Hội thảo là diễn đàn để các thành viên Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực, các đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia trình bày, thảo luận, phân tích, đóng góp ý kiến, giải pháp định hướng đổi mới GD-ĐT. Đổi mới trên cơ sở mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhận định: Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam đang đi theo hướng phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học. Giáo dục vì sự phát triển bền vững hướng tới các kiến thức, kỹ năng, giá trị và năng lục hành động để thực hiện các mục tiêu quốc gia theo các trụ cột của phát triển bền vững, để trong phát triển kinh tế nhưng các mục tiêu kinh tế - văn hóa, xã hội và môi trường vẫn giữ được.
Đi theo hướng phát triển nhân lực bền vững, hội thảo tập trung thảo luận về đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục phổ thông để nâng cao chất lượng giáo dục; đổi mới trong đào tạo đại học để góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới trong quản lý giáo dục để cải thiện công bằng và bình đẳng trong giáo dục.
Cụ thể, đối với ngành GD-ĐT, mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam là “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất rằng đường lối, chiến lược, chính sách đổi mới và phát triển bền vững hệ thống giáo dục đại học và sau đại học là một trong những chiến lược cần quan tâm và đầu tư phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Để bắt nhịp với xu thế phát triển giáo dục đại học và sau đại học trên thế giới, gắn liền với bối cảnh mới do đại dịch Covid-19 tác động, cần có sự đầu tư đổi mới về chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực giảng viên chất lượng cao và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
Bình luận (0)