Giáo dục trực tuyến Việt Nam: Bứt phá sau cột mốc 15 năm

16/03/2022 09:00 GMT+7

Doanh thu có thể chạm mốc 3 tỉ USD, Edtech Việt Nam đang được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng, hội tụ được các yếu tố phát triển và có nhiều dư địa.

10 năm thử thách

Không phải ngẫu nhiên, The Economist lại xem giáo dục tại Việt Nam là một thị trường cực kỳ tiềm năng. Từ năm 2000, mức chi trả cho giáo dục tại Việt Nam đã tăng rất nhanh. Năm 2020, kết quả khảo sát mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, trung bình các hộ dân cư đang chi hơn 7 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018.

Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng này là rất nhỏ so với giáo dục trực tuyến. Theo Ken Research, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường giáo dục trực tuyến phát triển nhanh nhất toàn cầu với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 44,3%. Thị trường này có thể tăng trưởng với tốc độ khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019-2023. “Covid-19 là một cú hích mang tính “thiên thời” khiến Edtech trở nên quen thuộc với đời sống vì không ai có lựa chọn khác”, ông Phạm Giang Linh, Tổng giám đốc Galaxy Education (kiêm nhà điều hành của HOCMAI) nhận xét. Theo ông Linh, trong 2 năm vừa qua, tăng trưởng của các đơn vị kinh doanh giáo dục trực tuyến có thể lên đến hơn 150%.

Mặc dù là một quốc gia đang phát triển nhưng mãi đến khoảng 2007, Việt Nam mới manh nha làm quen với giáo dục trực tuyến. HOCMAI là một trong những cái tên tiên phong thử nghiệm với con đường này. Tuy nhiên, với những người sáng lập, suốt 10 năm đầu, Edtech Việt Nam là miếng bánh khó nhằn. Hạ tầng không đủ, nhân lực chuyên môn không có, lại thêm việc bị đánh đồng với vấn nạn nghiện game online… tất cả khiến mối quan tâm của người dùng dành cho lĩnh vực này thời điểm 10 năm đó thực sự không nhiều. “Bản chất của giáo dục trực tuyến là nội dung số được đóng gói sẵn, học sinh đăng nhập và tự học. Thực tế, khả năng tự học của người Việt Nam trước đây cũng không tốt. Vì vậy, Edtech khó có thể bứt phá cũng là chuyện… thuận tự nhiên”, ông Linh nói. Tuy nhiên, theo người điều hành HOCMAI, dù khó khăn nhưng đây lại là ngành còn nhiều tiềm năng cho những người thực sự kiên trì. Điển hình là sau 15 năm, dù có thời điểm rất khó khăn về doanh thu nhưng HOCMAI vẫn vững vàng và bứt phá để giữ được vị trí doanh nghiệp tiên phong và dẫn đầu của ngành Edtech Việt Nam.

Học sinh thật sự quen với giáo dục trực tuyến từ sau đại dịch Covid-19

Còn nhớ, những năm 2006, khi Việt Nam thay đổi sách giáo khoa phổ thông, chuyển đổi hình thức thi đại học mới và việc dùng internet còn sơ khai, các mạng xã hội, diễn đàn… Việt Nam cũng đã có hình thức chia sẻ các tài liệu tra cứu tư liệu, đề thi luyện thi đại học… để từ đó, dần hình thành nên các cộng đồng học tập trực tuyến. Đây cũng là xuất phát điểm của những thương hiệu Edtech đầu tiên của Việt Nam. Tháng 3.2007 HOCMAI chính thức đi vào hoạt động với sự tham gia của những nhà sáng lập trẻ, đam mê công nghệ và giàu tâm huyết với giáo dục. Tuy nhiên, ở khúc dạo đầu, các nền tảng giáo dục trực tuyến này cũng chỉ chia sẻ nội dung hữu ích để khuyến khích người dùng, với mục tiêu tạo cộng đồng, tạo thói quen. Thậm chí, có giai đoạn, HOCMAI còn phải tổ chức các lớp luyện thi offline để thu hút giáo viên, học viên, lấy mô hình truyền thống nuôi giấc mơ giáo dục hiện đại.

Mở cửa cho đầu tư

Theo thống kê của Nikkei, quy mô thị trường Edtech Việt Nam hiện đang chạm mốc 3 tỉ USD, tăng mạnh từ mốc 2 tỉ USD ghi nhận vào năm 2019. Covid-19 với những hệ lụy của nó đã khiến Edtech trở thành thị trường cực kỳ sôi động. Theo một báo cáo mới đây của Do Ventures công bố, EdTech đang là lĩnh vực được đầu tư nhiều thứ 3 tại Việt Nam trong 8 năm qua ở mảng công nghệ. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực EdTech tại Việt Nam là 103 triệu USD, chỉ xếp sau lĩnh vực thanh toán (462 triệu USD) và bán lẻ (416 triệu USD). Chia sẻ về tiềm năng của giáo dục trực tuyến, “shark” Nguyễn Mạnh Dũng, nhà sáng lập quỹ đầu tư Do Ventures từng nhận định, Việt Nam là một thị trường tiềm năng để phát triển E-Learning bởi có hơn 60% dân số sử dụng internet, người dùng chủ yếu là giới trẻ với nhu cầu học tập cao, chi tiêu cho giáo dục được ưu tiên… Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Marathon - Startup dạy thêm trực tuyến của Việt Nam vừa thành lập đầu năm 2021, đã gọi được 1,5 triệu USD vốn đầu tư từ Forge Ventures, Venturra Discovery… và các nhà đầu tư thiên thần là một ví dụ.

