bắt buộc, nếu chưa căn cứ vào số liệu thống kê tỷ lệ học sinh có ham thích học môn lịch sử hay không hoặc chưa đánh giá lại sách lịch sử được soạn như thế nào, thiết kế chương trình giáo dục mới… để rồi đưa ra những quyết sách vội vàng, sẽ là sự sai lầm trong định hướng giáo dục.

Bởi thế, một khi đặt trọng tâm trách nhiệm và tâm huyết với con em trong quá trình soạn, xuất bản và phát hành SGK thì chắc chắn chúng ta sẽ có những cuốn sách chuẩn xuyên suốt các bậc học, bên cạnh các bộ sách tham khảo phong phú, đa dạng, nhằm bổ khuyết cho tri thức của các em ngày một hoàn thiện hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.