Chiều nay 23.10, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM họp với đại diện các sở GD-ĐT phía Nam về kế hoạch bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại đây, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết sinh viên năm 4 của trường sẽ được học chuyên đề phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới để khi ra trường đi dạy không phải tham gia bồi dưỡng bổ sung.
Không nên tách rời đội ngũ quản lý
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, tất cả giáo viên phổ thông trong phạm vi toàn quốc được bồi dưỡng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình bộ công bố. Năm 2019 sẽ hoàn thành bồi dưỡng module 1 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho tất cả giáo viên các cấp. Giáo viên hoàn thành bồi dưỡng sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành.
Sau khi được bồi dưỡng trực tiếp kết hợp với trực tuyến, giáo viên cốt cán sẽ lập được kế hoạch và thực hiện việc hỗ trợ bồi dưỡng cho các giáo viên phổ thông khác tại trường, cụm theo kế hoạch của sở.
Theo kế hoạch, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ bồi dưỡng cho trên 7.900 giáo viên của 19 tỉnh phía Nam. Theo kế hoạch dự kiến, thời gian để tập huấn cho giáp viên sư phạm chủ chốt đến tháng 9 vừa qua, bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán diễn ra trong tháng 10 và 11, trước khi thực hiện với giáo viên đại trà vào 2 tháng cuối năm.
Ông Trần Quang Bảo, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho rằng một hội thảo về nội dung này diễn ra tại Đà Nẵng trước đó đã chỉ ra được đối tượng bồi dưỡng đang bị bỏ sót là cán bộ quản lý. “Theo từ điển tiếng Việt thì nhà giáo là gồm giáo viên trực tiếp giảng dạy và cán bộ quản lý. Vì vậy việc bồi dường chỉ dừng lại ở đối tượng giáo viên mà tách riêng đội ngũ quản lý là thiếu”, ông Bảo nói.
Kiểm tra bồi dưỡng trực tuyến bằng cách nào?
Trong kế hoạch bồi dưỡng này, giáo viên cốt cán sẽ có tổng cộng 15 ngày theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tuy nhiên việc bồi dưỡng giáo viên bằng hình thức trực tuyến đang gặp một số khó khăn.
Đại diện Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết có những giáo viên chưa biết mình được chọn làm giáo viên cốt cán của trường. Người này cho biết: “Theo ý kiến chủ quan, giáo viên trẻ tham gia học trực tuyến thì không lo lắm nhưng bộ phận người lớn tuổi do hạn chế trình độ công nghệ thông tin, bệnh về mắt thì hơi gặp khó khăn”.
Đại diện Phòng Giáo dục trung học của Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang thì băn khoăn về việc trong giám sát hoạt động tham gia học trực tuyến của giáo viên. Người này nói: “Khi triển khai tập huấn trực tuyến nhưng không biết giáo viên mình có tham gia không và mức độ tới đâu. Nên chăng hệ thống này phân quyền cho Sở, trường học tham gia để giám sát giáo viên trong quá trình học tập”.
Giải đáp vấn đề này, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: “Muốn dạy học phát triển năng lực mà kiểm tra đạo đức và chuyên cần của giáo viên thì không thể được. Giáo viên phải tự phát triển năng lực thì mới đi dạy học năng lực được”.
Theo ông Sơn, thời gian học trực tuyến chính là khoảng thời gian tự học của giáo viên. Nếu giám sát theo kiểu hành chính là không được, trên hệ thống này có hiển thị tình hình học tập của từng giáo viên.
Bình luận (0)