Trước đó, thương vụ đình đám Tập đoàn Galaxy đầu tư vào HOCMAI lại là minh chứng cho nguồn lực đầu tư của khối nội. Edtech có gần 6 triệu học viên, 500 giáo viên, 37.000 bài giảng, hơn 1.000 khóa học này đã chinh phục được các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm của Galaxy - nơi hội tụ những người làm nên những nền tảng số ấn tượng như ứng dụng xem phim trực tuyến Galaxy Play hay ví điện tử MoMo... Đánh giá cao những thành tích mà HOCMAI đã gây dựng được thời gian qua, ông Lương Công Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Galaxy cho biết, khác với những thương vụ chỉ thuần vốn, các nhà đầu tư Galaxy sẽ đồng hành, tham gia tư vấn cho HOCMAI để nền tảng này có thể bứt phá và trở thành điểm nhấn và niềm tự hào của Edtech Việt. Cũng theo ông Hiếu, sau thương vụ này, Galaxy vẫn đang tìm kiếm để đầu tư vào các công ty giáo dục trực tuyến khác ở tất cả các khối như mầm non, phổ thông, đại học, dạy nghề... để tạo nên một hệ sinh thái Edtech thuần Việt. Điều này cho thấy, dòng vốn đầu tư vào thị trường vẫn sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Trụ sở Galaxy Education tại TPHCM

Cơ hội bứt phá

Đánh giá về giáo dục trực tuyến Việt Nam, bà Phạm Hà Phương, Giám đốc vận hành Zuni.vn cho biết áp lực kinh doanh trong lĩnh vực Edtech khá cao những năm vừa qua vì người dùng vẫn chưa sẵn sàng chi tiêu nhiều cho việc trải nghiệm và học tập trên môi trường trực tuyến. Thế nhưng, Covid-19 đã giúp ngành rút ngắn được gần 10 năm phát triển, rút ngắn được giai đoạn thuyết phục người dùng.

Tỷ lệ 80% đến 90% học sinh, sinh viên đã quen thuộc với hình thức học trực tuyến, sẽ là bước đệm vững chắc cho Edtech phát triển. Tuy nhiên, phần lớn giáo dục trực tuyến hiện nay vẫn chỉ là bước chuyển bắt buộc từ mô hình truyền thống lên môi trường internet để thích nghi, chưa có sự đầu tư bài bản, dài hạn. Đây cũng sẽ là thử thách lớn cho những người kinh doanh giáo dục trực tuyến đúng nghĩa.

Đồng quan điểm, ông Phạm Giang Linh cũng cho rằng, vì phải thích ứng bị động với môi trường online nên nội dung giảng dạy của các trường vẫn nguyên thời lượng như truyền thống. Giáo viên quen với lối giảng bài độc thoại, cộng với nội dung chưa hấp dẫn như hiện nay vừa kém hiệu quả, vừa có thể tạo ấn tượng xấu về giáo dục trực tuyến. Chưa kể, đại dịch khiến học sinh học trực tuyến là chủ yếu, nếu thêm các khóa học online khác thì thời gian học trên máy tính quá dài, do vậy cũng khó để phụ huynh cho con theo học các lớp trực tuyến.

Thế nhưng, bù lại, đại dịch đã giúp phụ huynh quen và sẵn sàng chi tiền cho dịch vụ học trực tuyến cho con em mình. Muốn tạo được bứt phá từ lợi thế này, doanh nghiệp trong ngành buộc phải lấy người học làm trung tâm, tính toán và đầu tư hơn nữa bài toán nội dung và chất lượng giảng dạy. Ông phân tích: “Sau khi đã quen, người dùng sẽ chú ý nhiều hơn đến trải nghiệm của người học. Phụ huynh cũng sẽ đòi hỏi chất lượng các khóa học nhiều hơn”. Do vậy, thời gian tới, chiến lược của HOCMAI là tập trung tăng hàm lượng công nghệ để nâng cao trải nghiệm người dùng, đầu tư hơn nữa trong công tác phát triển nội dung để có thế giữ vững thế mạnh của thương hiệu dẫn đầu thị trường.

Xuất phát điểm là con số không, từ nền tảng công nghệ đến đội ngũ nhân sự… sau 15 năm, giáo dục trực tuyến Việt Nam rõ ràng đang có những chuyển biến rất tích cực nhưng sẽ không dừng lại ở đây bởi với những người làm nghề, sự phát triển này vẫn chưa đúng với tiềm năng lẫn thực lực. Vì điều này mà người điều hành HOCMAI cho rằng, khi đại dịch ổn định, thị trường Edtech sẽ vận động rất nhanh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hơn, mức độ cạnh tranh sẽ rất nhiều. “Nguồn lực của ngành vẫn còn rất lớn. Bây giờ, mới là giai đoạn bắt đầu”, ông Linh nói vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.